Khẩn trương tinh giản biên chế, dành ngân sách để phát triển

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu việc hiện ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.

Khẩn trương tinh giản biên chế, dành ngân sách để phát triển - Ảnh 1.

Chuyên viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại TP.HCM tiếp người dân đến làm thủ tục về nhà đất - Ảnh: T.T.D.

"Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Còn lại 30% thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

Trong khi các nước khác chi có hơn 40%. Ít nhất phải chi được trên 50%

Đồ họa: T.ĐẠT

Chậm tinh gọn bộ máy

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho hay những đánh giá của Tổng Bí thư hoàn toàn đúng. Ông nói thực tế từ Đại hội XII, nghị quyết của trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn.

Nhiều nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã nói. Song hiện nay, theo ông Huân, tất cả các công việc đều thực hiện khá chậm.

Trong đó, việc sáp nhập hiện mới thực hiện ở cấp xã, huyện, còn cấp tỉnh chưa thực hiện hay mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ ngành, còn trung ương chưa làm. Đồng thời, hiện tại việc sáp nhập mới chủ yếu dựa trên diện tích, dân số, kinh tế...

Nhưng theo ông Huân, chưa có một nghiên cứu nào bài bản, khoa học, đánh giá tác động kỹ về việc tại sao phải nhập, tại sao phải tách ở một địa phương và việc sáp nhập này sẽ có tác động thế nào.

Ông dẫn chứng trước đây đã có thời kỳ chúng ta từng tiến hành sáp nhập các địa phương cấp tỉnh vào còn 40 tỉnh/thành nhưng sau đó lại tách ra. Việc tách ra, nhập vào mỗi lần sẽ rất tốn kém về chi phí.

TIN LIÊN QUANKhẩn trương tinh giản biên chế, dành ngân sách để phát triển - Ảnh 3.

Người dân đến làm thủ tục hành chính ở một phường tại TP.HCM (ảnh chụp sáng 1-11) - Ảnh: HỮU HẠNH

Tạo sự đồng bộ trong tinh giản biên chế

Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Nội vụ đánh giá việc tinh giản biên chế thời gian qua ở cả trung ương và địa phương đã có nhiều kết quả đạt được. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân sâu xa chính là từ cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý không có nguyên tắc cạnh tranh, thải loại.

Để tinh giản được một người thì phải có hai năm không hoàn thành nhiệm vụ hay có hạn chế... Nhưng thực tế việc đánh giá trong một số cơ quan, đơn vị còn nể nang nhau, còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện...

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, cần có sự nhận thức đúng về tinh giản biên chế để có bước đi, kế hoạch tinh giản biên chế phù hợp.

Cần tạo sự đồng bộ trong tinh giản biên chế với việc xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức của nền hành chính và cải cách thủ tục hành chính. Việc sắp xếp hợp lý về mặt tổ chức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tinh giản biên chế.

Cần xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính một cách chặt chẽ, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc, phạm vi, tính chất phức tạp của công việc, các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với các vị trí việc làm.

Việc xây dựng được cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp là cơ sở để xác định đúng đối tượng cần tinh giản, tránh mọi sự tùy tiện trong cắt giảm, tinh giản biên chế.

Cần đổi mới thực chất công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, trung thực về kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Điều quan trọng nhất cần làm là phải tinh giản biên chế thực chất, với số lượng đáng kể, để quỹ lương giảm và lương phải tăng cho những người ở lại. Đồng thời, cũng phải cân đối lại để xem những nội dung chi thường xuyên nào đáng cắt phải cắt giảm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

"Chưa có nước nào có đơn vị cấp huyện, xã lớn như Việt Nam"

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ việc sáp nhập đơn vị cấp huyện, xã là một chủ trương lớn, vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

Vừa qua, nhiều địa phương đã rất nỗ lực. Theo bộ trưởng, trong 54 địa phương nằm trong diện sáp nhập cấp huyện, xã, có 51 địa phương thực hiện, còn 3 địa phương do có những yếu tố không thể thực hiện được là Bình Phước, Điện Biên, Lai Châu.

Khẩn trương tinh giản biên chế, dành ngân sách để phát triển - Ảnh 5.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu điện tử liên thông sẽ giúp tinh gọn bộ máy - Ảnh: HỮU HẠNH

Khắc phục tình trạng bình quân cào bằng

TS Nguyễn Thị Thiện Trí - Đại học Luật TP.HCM - cho rằng một trong những nguyên nhân khiến bộ máy cồng kềnh là do tổ chức bộ máy nhà nước nói chung còn nặng tính bình quân cào bằng.

