Indonesia sắp cho Apple bán iPhone 16

Chính phủ Indonesia chấp thuận kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để Apple được bán iPhone 16.

Hộp đựng iPhone 16. Ảnh: Bloomberg.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Apple tiến gần khả năng được bán iPhone 16 tại Indonesia sau khi Tổng thống Prabowo Subianto “bật đèn xanh” để chính phủ chấp nhận khoản đầu tư 1 tỷ USD.

Trong cuộc họp cuối tuần trước, ông Subianto cho phép chính phủ Indonesia chấp thuận đề xuất đầu tư 1 tỷ USD của Apple. Trước đó, quốc gia này từ chối cấp giấy phép bán iPhone 16 do tỷ lệ linh kiện nội địa và nhân công địa phương với mặt hàng smarphone/tablet chưa đạt 40% theo quy định.

Kế hoạch mở rộng đầu tư được Apple nộp lên chính phủ bằng văn bản. Một đối tác cung ứng sẽ thành lập nhà máy sản xuất AirTag trên đảo Batam.

Nguồn tin cho biết nhà máy dự kiến tuyển 1.000 công nhân. Apple chọn Batam bởi đây là khu thương mại tự do, giúp công ty miễn các loại thuế giá trị gia tăng, thuế xa xỉ (luxury tax) và các loại thuế nhập khẩu. Thành phố này chỉ cách Singapore khoảng 45 phút đi phà.

Nhà máy dự kiến cung cấp 20% sản lượng AirTag trên toàn cầu. Thiết bị cho phép người dùng định vị hành lý, thú cưng hoặc các vật dụng nhỏ.

Nội dung tiếp theo trong kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD gồm thành lập nhà máy tại Bandung, cách Jakarta khoảng 3 tiếng di chuyển để sản xuất phụ kiện.

Một phần khoản tiền dùng để tài trợ các học viện tại Indonesia, đào tạo sinh viên một số kỹ năng công nhệ như lập trình.

Tổng thống Subianto đã chỉ đạo Bộ Điều phối kinh tế Indonesia đàm phán và ký kết thỏa thuận. Tuy nhiên, chính phủ nước này chưa đưa ra thời điểm gỡ lệnh cấm bán iPhone 16. Kế hoạch vẫn có thể thay đổi bởi Indonesia từng thu hồi một số quyết định tương tự.

iPhone 16 cam ban,  Indonesia cam Apple,  Apple dau tu Indonesia,  Apple ban iPhone 16 anh 1

Phụ kiện tìm đồ AirTag. Ảnh: 9to5Mac.

Lệnh cấm bán iPhone 16 tại Indonesia là động thái mới nhất từ chính phủ tân Tổng thống Subianto, nhằm gây áp lực lên các công ty nước ngoài để thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo hộ doanh nghiệp địa phương.

Ban đầu, Apple đề xuất đầu tư 10 triệu USD vào một nhà máy linh phụ kiện nhưng bị từ chối. Công ty nâng mức đầu tư lên gần 100 triệu USD, song vẫn không được chấp thuận. Quốc gia này muốn Táo khuyết đầu tư 1 tỷ USD.

Trang tin Bloomberg nhận định đây là kết quả tích cực với Indonesia, cho thấy quan điểm cứng rắn nhằm khuyến khích công ty nước ngoài đầu tư đang có hiệu quả. Về phía Apple, công ty có thể tiếp cận hơn 278 triệu người dùng tiềm năng tại Indonesia, hơn 50% dưới 44 tuổi và am hiểu công nghệ.

Dù vậy, vụ việc đang được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế theo dõi chặt chẽ. Cách tiếp cận này có thể khiến nhiều công ty lo lắng khả năng bị chính phủ Indonesia ép buộc mở rộng quy mô.

Dù Indonesia là thị trường nhỏ với Apple, đất nước này vẫn mang đến cơ hội tăng trưởng với dân số đông thứ 4 trên thế giới, theo nhà phân tích Le Xuan Chiew từ Canalys.

"Lượng dân số trẻ, am hiểu công nghệ với trình bộ hiểu biết thế giới số ngày càng tăng tại Indonesia phù hợp chiến lược mở rộng (doanh số toàn cầu) của Apple", Chiew cho biết.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn