Học phí 6 trường có ngành Báo chí - Truyền thông, cao nhất 52 triệu đồng/năm

Các trường đại học đào tạo ngành Báo chí - Truyền thông dự kiến tăng học phí năm 2023 - 2024, dao động 15 - 52 triệu đồng, tuỳ từng chuyên ngành, chương trình.

Theo đề án tuyển sinh đại học năm 2023 các trường vừa công bố, mức học phí dự kiến của các trường đều tăng, lộ trình tăng học phí từng năm theo Nghị định 81.

Năm nay, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh 27 ngành, chương trình đào tạo, trong đó tuyển 135 chỉ tiêu vào ngành Báo chí.

Trường áp dụng mức học phí năm học 2023 - 2024 từ 15 đến 35 triệu đồng/năm, tuỳ từng ngành học. Cụ thể, các chương trình đào tạo chuẩn (trừ các chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng) là 15 triệu đồng/năm học (tăng 3 triệu đồng so với năm ngoái), tương đương 400.000 đồng/tín chỉ.

Học phí 6 trường có ngành Báo chí - Truyền thông, cao nhất 52 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Sinh viên báo chí thực hành nghiệp vụ. (Ảnh minh hoạ)

Trường có 18 ngành được kiểm định nên học phí so cao hơn chương trình chuẩn từ 20 - 35 triệu đồng/năm. Cụ thể, 9 chương trình đã được kiểm định có mức học phí 20 triệu đồng/năm gồm: Lịch sử, Chính trị học, Lưu trữ học, Triết học, Tôn giáo học, Nhân học, Ngôn ngữ học, Việt Nam học, Xã hội học.

Ba ngành học phí cao nhất - 35 triệu đồng/năm: Báo chí, Quản trị khách sạn, Quan hệ công chúng.

Năm ngoái, điểm chuẩn vào ngành Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dao động từ 25,75 - 29,90 điểm, tuỳ vào từng tổ hợp xét tuyển.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tăng học phí gấp đôi sau 2 năm không điều chỉnh tăng theo quy định của Chính phủ.

Trường áp dụng mức học phí các ngành hệ đại trà (báo in, báo mạng điện tử, báo phát thanh, báo truyền hình, đa phương tiện, truyền thông đại chúng...) là 506.900 đồng/tín chỉ với khóa sinh viên 2023 - 2024 (tăng hơn 224.000 đồng/tin so với năm trước) khoảng 18,1 triệu đồng/năm.

Hệ chất lượng cao (Báo truyền hình chất lượng cao, Báo mạng điện tử chất lượng cao) cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 771.000 đồng/tín chỉ, khoảng 52 triệu đồng/năm học.

Các ngành Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh được miễn học phí.

Năm nay Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông tuyển 65 chỉ tiêu ngành Báo chí, 130 chỉ tiêu ngành Truyền thông đa phương tiện, mở thêm ngành Truyền thông và quan hệ công chúng.

Trường đưa ra mức học phí hệ đại trà 24,5 - 27,8 triệu đồng/năm tùy theo từng ngành. Năm trước, nhà trường thu học phí 13 ngành đào tạo dao động từ 21,60 - 23,94 triệu đồng tùy từng ngành. Trường cũng công khai lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ không quá 15% mỗi năm.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội dành 75 chỉ tiêu ngành Báo chí, dự kiến mức thu học phí với sinh viên đại học chính quy là 442.000 đồng/tín chỉ.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TP.HCM tuyển sinh 34 ngành học. Trong đó, ngành Báo chí tuyển 160 chỉ tiêu (hệ 60 chỉ tiêu chất lượng cao), ngành Truyền thông đa phương tiện tuyển 70 chỉ tiêu.

Trường đưa ra mức học phí cho năm học tới từ 13 đến 64 triệu đồng/năm học, tuỳ vào từng ngành/chương trình đào tạo. Trường áp dụng mức học phí nhóm ngành Quan hệ quốc tế, Tâm lý học, Báo chí, Truyền thông đa phương tiện là 710.000 đồng/tín chỉ, tương đương 22.000.000 đồng/năm học.

Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế năm nay tuyển 130 chỉ tiêu ngành Báo chí và 55 chỉ tiêu vào ngành Truyền thông số. Tuy nhiên, trường không nêu rõ mức học phí chỉ úp mở thông báo, học phí bằng 1,5 lần mức phí của sinh viên chính quy và được thu theo quy định của Đại học Huế, lộ trình tăng học phí theo quy định của Nghị định số 81 của Chính phủ.