Không chỉ đất hiếm, Trung Quốc còn thống trị 'báu vật' ánh bạc đắt đỏ: Chỉ 1 động thái đã khiến Mỹ vật vã

Kim loại này từng giúp thay đổi cục diện Thế chiến thứ II và hơn thế nữa.

Hơn 100 năm trước, một con tàu rời bến cảng Nova Scotia (Canada) chở theo một loại hàng hóa quý giá mà thời đó hiếm người biết đến. Thủy thủ đoàn, tràn đầy lạc quan, hướng đến xứ Wales (Vương quốc Anh) với hy vọng rằng kim loại họ mang theo sẽ đưa họ đến với sự giàu có.

Thật không may, viễn cảnh đó vĩnh viễn không bao giờ trở thành sự thật!

Một tàu ngầm U-boat mệnh danh “sát thần đại dương” của Hải quân Đức ẩn núp trong vùng biển lạnh giá của Đại Tây Dương đã bắn một quả ngư lôi và con tàu chìm xuống đáy đại dương cùng với hàng hóa bí ẩn trên tàu.

Thứ từng bị lãng quên dưới đáy biển này không phải là vàng hay bạc, mà là antimon (đọc là ăng-ti-moan) - khoáng chất đã trở thành một nhân tố chính trong quốc phòng Mỹ nói riêng và các ngành công nghiệp công nghệ cao thời hiện đại nói chung.

Không chỉ đất hiếm, Trung Quốc còn thống trị 'báu vật' ánh bạc đắt đỏ: Chỉ 1 động thái đã khiến Mỹ vật vã- Ảnh 1.

Antimon là một nguyên tố hóa học có ký hiệu "Sb" và số nguyên tử 51. Nó là một kim loại màu trắng với kết cấu tinh thể không liên tục và ánh kim loại. Ảnh: De Agostini / R. Appiani, Getty Images

Giá trị chiến lược của antimon trở nên rõ ràng gần đây khi Mỹ đưa nó vào Danh sách các khoáng sản quan trọng cần thiết cho an ninh quốc gia. Từ đó, giá cả đã tăng vọt.

Giá antimon đã tăng gấp 3 lần kể từ đầu năm 2024, từ 12.000 USD/tấn lên hơn 38.000 USD/tấn, Oilprice cho biết.

"Antimon được sử dụng rộng rãi trong các hợp kim để tăng độ cứng và độ bền cơ học. Nó là thành phần chính trong thiết bị liên lạc, kính nhìn ban đêm, thuốc nổ, đạn dược, vũ khí hạt nhân, tàu ngầm, tàu chiến, quang học, kính ngắm laser và nhiều thứ khác nữa" - Thiếu tướng Lục quân Mỹ (đã nghỉ hưu) James "Spider" Marks đã viết trong một chuyên mục năm 2020 được đăng trên tờ The Washington Times (Mỹ) như vậy.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), các nhà sản xuất Mỹ sử dụng hơn 25.000 tấn antimon mỗi năm. Con số này đủ để hiểu vai trò quan trọng của kim loại màu trắng bạc này đối với nền kinh tế số 1 thế giới.

01. Cơn vật lộn của Mỹ

Một thực tế là, kim loại quý hiếm từng giúp quân Đồng minh chiến thắng Thế chiến thứ II đã lấy lại vị thế quan trọng của mình trên 3 châu lục ở Úc, Liên minh Châu Âu (EU) và Bắc Mỹ, dẫn đến mức giá giao ngay tăng vọt hơn 200% gần đây.

Trong Thế chiến thứ II, antimon đóng vai trò quan trọng trong sản xuất đạn dược, thép vonfram và làm cứng đạn chì. Vào thời điểm đó, Mỹ tự cung cấp 90% nhu cầu của mình. Bây giờ thì không còn nữa.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã dựa vào nguồn nhập khẩu antimon từ Trung Quốc.

