Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 2: Rác nhựa ngập chợ, bay khắp nơi
16:30 05/01/2025
Nhiều bà nội trợ đi chợ mang về bọc ni lông to đùng, bên trong lại có hàng chục bọc ni lông lớn nhỏ để đựng từng thứ khác nhau. Rác nhựa đang là thảm họa môi trường.
Thậm chí những thứ tươi sống như thịt, cá còn được đựng tới mấy lớp bọc. Có bà nói: "Cho tôi hai, ba lớp bọc để lỡ bị rách".
Nhưng rất nhiều người bán đã quá quen chuyện này, họ tự động tròng thêm bọc ni lông mà khỏi đợi nhắc. Thói quen sử dụng đồ nhựa nhanh chóng trở thành rác thải gây ô nhiễm này đang tăng lên ở cả thành thị và nông thôn.
Hai trái chanh, một nhánh gừng, vài quả ớt cũng từng bọc ni lông riêng
Sáng sớm, ở ngôi chợ nhiều chục năm tuổi Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội), nhiều bà nội trợ đã tới chọn thực phẩm tươi ngon.
Người nào ra về cũng hai tay xách hai túi ni lông nặng trĩu rau củ, thịt cá. Hiếm lắm mới thấy có người xách giỏ đi chợ, nhưng bên trong vẫn đựng mỗi loại thực phẩm một bọc ni lông riêng.
Rau, đậu, thịt, cá, trái cây sơ sơ đã hơn chục bọc ni lông, loại dùng một lần. Thậm chí nhiều người mua hai quả chanh, một nhánh gừng, vài trái ớt cũng đựng vào… ba cái bọc riêng.
Bà Nguyễn Thị Lệ, 62 tuổi, kéo xe thực phẩm nặng nề ra khỏi chợ và cho biết: "Giờ người ta đựng vào túi bóng hết mà, đồ nào đựng riêng đồ đấy nó tiện, không bị lẫn vào nhau. Người bán hàng để sẵn túi, mua cái gì người ta cũng bỏ vào túi cái đó luôn".
Sạp rau đắt hàng nhất nhì trong chợ của vợ chồng anh Thành, chị Yến nói giọng miền Nam, mỗi tuần dùng cả chục ký bọc ni lông đựng rau củ. "Bà con mua hai trái chanh, một nhánh gừng cũng đựng bọc ni lông riêng", anh chồng nói về yêu cầu của khách.
Những người trẻ đi chợ còn khỏe hơn, lúc đi tay trắng, lúc về một xe đồ ăn đầy, nhưng cái nào cũng đựng bọc ni lông riêng. Thực phẩm chín, sống, loại nào cũng đựng riêng, đồ tươi sống hay loại có nước như dưa, thịt, cá thì đựng 2-3 bọc lồng một.
Chị Thanh Vân (ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) làm tại một công ty xuất nhập khẩu. Buổi sáng chị chạy xe máy đi làm, nhưng tối về chị thường ghé qua chợ để mua đồ nấu ăn cho gia đình bốn người và một cháu trai ở quê lên học.
"Giờ các chị em công ty đều vậy hết, sáng dậy đi chợ sao kịp giờ đưa con đi học rồi đến chỗ làm. Tối về tiện đường chạy qua, mình mua thêm gì cứ đi thẳng xe qua chợ cóc, ngồi trên xe cũng mua được và tất cả đều đựng bọc ni lông", chị Vân khẳng định lứa trẻ giờ hiếm người chịu xách giỏ đi chợ.
Cạnh nhà chị Vân có hai nhà trọ, sinh viên ra trường đi làm cũng mua đồ ăn treo trên xe đi về. Hôm trời lạnh, các bạn tụ tập ăn lẩu, rủ nhau đi chợ và xách về bao nhiêu là bọc ni lông to nhỏ. Cả những thực phẩm khô và mấy lon nước, lon bia cũng xách bọc ni lông đem về.
Lúc dọn bãi "chiến trường" ăn uống, họ gom cả bịch nặng trĩu đủ loại rác thực phẩm và
Chiếc xe của chị Loan chở bọc ni lông đi bán sỉ khắp Hà Nội - Ảnh: TÂM LÊ
Chợ quê cũng đầy bọc ni lông, rác nhựa
Không chỉ ở phố, bây giờ về quê đi chợ cũng không cần mang theo làn cói, giỏ tre như ngày xưa vẫn có thể mua đủ thứ đồ mang về vì người bán đã thủ sẵn bọc ni lông.
Thi thoảng vẫn còn hàng lót lá chuối nhưng đã bọc bên ngoài nhiều lớp túi ni lông, vừa để tiện mang về, vừa để giữ ấm.
Bà Lê Thị Thơm (ở xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) buôn rau củ ở chợ quê, thở dài: "Bây giờ không có túi bóng đựng thì khách lại qua hàng khác mua. Bà con giờ có thói quen bỏ vào túi rồi, mua gì cũng bỏ vào túi riêng hết. Quả cau, lá trầu cũng bỏ vào túi riêng. Cái thời các cụ đi chợ buộc thịt, cá bằng lạt, đùm bằng lá chuối còn mô nữa. Mỗi thời mỗi khác, cái gì tiện, nhanh người ta theo".
Hàng xóm nhà bà Thơm mò được vài ký ốc, muốn đi bán cũng phải mua sẵn mớ bọc ni lông để cân cho khách. Có nhà trồng được ruộng ngô, đến mùa bẻ ngô đi bán cũng phải lo mua bọc trước ngày bẻ ngô.
