Indonesia: Công bố chiến lược đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng 8%

Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia đã tiết lộ chiến lược đầu tư để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8%.

Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia đã tiết lộ chiến lược đầu tư để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8%, bao gồm cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ, phù hợp với đặc điểm của ngành và khu vực, cho công nghiệp hóa và hạ nguồn.

Chính phủ Indonesia đã liệt kê một số điều kiện tiên quyết về đầu tư để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8% trong 5 năm tới. Các điều kiện gồm có đầu tư trung bình 637,6 triệu USD mỗi năm, trong đó, Chính phủ đóng góp 7,3%, doanh nghiệp nhà nước 6,8% và tư nhân/cộng đồng 85,9%. 

Tiếp theo, tăng cường đầu tư vào công nghiệp hóa và hạ nguồn, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp ưu tiên. Mục tiêu đầu tư tổng cộng gần 185,2 triệu USD vào 15 mặt hàng hạ nguồn (trong đó có niken, đồng, bô xít, thiếc, dầu cọ, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, sắt thép, cát silic). Thứ ba là tăng giá trị đầu tư hướng đến xuất khẩu vào năm 2029 lên 31,2 triệu USD cho đầu tư nước ngoài và 9,2 triệu USD cho đầu tư trong nước.

Cụ thể, Thứ trưởng phụ trách kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, bà Amalia Adininggar cho biết, các ưu đãi đầu tư sẽ không "cào bằng" mà tập trung cho những ngành tạo giá trị gia tăng cao, cũng như tạo thêm nhiều việc làm. Bên cạnh đó, ưu tiên sẽ dành cho các khoản đầu tư liên quan các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), công nghiệp hướng tới xuất khẩu và kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu; các đầu tư chuyển giao công nghệ, giúp phát triển nghiên cứu và đổi mới, áp dụng nguyên tắc bền vững.

Theo bà Amalia, chiến lược thứ hai là phát triển đầu tư dựa trên lợi thế vùng để tạo giá trị gia tăng và giá trị chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ. Tiếp đó, Indonesia sẽ thực hiện chính sách tài chính và tiền tệ mang tính thích ứng, cung cấp nhiều nguồn tài trợ thay thế cho các nhà đầu tư, gồm các ngân hàng, thị trường vốn và các sản phẩm tài chính khác.

Chính phủ Indonesia cũng sẽ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, trong đó có việc đơn giản hóa việc cấp phép đầu tư, đồng bộ hóa chính sách của chính quyền trung ương với chính quyền địa phương và giữa các ngành.

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - đang nổi lên như một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và triển vọng. Báo cáo Triển vọng kinh tế của World Bank (WB) gần đây  dự báo kinh tế Indonesia sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong những năm tới nhờ vào nhu cầu tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ.