Làm gì để ngăn chặn tình trạng “cò đất” đấu giá cao rồi bỏ cọc?

Thời gian gần đây, việc nhiều người trả giá rất cao trong những cuộc đấu giá quyền sử dụng đất rồi bỏ cọc đang phổ biến trên phạm vi cả nước.

Mức giá đấu tăng cao vượt xa giá trị của bất động sản khu vực đó không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương, mà còn tại nhiều nơi trên cả nước, gây méo mó thị trường.

Mới đây, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh những lợi ích, hoạt động đấu giá đất cũng bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực. Theo đó, Bộ này nhận định, tại một số nơi, trong quá trình tổ chức đã xảy ra hiện tượng "cò đấu giá đất", thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. Cụ thể, hiện tượng trả rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường.

Làm gì để ngăn chặn tình trạng “cò đất” đấu giá cao rồi bỏ cọc?- Ảnh 1.

Hiện tượng "cò đấu giá đất", thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia

Trên Nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về tình trạng này. Đại biểu Lê Tất Hiếu đoàn Vĩnh Phúc kiến nghị nâng mức cọc từ 20% lên 30-50%, để bảo đảm cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá...

“Nếu nâng tiền đặt trước vượt quá 20% sẽ làm hạn chế người tham gia đấu giá, bởi vì trước khi nộp hồ sơ cũng chưa biết được người trúng đấu giá hay không. Do vậy, nên quy định chế tài nâng lên từ 30%-50% đối với những người trúng đấu giá đơn phương hủy hợp đồng, để đảm bảo cho hoạt động đấu giá đất lành mạnh”, đại biểu Lê Tất Hiếu phân tích.

Hàng loạt vụ đấu giá quyền sử dụng đất phải tổ chức lại vì có quá nhiều người bỏ cọc đang dấy lên lo ngại về những lỗ hồng trong quy định liên quan đến công tác này. Đây cũng là vấn đề đang được chính quyền các địa phương tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, với thẩm quyền của mình, rất khó để các đơn vị tổ chức ban hành những quy định riêng cho từng cuộc đấu giá.

Ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, để tránh tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh để có quy định khả thi nhất từ thực tiễn những tình huống phát sinh.

“Để công tác đấu giá đất tới đây đảm bảo quy định pháp luật, khả thi và khi DN nào trúng đấu giá sẽ thực hiện đúng quy định và triển khai liền dự án. Vấn đề này sẽ tuỳ vào khu đất cụ thể chúng tôi sẽ tìm phương án cho phù hợp”, ông Tú nói.

Theo các chuyên gia, chính việc xác định mức giá khởi điểm quá thấp, cộng với số tiền đặt cọc đấu giá không cao đã khiến cho nhiều người sẵn sàng bỏ cọc. Do đó, một trong những biện pháp để ngăn chặn những bất cập trong đấu giá đất đó là tăng tiền cọc, xác định giá khởi điểm sát thị trường.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh phân tích, trước đây khi đấu giá đất, chúng ta xác định giá trước để làm căn cứ xác định giá khởi điểm, nhưng nay ta căn cứ vào bảng giá đất chưa được điều chỉnh nên quá thấp, nên như vừa rồi chênh lệch với giá trúng hơn 10 lần. “Sự vênh nhau rất lớn về giá này tạo ra tâm lý bất ổn trong xã hội nên là vấn đề cần quan tâm. Chúng ta cần bình tĩnh, khách quan đánh giá kết quả các cuộc đấu giá thời gian qua để tìm ra giải pháp khắc phục”, ông Ánh nói.

Để hạn chế người tham gia với mục đích đầu cơ, cũng cần xem xét quy định rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá và cam kết thực hiện mục tiêu của việc đấu giá, tránh trường hợp đấu giá đất xong, không sử dụng, gây lãng phí. Đặc biệt, cần có các chế tài đi kèm để xử lý và răn đe.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần đưa ra mức phạt cao hơn, những người nào bỏ cọc sẽ không phải là 6 tháng, phải tăng đến 5 năm thậm chí 10 năm sau không được tham gia đấu thầu. Tất cả những biện pháp đó dùng để ngăn chặn cả hành chính, tài chính. Còn nếu việc liên thông, cấu kết, thông thầu để phá hoại đấu thầu cần phải bị xử lý hình sự.

“Điều quan trọng nhất cần phải minh bạch quy hoạch công khai mức giá trần, giá sàn của địa phương, đồng thời đảm bảo các mức giá của các dự án Nhà nước đền bù phải áp giá thị trường. Từ đó tránh tất cả những thông tin nhiễu hoặc những cái gọi là bị “thổi” bởi các cò trung gian hoặc bởi những thông tin thiếu. Cuối cùng là việc rà soát, đánh giá chống đầu cơ là rất quan trọng”, ông Phong nêu.

Làm gì để ngăn chặn tình trạng “cò đất” đấu giá cao rồi bỏ cọc?- Ảnh 2.

Việc xác định mức giá khởi điểm quá thấp, cộng với số tiền đặt cọc đấu giá không cao đã khiến cho nhiều người sẵn sàng bỏ cọc

Một số chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để đưa ra chế tài xử lý đối với hành vi thao túng thị trường bất động sản. Hiện nay, Luật hình sự đã có tội thao túng thị trường chứng khoán, thị trường vốn, còn với việc thao túng thị trường bất động sản chưa có chế tài xử lý, vẫn để tự do theo thị trường. Chính vì vậycó những nhóm nhà đầu tư sẵn sàng bắt tay nhau, cùng nhau thổi giá, thao túng, nhưng vẫn không bị xử lý.

Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị về việc đánh thuế với trường hợp sở hữu nhiều nhà đất để tránh tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại nhiều lần trong một thời gian ngắn để kiếm lời. Đề xuất này được nhiều chuyên gia ủng hộ, vì sẽ góp phần điều tiết thị trường, tạo thị trường bất động sản minh bạch, an toàn và bền vững.