Những ngày cuối tuần, Aeon Mall Huế nằm ở đường Võ Nguyên Giáp thuộc Khu A – Khu đô thị mới An Vân Dương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế mở cửa sớm hơn một giờ so với những ngày bình thường. Có rất đông khách hàng đến tham quan, mua sắm, tận hưởng các dịch vụ tại trung tâm thương mại lớn nhất Huế với diện tích sàn lên tới 138.000 m2.
Kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Đây là một trong những dự án lớn được đầu tư và đưa vào hoạt động ở Thừa Thiên - Huế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời giải quyết nhu cầu lao động, tăng thu ngân sách.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến tháng 9-2024, tỉnh này đã cấp mới 33 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.146,6 tỉ đồng, trong đó có 12 dự án FDI với vốn đăng ký 35,599 triệu USD; chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án với tổng vốn đầu tư thu hút dự kiến 5.541 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, đến nay cùng với cả nước, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2021-2024 ước đạt 7,06 %/năm, ở mức khá so với các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 3.150 USD. Thu ngân sách tăng bình quân 8%/năm; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và động lực cho phát triển bền vững.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét; từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; tỉ lệ hộ nghèo năm 2024 giảm còn 1,76%.
"Các quy hoạch, đề án quan trọng phục vụ cho mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương được tập trung triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đó đã góp phần quan trọng tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh" – ông Vui đánh giá.
Du lịch là mũi nhọn kinh tế
Ông Vui cho biết Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2050; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển.
Theo đó, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì Thừa Thiên - Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng, là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, kết hợp với Đà Nẵng thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung…
Kinh tế phát triển khi thành lập TP Huế trực thuộc trung ương
Ngày 30-10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình Quốc hội Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Theo tờ trình, việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương sẽ là bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đã được UNESCO ghi nhận; cùng với TP Đà Nẵng, là động lực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và cả nước. Cơ cấu nền kinh tế của thành phố sẽ chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng cao hơn, đặc biệt là các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - du lịch.
Đồng thời, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; xứng tầm là trung tâm du lịch chất lượng cao, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số.
Về công nghiệp, tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm, có tác động lan tỏa và trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh.
"Chúng tôi muốn phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, bán dẫn, thiết bị điện tử - viễn thông, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động theo giải pháp thông minh, điều khiển từ xa. Ngoài ra, mục tiêu hướng tới là phát triển các ngành công nghiệp có liên quan đến di sản, văn hóa, festival, du lịch, các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, thiết bị, vật tư phục vụ bảo tồn di tích, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất hàng hóa xa xỉ phẩm, vật dụng, đồ lưu niệm, hàng hóa tiêu dùng khác" – ông Vui nói thêm.
Về nông lâm, thủy sản, tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Bên cạnh đó là phát triển bền vững kinh tế rừng, biển, đầm phá, ngập nước; phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, trồng cây dược liệu.