Lách luật, khai thác hàng quý hiếm
Sáng 4/11, phát biểu tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề cập đến Luật Địa chất khoáng sản , dự kiến sẽ được thông qua kỳ họp này. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điểm bất cập, nhằm khai thác bảo vệ và sử dụng có hiệu quả.
Nhấn mạnh khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, theo ông, điều này đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tiễn diễn ra còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “ miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ.
“Nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá, nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ mà không bị phát hiện. Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng”, ông Hòa nhìn nhận.
Theo đại biểu đang là Ủy viên Ủy ban Pháp luật , tình trạng này không những khiến tài nguyên quốc gia bị thất thoát, lãng phí gây hệ lụy, mà còn kéo thêm nhiều người tử nạn do khai thác thủ công lén lút, không an toàn. Mặt khác, việc kê khai số lượng quặng, khoáng sản được thu hồi, phụ thuộc vào tính tự giác của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước rất khó kiểm soát.
Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo cơ chế "xin - cho" , bên cạnh đó có những khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý, vẫn chưa được sử dụng khai thác hiệu quả, gây lãng phí.
Thậm chí, có nơi chất thành đống cao, nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường, đe doạ đến sức khoẻ và tính mạng người dân, trong khi đó đất đá để xây lấp cho các công trình thì không đủ để sử dụng.
Cần giải pháp trong sử dụng đất đá từ các mỏ khoáng sản
Theo đại biểu, hiện nay hạ tầng giao thông, đặc biệt đường cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua, từng bước triển khai thực hiện, nên áp lực sử dụng đất, cát, sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án công trình, nhưng có điều nghịch lý là khối lượng đất, đá khai thác từ các mỏ lại chưa được sử dụng cho công trình, nếu có cũng chỉ được sử dụng cho công trình tại chỗ, chưa được phép di chuyển sang các công trình khác vì lo ngại có tiêu cực.
Đó là ở khu vực phía Bắc, còn ở khu vực miền Trung , theo ông Hòa, cũng không ít bất cập, khi các mỏ vật liệu được quy hoạch thì phần lớn do tư nhân quản lý, đơn vị thi công phải thoả thuận lại để mua rất khó khăn về giá cả .
“Riêng ở ĐBSCL, theo dự báo khan hiếm vật liệu xây lấp đã xảy ra, không những cho các đường cao tốc mà cả đường tỉnh, huyện, xã, chưa kể đến san lấp các công trình dân dụng. Người dân có tiền cũng chưa chắc đã mua được vật liệu để sử dụng mặc dù giá rất đắt đỏ”, ông Hòa nói.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá từ các mỏ khoáng sản. Trong đó, cát biển cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường.
Riêng việc nghiên cứu xây dựng cầu cạn trên vùng đất yếu, trũng ở ĐBSCL, cần nhanh chóng thực hiện, có thể thí điểm đoạn cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc để rút kinh nghiệm.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan, nhưng nghiên cứu không biết đến bao giờ mới thực hiện, cũng cần có câu trả lời từ phía cơ quan chức năng”, ông Hòa nêu rõ.
Đề nghị Quốc hội giám sát việc trồng rừng
Tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết, dù tỷ lệ độ che phủ rừng đã nâng lên 42%, tuy nhiên, tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra và có nguy cơ gia tăng. Số liệu cho thấy, từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng thiệt hại ước hơn 22.800 hecta. Trong đó rừng bị cháy khoảng hơn 13 nghìn hecta, còn lại là do chặt phá trái phép.
Đại biểu trăn trở, rừng thiệt hại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nạn chặt phá rừng trái phép vẫn đang là vấn đề nóng cần giải quyết triệt để. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế . Về phía Chính phủ, cần thực hiện đánh giá hiệu quả tác dụng của độ che phủ rừng đối với vấn đề đa dạng sinh học, môi trường rừng, tác động phòng chống biến đổi khí hậu, hạn hán, sạt lở….