"Tức không có sự phân hóa, còn cào bằng trong tổ chức bộ máy quản lý ngành theo chiều dọc. Ví dụ ở các bộ có vụ này, vụ kia tưởng phân hóa nhưng không lớn, ngược lại còn nặng một tâm lý rằng bộ nào cũng muốn bộ máy của mình phình to hết.

Từ đó, dẫn đến việc bộ này chạy theo bộ kia và nếu như nhiều bộ như thế làm cho bộ máy quản lý theo ngành dọc sẽ tăng, quy mô sẽ tăng", bà Trí nói.

* Vậy theo bà, giải pháp phải như thế nào?

- Trước hết phải tiến hành sắp xếp lại hai nhóm cơ quan là cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương. Với cơ quan quản lý ngành sẽ có hai cách để làm, đầu tiên tiến hành phân hóa lại quy mô tổ chức theo quy mô của ngành, lĩnh vực đó.

Ngành càng lớn cơ quan sẽ lớn, tỉ lệ thuận chứ không có áp dụng mô hình cào bằng.

Cùng với đó nghiên cứu để tiến hành sáp nhập các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc các cục, các tổng cục.

Mình cũng từng sáp nhập rồi nhưng mà hiệu quả không cao, để có hiệu quả việc sáp nhập theo hướng tinh giảm đầu mối bên ngoài và tinh giản luôn cả bộ máy bên trong, tránh việc sáp nhập một cách cơ học.

Cơ học tức là nhìn bên ngoài nó giảm đầu mối nhưng thực ra bộ máy của nó phình to bên trong nên không giải quyết được vấn đề.

Muốn tinh giản theo hướng đó phải có một bước quan trọng là tiến hành xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực.

Nhà nước sẽ chuyển giao cho xã hội làm bớt để chức năng của quản lý ngành, lĩnh vực thu hẹp lại. Khi thu hẹp lại mới tiến hành tinh giản bộ máy được.

* Còn những bất cập bộ máy ở địa phương sẽ giải quyết ra sao, thưa bà?

- Ở địa phương sẽ tiến hành tổ chức chính quyền địa phương theo quy mô, lãnh thổ và dân cư chứ không tổ chức theo mô hình hiện nay. Tiến hành chuyển giao thẳng cho địa phương trong việc quyết định đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc địa phương.

Đó là các sở và các phòng. Hiện nay sở, phòng trung ương vẫn đang nắm đầu mối trong việc quy định, cho nên có nhiều sở được thành lập một cách máy móc, theo mô hình chung mà không có hoạt động gì.

Mình sẽ tiến hành đưa về cho địa phương, chính địa phương sẽ là nơi quyết định nên có sở nào và không nên có sở nào. Nó sẽ hiệu quả hơn và sát với tình hình của địa phương hơn.

Phương án tiếp theo là tiến hành rà soát lại những bộ máy giúp việc trong hệ thống chính trị. Ví dụ như bộ máy giúp việc của cơ quan, của tổ chức chính trị xã hội rà soát theo hướng tinh giản, gọn nhẹ để phục vụ hoạt động cần thiết.

Nên áp dụng phương án huy động các nguồn lực xã hội cho những hoạt động của tổ chức chính trị xã hội.

Bởi vì về bản chất nó là tổ chức chính trị xã hội mà ngân sách nhà nước đầu tư cho nó nhiều quá thì không thích hợp. Tiếp theo nữa ví dụ đối với đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước nên có một phương án thực hiện cơ chế cổ phần hóa một cách mạnh mẽ hơn, làm dứt điểm hơn.

Tinh gọn bộ máy các tổ chức chính trị, xã hội

Một nguyên nhân nữa do ngân sách còn phải chi lương và duy trì hoạt động một bộ máy của tổ chức chính trị xã hội, bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập, bộ máy của doanh nghiệp nhà nước.

Nói 70% ngân sách chi để cho hoạt động cơ quan nhà nước nhưng thực tế hoạt động thuộc về nhà nước không phải chiếm hết 70% mà còn chi cho cả lực lượng này. Trong đó, bộ máy các tổ chức chính trị, xã hội là rất lớn.

Do vậy, cần tính đến việc tinh giản bộ máy các tổ chức chính trị, xã hội để giảm gánh nặng cho ngân sách. Đối với đơn vị sự nghiệp tiến hành tự chủ hoàn toàn, tự chủ 100%, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang mô hình doanh nghiệp để Nhà nước bớt gánh nặng.

Khẩn trương tinh giản biên chế, dành ngân sách để phát triển - Ảnh 5.Số liệu mới nhất về tinh giản biên chế, giảm đơn vị sự nghiệp công lập

Đến ngày 31-12-2023 có 89.576 người được giải quyết tinh giản biên chế theo quy định ở các bộ, ngành, địa phương, trong đó 73.245 người nghỉ hưu trước tuổi.