Khủng hoảng trường mầm non tại Trung Quốc: Hơn 4 vạn nhà trẻ đóng cửa, số trẻ nhập học giảm 1/4 trong 4 năm, có nơi chỉ cầm cự thêm được vài năm nữa

Hệ thống giáo dục mầm non tại Trung Quốc ngày càng thu hẹp khi tỷ lệ sinh tại nước này giảm mạnh.

Số lượng trường mầm non ở Trung Quốc đã giảm tới 1/4 trong vòng 4 năm qua, khiến hàng chục nghìn cơ sở giáo dục buộc phải đóng cửa trước tình trạng sụt giảm dân số.

Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, số trẻ em nhập học học tại các trường mầm non – nơi tiếp nhận trẻ từ 3 đến 5 tuổi – đã giảm 12 triệu trong giai đoạn 2020–2024, từ mức đỉnh 48 triệu. Số lượng trường mầm non trên toàn quốc cũng giảm 41.500 kể từ gần 295.000 trường vào năm 2021.

“Xu hướng số lượng học sinh giảm sẽ không thể đảo ngược trong tương lai gần”, ông Stuart Gietel-Basten, Giám đốc Trung tâm Khoa học Lão hóa tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) nhận định. Ông cho biết mức sụt giảm tỷ lệ sinh hiện nay so với 5 hay 10 năm trước là “vô cùng lớn”.

Việc hệ thống mầm non bị thu hẹp được xem là điềm báo cho những thách thức nghiêm trọng mà các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đối mặt trước làn sóng suy giảm dân số – vốn được dự báo là nhanh nhất thế giới.

Sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con (kết thúc vào năm 2016), Trung Quốc đã ghi nhận 3 năm liên tiếp dân số suy giảm tính đến năm 2024. Mặc dù số ca sinh năm ngoái tăng nhẹ khoảng 520.000 lên 9,3 triệu – sau mức đáy kỷ lục năm 2023 – nhưng vẫn thấp hơn số ca tử vong, và giảm gần một nửa so với mức đỉnh 17,9 triệu vào năm 2017.

Tại thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, bà Zhuang Yanfang, chủ sở hữu 3 trường mầm non, cho biết đã phải chuyển đổi một cơ sở từng có tới 270 trẻ em thành viện dưỡng lão 42 giường vào năm 2023. “Khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng trẻ nhập học cũng giảm theo. 90% trường mầm non tư thục tại địa phương đã đóng cửa do cộng đồng ngày càng già hóa”, bà Zhuang nói.

Dù bà Zhuang đã điều chỉnh mô hình hoạt động tại 2 cơ sở còn lại để nhận trẻ từ 10 tháng tuổi, tình hình vẫn lạc quan. Tổng số trẻ hiện tại chỉ khoảng 150 em, giảm mạnh so với hơn 1.000 em vài năm trước.

Ngoài ra, viện dưỡng lão do bà Zhuang mở chỉ có 16 người cao tuổi lưu trú dài hạn. Bà cho biết phần lớn người già vẫn thích sống cùng con cháu và chỉ coi viện dưỡng lão là lựa chọn cuối cùng, “đặc biệt khi họ vẫn còn khỏe mạnh”.

“Chúng tôi đang cố gắng cầm cự thêm vài năm nữa”, bà chia sẻ. “Nhiều người chọn cách đóng cửa hẳn… nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì vì hoài niệm một thời đã qua”.

Một số chuyên gia nhìn nhận đây là cơ hội để Trung Quốc cải tổ toàn diện hệ thống giáo dục. Ông Gietel-Basten cho rằng Bắc Kinh có thể tái phân bổ nguồn lực tiết kiệm được từ việc giảm số học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục, từ việc mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh đến đầu tư mạnh vào các trường đại học.

Ngoài ra, hệ thống thi đại học “cao khảo” – nổi tiếng khắc nghiệt và mang tính quyết định tương lai học sinh – cũng có thể cần được cải cách để phù hợp với quy mô dân số nhỏ hơn, già hơn nhưng trình độ học vấn cao hơn, tay nghề tốt hơn và sức khỏe tốt hơn.

Tham khảo: FT