"Vua thép" Trần Đình Long cam kết cung cấp đủ thép cho dự án đường sắt tốc độ cao
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Dự kiến Quốc hội sẽ nghe tờ trình về Dự án vào sáng ngày 13/11, sau đó sẽ thảo luận tại tổ vào chiều cùng ngày và thảo luận hội trường vào ngày 20/11. Nếu được đồng thuận cao, Quốc hội sẽ được biểu quyết thông qua chủ trương vào ngày bế mạc 30/11.
Trả lời VietNamNet, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ rằng Hòa Phát hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Chính phủ, đặc biệt đánh giá cao yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất vào các gói thầu.
“Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại. Đây là các loại thép mà Việt Nam đều sản xuất được”, ông Long cho báo trên hay.
Ông Trần Đình Long tiết lộ, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do đó, việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc là điều tập đoàn này làm được.
Tuổi Trẻ dẫn lời vị Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, với vai trò là nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á và đứng trong top 50 thế giới, ông Trần Đình Long khẳng định thép Hòa Phát cam kết bốn điểm chính: Đảm bảo khối lượng theo yêu cầu; Duy trì tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; Đáp ứng đúng tiến độ giao hàng; Mức giá cạnh tranh, thấp hơn so với hàng nhập khẩu.
Hiện nay với công suất 8,5 triệu tấn thép mỗi năm, Hòa Phát đang là nhà cung cấp thép lớn nhất Đông Nam Á. Vì vậy, việc cung cấp 6 triệu tấn thép cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn toàn nằm trong khả năng của tập đoàn.
Hoàng loạt nhà máy của Hòa Phát đang chuẩn bị cho siêu dự án
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất đầu tư vốn nhằm kết nối nhà máy luyện kim và sản xuất thép của tập đoàn tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, Khu kinh tế Nam Phú Yên, với tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất thép đường ray tốc độ cao với kích thước mỗi thanh ray dài từ 50 m đến 100 m, và việc vận chuyển sẽ được thực hiện qua đường sắt thay vì sử dụng đường bộ để đưa sản phẩm tới các công trường.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tuyến đường này dự kiến sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km. Với tiêu chuẩn mỗi thanh ray dài 100 m, dự kiến cần tới 15.410 thanh để hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao này và nhà máy của Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất.
Bên cạnh đó, khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành vào năm 2025, năng lực sản xuất thép thô của tập đoàn sẽ vượt mốc 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, một trong những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao như cơ khí chế tạo và xây dựng.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, dây chuyền Khu liên hợp tại Dung Quất của Hòa Phát sử dụng công nghệ tiên tiến nhất từ châu Âu và các nước thuộc nhóm G7, thậm chí còn hiện đại hơn nhiều nhà máy thép tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc sản xuất đường ray có đặc thù riêng và thực tế gặp nhiều khó khăn. Trước đây, Việt Nam chỉ sản xuất được đường ray dài 20-25m cho đường sắt thông thường, còn đối với đường ray tàu cao tốc 350 km/h, đồng nghĩa với việc đường ray phải dài 100m.
Các nhà máy sản xuất thép đường ray tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thường được xây dựng ngay cạnh các dự án vì việc vận chuyển sản phẩm này rất khó khăn. Về mặt kỹ thuật, việc sản xuất với Hòa Phát không phải là vấn đề lớn, nhưng điều kiện thực tế lại là thách thức đáng kể nên doanh nghiệp sẽ tính toán kỹ lưỡng.
"Nếu Chính phủ, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp làm, thì Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray”, ông Trần Đình Long khẳng định trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vài tháng trước.
Việc tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao này không chỉ khẳng định vị thế của Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất thép chất lượng cao mà còn mở ra tiềm năng kinh tế lớn. Nếu trúng thầu cung cấp thép cho dự án sẽ giúp Hòa Phát tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận, đồng thời góp phần vào việc phát triển hạ tầng chiến lược quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô đặc biệt lớn, có công nghệ mới và lần đầu tiên triển khai. Trong quá trình xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, sau đó trình T.Ư Đảng, cũng như báo cáo khả thi Chính phủ trình Quốc hội, Bộ GTVT đều đưa ra cơ chế chính sách làm sao để các doanh nghiệp trong nước có thể cùng tham gia.
Bộ GTVT đã mời chuyên gia ở các lĩnh vực như kỹ thuật, kinh tế, xây dựng, chủ động xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, đề xuất các giải pháp khuyến khích DN trong nước. Đơn cử như các điều kiện ràng buộc tổng thầu phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được.
Đây là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia; hay chính sách trình Quốc hội, giao nhiệm vụ cho các DN 100% vốn nhà nước hoặc đặt hàng DN trong nước thực hiện các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được.