Trung Quốc kiểm soát gần 50% hoạt động khai thác antimon và 80% sản lượng antimon của thế giới. Tính đến cuối năm 2023, nước này cung cấp 60% lượng antimon nhập khẩu của Mỹ. Điều này đã đặt Mỹ vào một vị thế bấp bênh, đặc biệt là khi căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Không chỉ đất hiếm, Trung Quốc còn thống trị 'báu vật' ánh bạc đắt đỏ: Chỉ 1 động thái đã khiến Mỹ vật vã- Ảnh 2.

Antimon được tìm thấy trong hơn 100 loại khoáng chất. Đôi khi nó tồn tại ở dạng tự nhiên, nhưng phổ biến hơn là stibnite sulfide (Sb2S3) và là antimonide của kim loại nặng và dưới dạng oxit. Ảnh: Nova Minerals

Chưa kể, đối với các mỏ nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc, nhiều mỏ trong số đó gửi antimon đến Trung Quốc để chế biến - nghĩa là Trung Quốc nắm giữ phần lớn nguồn cung antimon của thế giới.

Tháng 8/2024, Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát của chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu loại kim loại quan trọng này. Điều này đã làm tăng thêm sự khó chịu đối với Mỹ.

Ngày 3/12/2024, Oilprice đăng bài viết có đoạn, sự thống trị của Trung Quốc đối với kim loại đất hiếm là khó có thể bỏ qua. Nhưng đối với một kim loại vốn không nhiều người biết đến (là antimon) nhưng lại thúc đẩy ngành quốc phòng của Mỹ, thì sự kìm kẹp của Trung Quốc chặt chẽ đến mức Mỹ hiện đang phải vật lộn để khám phá và phát triển các nguồn tài nguyên mới thân thiện trước khi nguồn cung cạn kiệt.

02. Đâu là giải pháp?

Quân đội Mỹ nhận thức rõ về những rủi ro. Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) vốn đang nỗ lực bảo đảm nguồn antimon trong nước, nhận ra rằng việc mất quyền tiếp cận khoáng sản quan trọng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tự vệ của Mỹ.

Không chỉ đất hiếm, Trung Quốc còn thống trị 'báu vật' ánh bạc đắt đỏ: Chỉ 1 động thái đã khiến Mỹ vật vã- Ảnh 3.

Dự đoán mức giá tăng vọt của antimon trong 3 tháng đầu năm 2025. Nguồn dự báo: Coincodex

Bất chấp những dự đoán về mức giá antimon tăng mạnh lên tới hơn 370% vào tháng 1/2025, vẫn có "ánh sáng cuối đường hầm" cho Mỹ và các đồng minh khi một công ty khai thác bước vào để tăng nguồn cung tại 3 châu lục.

Đó là Military Metals Corp. - Công ty của Canada chuyên sản xuất kim loại quan trọng phục vụ quốc phòng toàn cầu. 

Công ty đã có bước đi táo bạo với kế hoạch tái phát triển Dự án Antimon West Gore lịch sử ở tỉnh Nova Scotia (ở bờ biển phía Đông Canada) mà công ty đã mua lại mỏ này hồi tháng 9/2024. Antimon West Gore là một trong những mỏ antimon có lịch sử sản xuất lớn nhất của Canada. Mỏ này từng là nguồn cung cấp antimon chính trong cả Thế chiến I. 

Theo Moltenmetalscorp, người ta phát hiện mỏ này có thể chứa tới 570 tấn antimon và 2.500 ounce vàng - quả là một nguồn cung antimon tiềm năng cho Bắc Mỹ.

Không chỉ dừng ở Bắc Mỹ, Military Metals Corp. đang vươn tới tận Đại Tây Dương. Công ty đang tiến hành thu mua các nguồn tài nguyên antimon ở Liên minh châu Âu bằng việc mua lại Trojarova Project - một trong những mỏ antimon lớn nhất châu Âu tại Slovakia với trữ lượng lịch sử.

Trojarova đã bị đóng cửa vào những năm 1990 do nhu cầu suy yếu sau Chiến tranh Lạnh. Theo tài liệu do Military Metals Corp. cung cấp, nguồn tài nguyên lịch sử của Trojarova là hơn 60.998 tấn antimon, trị giá hơn 2 tỷ đô la Mỹ theo giá giao ngay hiện nay.

