HPV là một loại virus gây u nhú phổ biến ở người
Ngày 29/3, Bộ Y tế chính thức phát động Chiến dịch Truyền thông toàn quốc "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV".
HPV là một loại virus gây u nhú phổ biến ở người, có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo và các bệnh khác như mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ.
Theo thống kê từ Globocan 2022, mỗi năm có khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV tại Việt Nam, trong đó hơn 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2070, khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do căn bệnh này.
Những con số này cho thấy sự cấp thiết của việc mở rộng truyền thông và triển khai các biện pháp phòng ngừa hiệu quả đến cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Trần Minh).
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các bệnh ung thư gây ra gánh nặng toàn cầu đang ngày một tăng. Mặc dù các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có nhiều nỗ lực về chủ trương, chính sách và thực thi các hoạt động kiểm soát ung thư, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức của người dân về các bệnh ung thư, vận động người dân đi khám, sàng lọc sớm bệnh.
"Cho đến nay, việc xác định nguyên nhân gây bệnh ung thư còn khó khăn, riêng ung thư cổ tử cung các nhà khoa học chứng minh nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm virus HPV. Virus này lây chủ yếu qua đường tình dục.
Không chỉ gây ung thư cổ tử cung, HPV còn gây ra một số bệnh ung thư khác như ung thư âm đạo, dương vật…", Thứ trưởng Tuyên nói.
Sẽ đưa vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng
Theo ông, ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm hoàn toàn có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine phòng HPV hoặc sàng lọc sớm phát hiện tình trạng nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư. Các tổn thương tiền ung thư có thể điều trị khỏi hoàn toàn với các phương pháp khá đơn giản, chi phí thấp.
"Chúng ta tiêm phòng để ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh, chứ không phải khi phát bệnh mới đến bệnh viện", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết số 104 ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030, năm 2026 vaccine dự phòng ung thư cổ tử cung sẽ được đưa vào chương trình.
Vì thế, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân nâng cao trách nhiệm đối với bản thân và đối với cộng đồng bằng cách cùng nhau quyết tâm thực hiện duy trì lối sống lành mạnh, chủ động dự phòng, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, người thân và cộng đồng.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper cũng đánh giá cao sự chung tay của khối y tế tư nhân trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe. Ông nhấn mạnh rằng HPV là một vấn đề có thể phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả nếu có sự can thiệp kịp thời.
"Khi các bên phối hợp chặt chẽ, những nỗ lực phòng chống bệnh tật, bao gồm ung thư do HPV gây ra, sẽ mang lại tác động mạnh mẽ và bền vững hơn tại Việt Nam", Đại sứ Knapper khẳng định.

Ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế ký kết hợp tác triển khai chiến dịch (Ảnh: Trần Minh).
Chiến dịch nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ HPV thông qua các chương trình giáo dục sức khỏe tại nhiều tỉnh thành. Chiến dịch tập trung mở rộng phạm vi tiếp cận, kết nối với tổ chức y tế và ban ngành liên quan để triển khai các giải pháp truyền thông đồng bộ.
Sau lễ phát động, chiến dịch sẽ tiếp tục chuỗi các hoạt động cộng đồng, triển lãm ở các TP Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, đồng thời mở rộng đến các khu vực nông thôn, với kỳ vọng tiếp cận hơn 50.000 người.
Chiến dịch cũng bao gồm triển lãm công nghệ AI nhằm nâng cao nhận thức về HPV.