Kỹ thuật mới giúp thực hiện những ca ghép thận đặc biệt khó

() - Kỹ thuật giải mẫn cảm là "chìa khóa" giúp bệnh nhân vượt rào cản miễn dịch để được ghép thận, đang mở ra hy vọng mới cho nhiều người suy thận giai đoạn cuối.

Kỹ thuật giúp tăng cơ hội ghép thận

Giải mẫn cảm trước ghép thận giúp bệnh nhân vượt rào cản miễn dịch để được ghép tạng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, kỹ thuật này vẫn còn nhiều giới hạn về thiết bị, nhân lực và chính sách.

Đây là thông tin được TS.BS Trương Quý Kiên, khoa Nội Thận - Lọc máu (A15), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nêu ra tại Chương trình tập huấn Cập nhật những tiến bộ mới của lọc tách máu trong ghép thận và một số bệnh lý nội khoa.

Chương trình do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Hội Lọc máu Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/7.

Kỹ thuật mới giúp thực hiện những ca ghép thận đặc biệt khó - 1

TS.BS Trương Quý Kiên, khoa Nội Thận - Lọc máu (A15), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Ảnh: BTC).

Trong khuôn khổ chương trình, TS Kiên đã trình bày báo cáo chuyên đề về giải mẫn cảm trước ghép, một vấn đề đang nhận được nhiều quan tâm trong thực hành ghép tạng hiện nay.

Theo TS Kiên, giải mẫn cảm (desensitization) là kỹ thuật can thiệp nhằm loại bỏ hoặc làm giảm các kháng thể có khả năng nhận diện và tấn công tạng hiến, từ đó giúp giảm nguy cơ thải ghép ở những bệnh nhân có mức độ mẫn cảm miễn dịch cao.

Đây là nhóm bệnh nhân vốn từng bị từ chối ghép do có kháng thể đặc hiệu với người hiến, còn gọi là DSA (Donor-Specific Antibodies) lưu hành trong máu.

"Có không ít trường hợp bệnh nhân có người thân sẵn sàng hiến thận, đầy đủ các điều kiện y học, nhưng vẫn không thể thực hiện được vì sự hiện diện của các kháng thể chống lại tạng hiến. Những kháng thể này có thể khiến ca ghép thất bại chỉ trong vài ngày", TS Kiên phân tích.

Giải mẫn cảm là một hướng đi nhằm tháo gỡ rào cản này. Với sự hỗ trợ của các phương pháp lọc tách huyết tương hiện đại như PEX, DFPP và IA, kết hợp cùng các thuốc ức chế miễn dịch mạnh, bác sĩ có thể giảm tải hoặc loại bỏ các kháng thể nguy cơ cao trong máu người bệnh.

Kỹ thuật này không chỉ góp phần tăng tỉ lệ thành công sau ghép, mà còn mở rộng chỉ định ghép tạng cho nhóm bệnh nhân từng bị đánh giá là khó tiếp cận.

Bên cạnh nhóm bệnh nhân có kháng thể chống HLA, TS Kiên cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một tình huống ngày càng phổ biến trong ghép thận.

Đó là ghép thận bất tương hợp nhóm máu (ABOi). Đây là kỹ thuật cho phép thực hiện ca ghép ngay cả khi người hiến và người nhận không cùng nhóm máu, điều vốn được xem là chống chỉ định tuyệt đối trong nhiều năm trước đây.

Tại nhiều trung tâm ghép lớn trên thế giới, kỹ thuật giải mẫn cảm đã chứng minh hiệu quả rõ rệt. 

Ở Việt Nam, kỹ thuật này dù còn mới nhưng đã bắt đầu có những bước đi đáng ghi nhận. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này, đã thực hiện khoảng 500 ca ghép thận trong gần một thập kỷ, với tỷ lệ sống sau 5 năm đạt tới 95%. Con số tiệm cận các trung tâm hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, trong dịp lễ 30/4–1/5 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận và ghép thành công hai ca thận và một ca gan từ người hiến chết não.

Trong đó, một người nhận thận có mức DSA với chỉ số MFI lên tới 8.650 thuộc nhóm nguy cơ thải ghép rất cao. Ca ghép vẫn diễn ra an toàn và hiệu quả, đánh dấu một trong những trường hợp ghép thận mẫn cảm cao đầu tiên tại Việt Nam được xử lý bằng kỹ thuật giải mẫn cảm thành công.

Rào cản về thiết bị

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là kỹ thuật này hiện vẫn chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Theo báo cáo của TS Kiên, trong khi máy lọc huyết tương cơ bản (PEX) đã có tại nhiều bệnh viện, thì các thiết bị hiện đại hơn như lọc kép huyết tương (DFPP) hay lọc hấp phụ miễn dịch (IA) vẫn rất khan hiếm.

Kỹ thuật mới giúp thực hiện những ca ghép thận đặc biệt khó - 2

Cận cảnh một ca ghép thận (Ảnh: Ngọc Lưu).

Không chỉ thiếu thiết bị, Việt Nam còn thiếu xét nghiệm chuyên sâu để đo lường kháng thể, chưa kể các loại thuốc thiết yếu như Rituximab, IVIG đều có giá rất cao và chưa được bảo hiểm chi trả đầy đủ.

Ngoài ra, một thực tế khác cũng được nêu ra tại hội nghị là thiếu nhân sự có chuyên môn cao và mô hình điều trị liên ngành. Giải mẫn cảm không thể thực hiện đơn lẻ mà cần sự phối hợp giữa chuyên khoa ghép, thận nhân tạo, truyền máu, miễn dịch học…

Bên cạnh giải mẫn cảm, nhiều vấn đề khác liên quan đến ghép thận cũng được báo cáo tại sự kiện và nhận được sự quan tâm lớn như: vai trò của hấp phụ huyết tương trong ghép thận, lọc máu hấp phụ trong điều trị nhiễm khuẩn huyết và bệnh lý tự miễn...