Ở làng bà Thơm, các quán tạp hóa bán thứ gì cũng cho vào bọc ni lông. Gói tăm, lọ gia vị, hộp sữa, cân đường cũng đều cho vào bọc và phải phân từng bọc riêng. Thức ăn chín cho vào hộp xốp, đồ có nước thì cho vào hộp nhựa, rồi lại thêm vài lượt bọc ni lông đem về.
Bố mẹ ở quê gửi đồ tiếp tế cho con ăn học ở thành phố, gửi một thùng đầy đồ ăn, nào gạo, trứng, rau củ, thịt, cá, đậu, hành, đồ chín, đồ sống. Nhưng đồ nào cũng đựng vào bọc ni lông riêng, có loại còn vài lớp bọc cho khỏi hỏng. Thế là bọc ni lông từ phố về quê, rồi lại từ quê ngược ra phố, và rất nhanh ra… thùng rác.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (quê Vụ Bản, Nam Định) từ khi nhu cầu đồ nhựa ở làng xã "lên ngôi", vợ chồng chị quay ra buôn bán đồ nhựa lưu động. Từ chiếc xe đẩy, anh chị đã mua được xe tải nhỏ để chở đồ đi khắp thôn trong xã, ngoài xã.
"Đồ tiêu dùng loại nào cũng có, các loại bọc ni lông, rồi rổ rá, hộp nhựa, móc treo, bát đĩa, giá, kệ đựng dao thớt, đồ chơi trẻ em. Đến giá đựng giấy vệ sinh, đựng kem đánh răng dán trên tường mà giờ bà con cũng hỏi mua. Không thiếu gì cả, thành phố dùng gì, bà con quê cũng dùng cái đó", chị Mai cười nói.
Sắp Tết, vợ chồng chị càng nhập nhiều hàng về hơn, khay đựng bánh kẹo, mứt Tết, lồng bàn, túi đựng thực phẩm, bộ lau nhà. Trong số hàng nhập về, có tới 70% là đồ nhựa.
Chị Mai cho biết: "Nhà nào tới mua hàng ít nhất cũng chọn được vài món hàng, rẻ mà. Trong xóm tôi ở nhà nào cũng chạy sang mua, hôm nay thấy đồ nhập về mới lạ, tiện dụng là họ mua luôn". Tất nhiên, chẳng bao lâu nhiều thứ trong đó đã lăn lóc ngoài thùng rác.
Bà Trần Thị Trang, tiểu thương tại chợ Bình Trị Đông, TP.HCM, kể: "Tôi bán rau quả, nhiều khách cứ yêu cầu phải bọc riêng từng loại. Tôi mua loại bọc ni lông giá rẻ và nhanh phân hủy, nhưng nhiều khách cũng không chịu.
Họ nói tôi "kẹo kéo", xài loại bọc này dễ bị rách. Cuối cùng tôi phải xài loại bao ni lông tốt, đắt tiền hơn và tất nhiên cũng khó phân hủy hơn. Ai cũng hiểu, nhưng mọi người cứ xài và mình phải theo họ".
Thải ra 30 tỉ bọc ni lông mỗi năm
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, bọc ni lông và lượng chất thải nhựa chiếm đến 8-12% chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có khoảng 11-12% được xử lý tái chế, còn lạ là chôn lấp, thải ra môi trường.
Ở các thành phố, khoảng 10,48 - 52,4 tấn bọc ni lông được sử dụng mỗi ngày, trung bình mỗi hộ dân sử dụng đến 1kg bọc nhựa mỗi tháng. Cả nước mỗi năm tiêu thụ (và thải ra) 30 tỉ bọc ni lông.
****************
Nhóm dân văn phòng vừa ăn trưa, rủ nhau ngồi uống nước trà trên vỉa hè, bỗng bọc ni lông dơ theo gió ở đâu bay quấn vào mình...
>> Kỳ tới: Nỗi khổ sống cạnh rác nhựa chất đống
Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 1: Mua sắm đầy hộp xốp, ly nhựa, bọc ni lông
Một bà đi chợ cầm về 30 bọc ni lông đựng rau, thịt, cá, hành ớt, trái cây... Một nhóm bạn năm người với bữa ăn sáng mang về hơn 50 cái bọc lớn nhỏ hộp xốp, ly, muỗng, ống hút nhựa cho 5 phần hủ tiếu và cà phê sữa…
Trong tựa game PES (nay đổi tên thành eFootball), Supachok Sarachat là một cầu thủ có khả năng tấn công đa dạng, phản ứng nhanh với cơ hội tấn công, rê bóng và dứt điểm từ xa tốt.
Hai cầu bắc qua sông Hồng là cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi sẽ được ưu tiên khởi công trong năm 2025 với tổng mức đầu tư 30 nghìn tỷ đồng. UBND thành phố Hà Nội giao cho các sở ngành có liên quan và chủ đầu tư hoàn thành thủ tục, khởi công hai dự án này trong quý I hoặc II năm 2025.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra có tài sản trị giá khoảng 400 triệu USD, là Thủ tướng Thái Lan giàu nhất lịch sử - Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan cho biết hôm 3/1/2025.
Ông bầu của Nam Định khẳng định với Xuân Son rằng: “Không phải lo lắng, sẽ điều trị tốt nhất”. Bên cạnh đó, ông Thiện cũng hứa rằng: “Bằng mọi cách, dùng điều kiện điều trị tốt nhất để chữa trị cho Xuân Son, để bạn sớm trở lại cống hiến cho đội tuyển Việt Nam”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 5/1/2025 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinh Quang (giai đoạn 1), thành phố Hải Phòng.