Ngày 12-11, ngày thứ hai của Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy "trả phí" để ngăn chặn những thảm họa nhân đạo do khí hậu gây ra, và lưu ý không còn nhiều thời gian để hạn chế sự gia tăng Khống chế nhiệt độ toàn cầu: Cần hành động mạnh mẽ hơn
Hội nghị COP29: Trả phí hay trả giá?
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh các nước đang phát triển không được rời Hội nghị COP29 ở Azerbaijan với 'hai bàn tay trắng'. Ông nói: 'Đạt được thỏa thuận là điều bắt buộc'.
Tài chính khí hậu là một trong những chủ đề nóng nhất của COP29, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Mức cam kết ban đầu là 100 tỉ USD mỗi năm, nhưng nhu cầu thực tế hiện nay cao hơn nhiều. Các nước đang phát triển kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỉ USD, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay.
Các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của nó đang diễn ra nhanh hơn dự báo, với nguy cơ thế giới đạt mức tăng nhiệt độ 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là một ngưỡng quan trọng, vì nếu vượt qua nó, thế giới có thể đối mặt với biến đổi khí hậu "cực đoan và không thể đảo ngược".
Tài chính khí hậu
Trong ngày đầu tiên của hội nghị hôm 11-11, các nước đã nhất trí những tiêu chuẩn mới của LHQ về thị trường carbon quốc tế. Bước đột phá này được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho một thị trường hoàn chỉnh trong tương lai gần.
Chủ tịch COP29, ông Mukhtar Babayev, ca ngợi bước đột phá này nhưng nhấn mạnh cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Một số quy tắc cơ bản quan trọng để đưa thị trường vào hoạt động đã được thông qua, trong khi các khía cạnh quan trọng khác của khuôn khổ chung như biện pháp bảo vệ và vấn đề quản trị vẫn cần được đàm phán.
Tuy nhiên tại cuộc họp báo ngày 12-11, các quan chức COP29 đã cố gắng hướng lại sự chú ý vào mục tiêu chính của hội nghị: đạt thỏa thuận trị giá lên đến 1.000 tỉ USD nhằm cung cấp "tài chính khí hậu" hằng năm cho các nước đang phát triển.
"Việc tạo điều kiện cho mọi quốc gia hành động khí hậu mạnh mẽ 100% là vì lợi ích chung của tất cả, bao gồm cả các nước lớn nhất và giàu có nhất. Tại sao? Vì khủng hoảng khí hậu đang nhanh chóng trở thành "sát thủ kinh tế"", ông Simon Stiell, người đứng đầu Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, nhấn mạnh.
Ông cảnh báo: "Nếu tất cả các nước không thể cắt giảm mạnh lượng khí thải, mọi quốc gia và mọi hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn mức hiện tại. Chúng ta sẽ sống trong cơn ác mộng lạm phát lâu dài".
Tuy nhiên bất chấp những kêu gọi hợp tác toàn cầu, các quốc gia đã mặc cả về vấn đề này trong nhiều năm với những bất đồng về số tiền phải đóng góp và ai sẽ chi trả.
"Đây sẽ là một hội nghị COP đầy khó khăn", bà Fernanda Carvalho, trưởng bộ phận chính sách năng lượng và khí hậu toàn cầu tại Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, nhận định.
"Các quốc gia đang bị chia rẽ và thiếu sự tin tưởng", bà nói, và cho rằng sự chia rẽ về vấn đề tài chính khí hậu "sẽ được phản ánh trong mọi căn phòng diễn ra các cuộc đàm phán đó".
Vượt qua được trở ngại?
Hội nghị COP29 diễn ra trong bối cảnh lo ngại Mỹ có thể giảm cam kết về biến đổi khí hậu sau khi ông Trump đắc cử. Các nhà lãnh đạo quan trọng như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều vắng mặt.
Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeault nhận xét: "Đây không phải là tình huống lý tưởng, nhưng trong 30 năm qua, COP đã nhiều lần đối mặt trở ngại. Chắc chắn, mọi thứ vẫn có thể".