Hoàng tử Saudi Arabia qua đời sau hơn 20 năm hôn mê

Hoàng tử Al-Waleed bin Khalid Al-Saud - thường được gọi là “Hoàng tử ngủ yên” - qua đời sau hơn hai thập kỷ hôn mê vì tai nạn giao thông thảm khốc ở Anh, hưởng dương 36 tuổi.

Hoàng tử Al-Waleed bin Khalid Al-Saud hưởng dương 36 tuổi. Ảnh: NDTV.

Thời điểm xảy ra tai nạn năm 2005, hoàng tử mới 15 tuổi và đang theo học tại học viện quân sự ở London. Vụ va chạm khiến ông bị chấn thương sọ não nặng, xuất huyết não và chấn thương nội tạng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng hôn mê sâu kéo dài.

Từ đó đến nay, Hoàng tử Al‑Waleed được chăm sóc tại King Abdulaziz Medical City, dưới sự giám sát và hỗ trợ y tế liên tục. Mặc dù từng có những dấu hiệu phản ứng nhẹ, chẳng hạn như nâng tay hay ngón tay trong các đoạn video được gia đình chia sẻ, nhưng ông vẫn không thể tỉnh lại hoàn toàn.

Cha của ông, Hoàng tử Khaled bin Talal Al Saud, xác nhận tin buồn trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), trích dẫn một câu trong Kinh Quran: “Với trái tim tin tưởng vào ý muốn và định mệnh của Allah, cùng nỗi đau buồn sâu sắc, chúng tôi xin thông báo Hoàng tử Al-Waleed bin Khaled bin Talal bin Abdulaziz Al Saud đã về với Allah. Xin Người ban phước lành và lòng thương xót cho con”.

Trong suốt 20 năm qua, Hoàng tử Khaled không từ bỏ hy vọng con trai mình sẽ hồi phục. Ông kiên quyết bác bỏ mọi lời kêu gọi rút máy hỗ trợ sự sống và luôn đồng hành trong quá trình chăm sóc con.

Tin buồn cũng được xác nhận qua thông báo từ Cung điện Hoàng gia và Cơ quan báo chí Saudi (SPA).

Sự ra đi của ông đã khiến hashtag #SleepingPrince trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, với hàng nghìn lời chia buồn: "Xin cầu nguyện cho Hoàng tử Al-Waleed bin Khaled được yên nghỉ. Thành kính phân ưu cùng gia đình", "Mong linh hồn hiền từ của ngài được yên nghỉ vĩnh hằng".

Lễ cầu nguyện và tang lễ đã được tổ chức vào ngày 20/7, tại Thánh đường Imam Turki bin Abdullah ở Riyadh, sau lễ Asr dành cho nam và sau Dhuhr dành cho nữ, theo thông báo chính thức.

'Thế hệ lo âu'

Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.