Hình ảnh loài rệp sống trên mặt người

Một loại rệp có tên Demodex sinh sống trên mặt người, ăn dầu trong lỗ chân lông và đẻ trứng trong tuyến bã nhờn.

Demodex sống trong lỗ chân lông và chỉ ra ngoài vào ban đêm để giao phối. Ảnh: Commons.

Nghe giống như phim kinh dị, nhưng những sinh vật siêu nhỏ, bí ẩn này có thật và sống trên tất cả các loài động vật có vú. Demodex nhỏ đến mức hầu hết mọi người không biết chúng tồn tại. Với chiều dài khoảng 0,15-0,4 mm, phải vài con rệp này gộp lại mới có bằng kích thước một đầu kim.

Gần đây, loài vật này lại gây sự chú ý sau khi nhà khoa học James Weiss, tác giả cuốn sách Vẻ đẹp tiềm ẩn của thế giới vi mô, quay video cho thấy các Demodex sinh sống và di chuyển trên mặt người bằng 8 chiếc chân nhỏ xíu ngọ nguậy. Sau khi nhìn thấy một chấm đen nhỏ trên trán, Weiss đã lấy mẫu và đưa vào quan sát qua kính hiển vi.

Loài vật bí ẩn trên mặt người

Demodex lần đầu được phát hiện bởi Gustav Simon, một bác sĩ da liễu người Đức, vào năm 1842. Gần 200 năm sau, các nhà khoa học vẫn không hoàn toàn chắc chắn tại sao những con rệp bí ẩn này tồn tại và sống trên động vật có vú. Demodex và động vật có vú chỉ đơn giản là tiến hóa cùng nhau theo thời gian, theo Michelle Trautwein, nhà côn trùng học tại Viện Khoa học California (Mỹ).

"Demodex không chỉ ở trên da người, mà ở tất cả các loài động vật có vú. Chúng tiến hóa trên các loài động vật có vú sơ khai và tiếp tục cùng tồn tại", Trautwein nói với Insider.

da anh 1

Hình ảnh kính hiển vi của James Weiss cho thấy hàng loạt Demodex sinh sống trên mặt người. Ảnh: James Weiss/Journey to the Microscomsos.

Có 2 loài Demodex được tìm thấy trên người. Demodex folliculorum, thích cư trú trong nang tóc của chúng ta và Demodex brevis, sống trong các tuyến bã nhờn kết nối với nang lông, Bruce Robinson, bác sĩ da liễu ở thành phố New York, cho biết.

Trautwein cho biết loài rệp này chủ yếu được tìm thấy trên mặt, đặc biệt là Demodex folliculorum, nhưng cũng sống ở các bộ phận nhờn khác trên cơ thể chúng ta, như ống tai, mũi và vùng mu. Demodex chủ yếu ở trong lỗ chân lông, ngoại trừ vào ban đêm khi chúng xuất hiện để tìm bạn tình. Sau khi giao phối, Demodex cái quay trở lại lỗ chân lông để đẻ trứng, thường khoảng 15-20 trứng mỗi lần. Trứng nở sau khi thụ thai 3-4 ngày.

Con đực chỉ sống được vài tuần rồi chết và phân hủy trong nang lông hoặc tuyến bã nhờn. Tuy nhiên, con cái có thể sống tới 70 ngày và đẻ tới 100 quả trứng trong suốt vòng đời.

Lợi ích của Demodex

Sự thực về Demodex có thể khiến nhiều người rùng mình, nhưng những con vật nhỏ bé này không gây hại cho con người, thậm chí giúp cân bằng hệ vi sinh vật trên da.

da anh 2

Demodex có thân dài và 8 chân nhỏ ngọ nguậy giúp di chuyển trên da. Ảnh: James Weiss/Journey to the Microscomsos.

“Demodex là bạn của chúng ta, nó ăn và loại bỏ da chết, đồng thời loại bỏ lượng dầu thừa mà chúng ta không cần", Robinson nói. Quá nhiều dầu trên mặt có thể gây ra mụn trứng cá và các tình trạng bệnh khác trên da.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý trong một số trường hợp, quá nhiều rệp Demodex trên mặt có thể gây kích ứng và các vấn đề về da như trứng cá đỏ. Tình trạng này xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch yếu không thể kiểm soát được số lượng Demodex.

Robinson cho biết vì Demodex sống bên trong lỗ chân lông nên gần như không thể loại bỏ chúng khỏi khuôn mặt. Nhưng ngay cả khi có thể, thì cũng không nên. “Có một sự hài hòa trong da, gồm các loại vi khuẩn và vi sinh vật tốt, và nếu sự hài hòa này bị xáo trộn thì sẽ kéo theo những vấn đề khác", Robinson nói. Vì vậy, không nên tìm cách loại bỏ Demodex trừ khi nó gây ra vấn đề.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.