Họp với Chính phủ, Chủ tịch THACO nói gì về đề nghị của Thủ tướng trong việc nghiên cứu, sản xuất tàu đường sắt tốc độ cao?

Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Theo đó, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO đã cố một số phát biểu tại Hội nghị.

Họp với Chính phủ, Chủ tịch THACO nói gì về đề nghị của Thủ tướng trong việc nghiên cứu, sản xuất tàu đường sắt tốc độ cao?- Ảnh 1.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO. Nguồn ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO cho biết, sau hơn 25 năm phát triển, THACO đã trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, tập trung vào các ngành như ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tu xây dựng thương mại dịch vụ và logistics.

Với mục tiêu tăng trưởng của cả nước trong năm 2025 đạt 8%, cùng với các năm tiếp theo là hai con số thì các ngành mà THACO đang làm cũng cố gắng đóng góp vào mục tiêu này.

"Chúng tôi đã có được những nền tảng nhất định trong các ngành đang hoạt động sản xuất kinh doanh để hướng đến một kỷ nguyên mới và phát triển với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra", ông Dương cho hay.

Cụ thể, đối với ô tô, THACO hiện sản xuất gần như là tất cả các loại sản phẩm và hiện đang kiểm soát 32% thị phần. Năm ngoái, doanh nghiệp đã bán 92.000 xe, năm nay chúng tôi cố gắng bán 100.000 xe và chúng tôi sẽ tập trung vào xe lai, xe hybrid – xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng.

Đối với ô tô, THACO cũng đã đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa, xe du lịch là từ 27 đến 40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 70%. Đồng thời, giảm được chi phí và đặc biệt đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng tại Việt Nam.

Thứ hai là trong lĩnh vực cơ khí-công nghiệp hỗ trợ, ông Dương chia sẻ, công ty đã hình thành được nền tảng vừa là nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất. Đặc biệt, THACO tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí. Hiện nay, mức tăng trưởng xuất khẩu của công ty rất cao.

Trong thời gian tới, vào tháng 9/2025, THACO sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô hơn 700 ha. Hiện nay, tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp FDI rất cần các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc để giảm giá thành và chi phí logistics.

"Cùng với định hướng của Thủ tướng hôm nay, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình thăm, làm việc tại miền Trung, Chu Lai, Quảng Nam và THACO, chúng tôi sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép", Chủ tịch THACO nhấn mạnh.

Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành.

"Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm", lãnh đạo THACO khẳng định.

Đối với nông nghiệp, sau nhiều năm, doanh nghiệp đã hình thành được mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích hợp tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ và đã thành công áp dụng mô hình này tại Campuchia, tại Lào. 

"Một lần nữa, tại hội nghị này, tôi xin phép nhận trách nhiệm hình thành một mô hình sản xuất tại cao nguyên. Hiện nay, nhận diện tại cao nguyên gặp khó khăn do quy hoạch và hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, dẫn đến việc nông dân có người làm thành công, có người chưa thành công, có lúc thành công, có lúc không thành công", ông Dương cho hay.

Hiện nay, có một số vướng mắc về các quy định pháp lý, nên thời gian vừa qua, có một số dự án dù đã hoàn thành cơ bản nhưng vẫn chưa xong về mặt pháp lý. Chủ tịch THACO kỳ vọng rằng mô hình này sẽ giúp đất nước trở thành một quốc gia sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có thương hiệu và cạnh tranh được với các nước có nền nông nghiệp phát triển.

Đối với logistics, đến nay, công ty đã thành công với cảng 50.000 tấn chuyên dụng về container, đồng thời có kết nối với Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên. Vừa qua, Thủ tướng đã xử lý vấn đề luồng 5 vạn tấn do chúng tôi tự đầu tư xây dựng.

"Nếu thể chế làm nhanh và có đặc thù, thì tôi hứa với Thủ tướng sẽ cố gắng đến đầu năm 2026 đưa vào vận hành. Khi vận hành, công ty cũng đã đầu tư hai tàu có trọng tải 1.800 TEU để kết nối từ Chu Lai đi thẳng ra qua Thượng Hải, từ đó đi châu Âu đi Mỹ, đi Bắc Trung Quốc, đi Hàn Quốc, Nhật Bản thì chắc chắn là chi phí logistics tại miền trung hình sẽ tương đương với 2 miền khác", Chủ tịch THACO phát biểu

Trong đầu tư xây dựng, THACO đã hoàn thành cầu Ba Son kết nối từ trung tâm TPHCM sang Thủ Thiêm. Bốn tuyến đường đã hoàn thành cơ bản, chỉ còn vướng mặt bằng thì trong năm 2025 này, với tháo gỡ rất quyết liệt của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ cố gắng đồng hành cùng với TPHCM để triển khai nhanh chóng. 

Thông qua hội nghị này, người đứng đầu tập đoàn THACO khẳng định sẽ cố gắng nỗ lực phát huy để trong thời gian tới, cố gắng vừa làm tốt, không tiêu cực và cũng không lãng phí để đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng cũng khai thác các quỹ đất.

Trước đó, trong chương trình công tác tại Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã tới thăm một số cơ sở kinh tế trọng điểm, doanh nghiệp lớn của tỉnh gồm Khu kinh tế mở Chu Lai, cảng biển Chu Lai, sân bay Chu Lai, các nhà máy của tập đoàn THACO, tập đoàn HS Hyosung.

Trong khuôn khổ buổi công tác, Thủ tướng đề nghị đề nghị THACO tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất đầu máy, Thủ tướng tin tưởng THACO sẽ đạt kết quả năm 2025 cao hơn 2024 trên tất cả các mặt.