
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá phản ứng và biện pháp của các nước nhằm ứng phó với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, cả những giải pháp trước mắt và lâu dài để thích ứng với tình hình mới; báo cáo tình hình, phân tích về cơ hội và thách thức đối với hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc làm sao để tận dụng, khai thác tốt hơn thị trường các nước; kiến nghị giải pháp cụ thể về mở rộng thị trường thương mại, đầu tư, đồng thời, đưa ra những đề xuất để tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.
Các đại biểu đánh giá, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có những bước đi bài bản, tổng thể, chiến lược trong xử lý những chuyển biến mới của thế giới và khu vực. Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế mới, chúng ta đã nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến trấn an tinh thần, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn thông qua tháo gỡ về thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, sớm xây dựng gói kích cầu, thúc đẩy đầu tư công, các lĩnh vực động lực tăng trưởng.
Các đại biểu cho rằng, các giải pháp của chúng ta là rất tích cực, nhanh nhạy, nhưng cũng giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, sáng tạo, chủ động, thích ứng kịp thời, linh hoạt.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, cho đến nay đã có khoảng 50 quốc gia đề nghị được đàm phán với Hoa Kỳ song Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất và là nước đầu tiên có trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất, đặt nền tảng quan trọng cho quá trình đàm phán song phương tới đây.
Các đại biểu cho rằng tình hình tới đây sẽ còn nhiều phức tạp, khó khăn và khó đoán định; không loại trừ khả năng các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và các đối tác sẽ từng bước làm thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu, định hình lại các chuỗi cung ứng, nhất là các công nghệ cao và các mặt hàng chiến lược.
Trong đó, cạnh tranh chiến lược, xu thế bảo hộ thương mại, dịch chuyển đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao, gia tăng kiểm soát về công nghệ sẽ đẩy nhanh phân tách, phân mảng, đặc biệt về công nghệ. Điều này đặt các nền kinh tế đang phát triển ở vị trí ngày càng khó khăn, chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn về thương mại và thu hút đầu tư, và tham gia cân bằng, hiệu quả vào các chuỗi cung ứng.
Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong "bộ tứ chiến lược"
Kết luận hội nghị, Thủ tướng trước hết chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong "bộ tứ chiến lược" theo các nghị quyết, chủ trương của Đảng gồm: (1) đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (2) sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; (3) phát triển khu vực kinh tế tư nhân; (4) hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Cụ thể, triển khai hiệu quả Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp; chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng. Thủ tướng nêu rõ, đây là những nội dung có liên kết chặt chẽ với nhau, là việc khó mà chúng ta phải làm và tin chắc chúng ta sẽ thành công.
Một nội dung mới khác là hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới được thực hiện với những tư tưởng mới, như chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế quốc gia đi sau sang trạng thái quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên.
Về tình hình mới trong thương mại quốc tế, trong đó có chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Thủ tướng cho rằng phải luôn đặt con người, sự vật trong vận động và phát triển; nhìn nhận mọi vấn đề từ góc nhìn tích cực, tích cực hóa tiêu cực. Do đó, trong ứng phó, tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà càng khó khăn thách thức, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hóa của con người Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan mới sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có nước ta, song tình hình tuy có khó khăn, thách thức nhưng vẫn không khó khăn bằng những năm đầu đổi mới và càng không khó khăn bằng thời kỳ kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bị bao vây, cấm vận.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tái cấu trúc thị trường, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, vươn lên mạnh mẽ hơn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng cho biết Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan sẽ tiếp tục tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về đột phá thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.
Dự kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội khoảng 35 luật, nghị quyết, trong đó có các dự án luật về doanh nghiệp, đầu tư, đối tác công tư, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng vốn nhà nước, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Cùng với đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Về chính sách tài khóa, Thủ tướng cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2025 và cả năm 2026, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Chính phủ, các bộ, ngành làm công tác quy hoạch; đàm phán mở rộng thị trường; bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng về chính sách và nguồn lực; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa; đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp…
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải bám sát, nắm chắc tình hình, đề xuất các giải pháp, kết nối nền kinh tế nước ta với nước sở tại, khu vực sở tại, đặc biệt là kết nối doanh nghiệp, đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, kết nối doanh nghiệp gồm kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn; thường xuyên trao đổi với các hiệp hội ngành hàng, địa phương trong nước.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động xử lý các công việc bảo đảm thông suốt, không ách tắc, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân, làm việc với tất cả nhiệt huyết, con tim và khối óc chứ không phải làm cho xong.
Mong các doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, ngày càng đoàn kết, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phối hợp tốt với chính quyền, cơ quan đại diện ở nước ngoài, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tăng cường xúc tiến thương mại và hợp tác lẫn nhau, nâng cao tính tự lực, tự cường, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ… và hoạt động đúng luật.
Liên quan chính sách thuế của Hoa Kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước, trong đó có Hoa Kỳ, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, tăng cường đối thoại, đàm phán, không đối đầu, không gây căng thẳng, không làm phức tạp vấn đề, lựa chọn cách tiếp cận thông minh, tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo, cố gắng làm những việc có thể làm, lựa chọn phương án hiệu quả nhất, cân bằng, hài hòa lợi ích hai bên, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền, tự chủ, vị thế đất nước.
Thủ tướng nêu rõ các giải pháp phải gồm cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, cả trước mắt và lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại, có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có diện rộng và trọng điểm…
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác như đầu tư, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, các ngành mới nổi; Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là thị trường duy nhất, chúng ta còn nhiều thị trường rất tiềm năng khác cần tận dụng hiệu quả hơn, nhất là khai thác 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới.
Mong muốn các cơ quan đại diện tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, trách nhiệm cao nhất trong bối cảnh mới, Thủ tướng nêu rõ tất cả đều phải nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, thiết thực, hiệu quả hơn nữa, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược về ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà tạo lực, tạo thế để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới để đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.