Sau năm 2030, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm
Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát là phát triển TP. Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là Thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước.
Phát triển TP. Hồ Chí Minh hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về kinh tế, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD.
Về phương án quy hoạch đô thị, đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh tập trung sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các tiêu chí về diện tích và dân số. Phát triển đô thị và nông thôn theo định hướng “làng trong phố, phố trong làng”, kết hợp giữa bảo tồn các giá trị vốn có và phát triển bền vững.
Tiếp tục phát triển TP. HCM là đô thị đặc biệt bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm: thành phố Thủ Đức (đô thị loại I) và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).
Không gian TP. HCM được tổ chức theo định hướng đa trung tâm, đa chức năng và hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ với mô hình thành phố trong thành phố.
Quy hoạch chỉ rõ, sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm, gồm: Khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Quận 7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (đô thị sinh thái biển).
Ranh giới chính thức của các đô thị được xác định theo quyết định thành lập đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TP HCM theo mô hình thành phố đa trung tâm.
Huyện có diện tích lớn nhất và dân số nhỏ nhất TP. Hồ Chí Minh
Là huyện ven biển, nằm về phía Đông Nam TP. Hồ Chí Minh, Cần Giờ giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Châu Thành, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về phía Đông và Đông Bắc.
Cần Giờ giáp với huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) về phía Tây; giáp với huyện Nhà Bè (TP. HCM) về phía Tây Bắc. Phía Nam huyện giáp với Biển Đông.
Theo niên giám thống kê 2023, huyện Cần Giờ có diện tích là hơn 704km2, dân số trung bình là 78.104 người - là huyện có diện tích lớn nhất và dân số nhỏ nhất TP. Hồ Chí Minh.
Quy hoạch TP. HCM nêu rõ, khu vực huyện Cần Giờ tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo.
Theo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là địa điểm dự kiến xây dựng dự án. Với tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 129.000 tỷ đồng (5,5 tỷ USD), ước tính, sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU.
Tại hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải, theo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC, cảng Cần Giờ không chỉ giúp rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hóa nội địa mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khi đi vào hoạt động, cảng Cần Giờ cùng với cụm cảng Cái Mép- Thị Vải sẽ trở thành một tổ hợp cảng giúp nâng cao tính cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam, tái định tuyến lại bản đồ hàng hải của khu vực hiện tại và tương lai là Nội Á.
Không những thế, cụm cảng này còn giúp hàng hóa Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo ra những tuyến vận chuyển hàng đi thẳng quốc tế từ Việt Nam và gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường quốc tế.
Về kinh tế trên địa bàn huyện, theo thông tin từ Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được tổ chức sáng 31/12, năm 2024, huyện thực hiện đạt và vượt kế hoạch 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu và 1/18 chỉ tiêu đạt một phần kế hoạch.
Tăng trưởng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 19,8%, vượt 0,3% kế hoạch. Cơ cấu giá trị sản xuất tiếp tục chuyển dịch tăng tỷ trọng ngành Dịch vụ chiếm 62,4% (tăng 5,3% so với năm 2023, vượt 2,3% kế hoạch).
Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 1.790 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước và vượt 1,2% kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước trong năm ước đạt 666,4 tỷ đồng, tăng 133% so với năm trước và vượt 200% so với dự toán Thành phố giao.