
Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh chung cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc hội đàm ngày 14/4. Ảnh: Như Ý
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi chuyến thăm kết thúc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, chuyến thăm đã thành công hết sức tốt đẹp; các lãnh đạo hai bên đều khẳng định chuyến thăm trở thành mốc son mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm ngày 15/4. Ảnh: Như Ý
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng những kết quả nổi bật của chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử này thể hiện rõ nét trên một số khía cạnh sau:
Duy trì trao đổi chiến lược ở cấp cao nhất giữa hai bên sau khi Việt Nam kiện toàn Ban Lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; củng cố và làm vững chắc hơn nữa tin cậy chính trị, định hướng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã khẳng định sự coi trọng cao của Đảng, Nhà nước mỗi bên đối với quan hệ hai nước, cũng như vai trò, vị thế đặc biệt của quan hệ song phương trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Thống nhất về những phương hướng, biện pháp, nội dung trọng tâm để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất trong thời gian tới.
Hai bên đã nhất trí thành lập cơ chế Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai Chính phủ để thúc đẩy hợp tác xây dựng các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; nhất trí phối hợp tổ chức tốt các hoạt động của Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc, góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội kiến ngày 14/4. Ảnh: Như Ý
Chuyến thăm đã đạt được những văn kiện thành quả với số lượng lớn nhất, lĩnh vực phong phú nhất từ trước đến nay, bao gồm Tuyên bố chung và 45 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hai bên.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên ra “ Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược ” với nội dung toàn diện, vừa mang tầm định hướng chiến lược, vừa xác định rõ những trọng tâm cụ thể, đáp ứng các yêu cầu của ta và hài hòa lợi ích cả hai bên, là một trong những văn kiện chung có nội dung phong phú, chất lượng cao nhất từ trước đến nay.
Hai bên đã ký kết 45 văn kiện hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước, tương xứng với định vị, nội hàm, tầm mức mới của quan hệ song phương.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong số những văn kiện đó có những văn kiện hợp tác cấp Chính phủ với tầm quan trọng đặc biệt, đáp ứng nhu cầu phát triển bứt phá và bền vững của Việt Nam, có tác động lâu dài đối với sự phát triển của đất nước trong trong kỷ nguyên mới.
"45 văn kiện hợp tác là con số biết nói, minh chứng cho cục diện hợp tác sôi động, thực chất, đa dạng, đan xen lợi ích ngày càng chặt chẽ giữa hai nước hiện nay", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14/4. Ảnh: TTXVN
Những phương hướng lớn
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, để triển khai hiệu quả các kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm, hai bên cần tập trung thúc đẩy hợp tác trên một số phương diện chính.
Trước hết, cần duy trì thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp để tiếp tục củng cố và cùng nhau nâng tin cậy chiến lược lên mức cao hơn.
Nâng tầm hợp tác thực chất trên các lĩnh vực trọng tâm, nhằm cụ thể hóa Tuyên bố chung và các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm.
Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, trước hết là kết nối hạ tầng về đường sắt khổ tiêu chuẩn, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu thông minh; nghiên cứu triển khai hợp tác về công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, tạo cơ sở nhân rộng ra các cửa khẩu khác nếu đủ điều kiện; nâng cấp “kết nối mềm” hải quan thông minh, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy khôi phục và mở thêm các chuyến bay để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mới nổi; tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về điều hành chính sách trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, cải cách và quản lý doanh nghiệp nhà nước; tích cực nghiên cứu thí điểm triển khai mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ; nghiên cứu triển khai hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản then chốt.
Khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến của nước này sang đầu tư tại nước kia, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn.
Đẩy nhanh thực hiện các dự án viện trợ không hoàn lại như xây dựng Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam cơ sở 2, duy tu bảo trì Cung Hữu nghị Việt - Trung. Đưa hợp tác khoa học công nghệ thành điểm sáng mới, nghiên cứu triển khai hợp tác trên các lĩnh vực như AI, bán dẫn, năng lượng hạt nhân...
Hai bên cũng cần tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc; duy trì phối hợp, hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương mà hai nước cùng là thành viên.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: Mofa
Phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền; kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên biển.
Phát huy tốt các cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt - Trung, thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan; tăng cường quản lý biên giới; tích cực thúc đẩy mở và nâng cấp cửa khẩu biên giới.
Tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thúc đẩy bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển sớm đạt tiến triển thực chất. Ta tiếp tục đề nghị Trung Quốc xử lý thỏa đáng vấn đề tàu cá, ngư dân.