Hướng quản lý, giám sát tài sản số ở Việt Nam

Việt Nam có thứ hạng cao về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa. Tuy nhiên, với nhiều rủi ro tiềm ấn, chuyên gia khuyến khích có cơ chế thử nghiệm và sớm xây dựng các khung pháp lý dưới luật về quản lý tài sản số.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 toàn cầu về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa, theo số liệu của Chainalysis. Ảnh: Reuters.

Tại buổi thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Tác động công nghệ Việt Nam, nhiều chuyên gia đã đưa ra các ý kiến, giải pháp về quản lý tài sản số. Theo báo cáo của Chainalysis, Việt Nam đã ghi nhận tổng giá trị giao dịch tài sản mã hóa lên đến 120 tỷ USD vào tháng 7/2023, tăng 20% so với giai đoạn 2021-2022.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 toàn cầu về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa, đứng thứ 7 thế giới về dân số sở hữu tài sản mã hóa, đồng thời nằm trong 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Bình, chuyên gia về chính sách tài chính nhận định khi chưa có khung pháp lý, tài sản số có thể mang về những rủi ro liên quan đến thực thi chính sách tài chính tiền tệ, an ninh mạng.

Cuối tháng 11/2024, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, trong đó bao gồm một chương riêng về quản lý tài sản số. Luật này được kỳ vọng tạo nền tảng pháp lý ban đầu nhằm giải quyết các rủi ro liên quan đến thất thu thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố và mất kiểm soát tiền tệ.

“Đây là cơ sở bước đầu để đảm bảo hoàn thiện khung pháp lý dưới luật để bao phủ các hoạt động, tạo sự phát triển ổn định, công khai, minh bạch cho thị trường tài sản số, công tác quản lý, giám sát tài sản số”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Bình nhận định.

chinh sach tai san so anh 1

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, chuyên gia về xây dựng chính sách quản lý tài chính. Ảnh: BN.

Ở phần chia sẻ của mình, bà Joy Lam, Trưởng bộ phận Pháp lý Toàn cầu của Binance cho rằng lĩnh vực luật pháp về quản lý tài sản số đã có nhiều thay đổi trong vài năm qua. Chỉ riêng trong 12 tháng trở lại đây, hàng loạt quy định đã được các chính phủ đưa ra nhằm quản lý stablecoin, hình thức token hóa tài sản.

Bà Joy Lam cũng cho rằng việc đưa ra các quy định quản lý tài sản số sẽ giúp người biết các tiêu chuẩn được đưa ra để bảo vệ mình, từ đó đưa ra quyết định khi tham gia thị trường.

Chuyên gia của Binance cho rằng trong 5-10 năm tới, tất cả tài sản, kể các các tài sản truyền thống đều sẽ có hiện diện trên chuỗi khối, với những lợi ích như minh bạch hay hiệu quả hơn. Do đó, pháp lý giữa tài sản truyền thống và tài sản số sẽ có sự giao thoa.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thủy, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Quốc gia, đề xuất áp dụng cơ chế thử nghiệm "hộp cát" (sandbox) cho các lĩnh vực mới như tài sản số, vốn có nhiều ưu điểm nhưng cũng có thể vượt qua các khung pháp lý đang hiện hữu. Cơ chế sandbox, theo Tiến sĩ Thủy, giúp sản phẩm hoặc dịch vụ bộc lộ rõ ưu, nhược điểm, đồng thời cho phép các công ty chứng minh tiềm năng và thu hút đầu tư.

Trong khi đó, từ phía cơ quan quản lý, cơ chế sandbox giúp đánh giá, bổ sung quy định và chính sách kịp thời với sự phát triển của thị trường, công nghệ số.