Sau những thương vụ tỷ đô tại Bắc Mỹ và châu Âu, Military Metals Corp. cho biết những nước đi chiến lược này được thực hiện để có khả năng biến họ trở thành một trong những nhà cung cấp antimon hàng đầu bên ngoài Trung Quốc; đồng thời định vị mình là một nhân tố chủ chốt trong một trong những cuộc chiến chuỗi cung ứng quan trọng nhất của thế kỷ 21.

03. Thế nào là "Vai trò không thể thiếu của antimon"?

Tầm quan trọng của antimon trong thế giới hiện đại không phải là sự cường điệu hóa. Antimon được phân loại là một khoáng chất quan trọng vì nó cần thiết cho nhiều ứng dụng công nghiệp và quốc phòng.

Không chỉ đất hiếm, Trung Quốc còn thống trị 'báu vật' ánh bạc đắt đỏ: Chỉ 1 động thái đã khiến Mỹ vật vã- Ảnh 4.

Một khối antimon nguyên chất. Ảnh: Britannica

Cùng chuyên gia thuộc Military Metals Corp (Canada) phân tích từng vai trò của antimon để thấy tầm quan trọng của thứ kim loại ánh bạc này:

Thứ nhất, trong lĩnh vực quốc phòng, antimon là một loại khoáng chất chiến lược quan trọng được sử dụng trong nhiều ứng dụng quân sự, bao gồm sản xuất đạn xuyên giáp, kính nhìn ban đêm, cảm biến hồng ngoại, quang học chính xác, ngắm laser, hợp chất nổ, mồi đạn, đạn phát sáng, vũ khí hạt nhân, sản xuất tritium (một đồng vị phóng xạ của hydro), pháo sáng, quần áo quân sự và thiết bị liên lạc.

Thứ hai, quan trọng hơn, antimon được xem là người bảo vệ thầm lặng của an toàn hạt nhân. Chuyên gia đánh giá, trong năng lượng hạt nhân, antimon là một "anh hùng thầm lặng". Các đặc tính của nó giúp tăng cường an toàn cho lò phản ứng, cải thiện khả năng che chắn bức xạ và đảm bảo lưu trữ điện đáng tin cậy. Tất cả điều này khiến nó trở nên không thể thiếu trong ngành công nghiệp đắt đỏ này.

Thứ ba, antimon đang nổi lên như một vật liệu quan trọng trong công nghệ năng lượng mặt trời, thúc đẩy hiệu quả, tăng cường độ ổn định nhiệt và các giải pháp lưu trữ năng lượng. Các đặc tính độc đáo của nó đang giúp định hình tương lai của năng lượng sạch.

Antimon có thể không phải là cái tên quen thuộc, nhưng nó đã là vật liệu thiết yếu trong chiến tranh trong nhiều thế kỷ và hơn thế nữa.

Ghi chép lịch sử thời cổ đại cho thấy antimon đã được sử dụng trong hợp kim chế tạo vũ khí và công cụ từ thời kỳ đồ đồng. Đến thời Trung Cổ (thế kỷ thứ 5 - cuối thế kỷ 15), antimon được sử dụng trong sản xuất kim loại in cho máy in và trong một số chế phẩm thuốc cho binh lính. Trong cả hai cuộc chiến quy mô toàn cầu là Thế chiến I (1914-1918) và Thế chiến II (1939-1945), antimon được sử dụng trong mọi thứ, từ vỏ đạn, thuốc nổ đến thép vonfram và làm cứng đạn chì.

Ngày nay, antimon trở thành một trong những kim loại quan trọng hơn bao giờ hết khi người ta nhìn nhận đầy đủ vai trò của nó. Giờ đây, antimon là thành phần quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, pin và tấm pin Mặt trời. Từ điện tử đến năng lượng tái tạo, thế giới hiện đại đều sử dụng antimon.

Tóm lại, antimon rất quan trọng đối với cả hoạt động tấn công và phòng thủ. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng này đều có thể gây ra hậu quả tàn khốc đối với an ninh quốc gia.

Tham khảo: Oilprice, Militarymetalscorp, Miningnewsnorth