Làm thế nào để đào thải axit uric ra khỏi cơ thể?

() - Một số tình trạng sức khỏe, chế độ ăn uống và di truyền có thể gây ra nồng độ axit uric cao. Tránh uống rượu và hạn chế một số loại thực phẩm có thể giúp hạ nồng độ này.

Axit uric là sản phẩm thải tự nhiên do quá trình tiêu hóa thực phẩm có chứa purin. Purin có nồng độ cao trong một số loại thực phẩm và được hình thành và phân hủy trong cơ thể.

Thông thường, cơ thể bạn lọc axit uric qua thận và nước tiểu. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều purin hoặc nếu cơ thể bạn không thể loại bỏ sản phẩm phụ này đủ nhanh, axit uric có thể tích tụ trong máu.

Nồng độ axit uric tiêu chuẩn là dưới 6,8 miligam trên decilit (mg/dL). Nồng độ axit uric cao (trên 6,8 mg/dL) được coi là tăng axit uric máu. Điều này có thể dẫn đến bệnh gút và khiến máu và nước tiểu của bạn có tính axit quá mức.

Bạn có thể dùng thuốc để giúp đào thải các tinh thể axit uric. Bạn càng đi tiểu nhiều thì hiệu quả càng cao. Vì lý do này, uống nhiều nước cũng rất quan trọng. Ngoài ra, uống 8 cốc nước mỗi ngày là cách tốt nhất để giúp thận đào thải axit uric.

Làm thế nào để đào thải axit uric ra khỏi cơ thể? - 1

Khi bị axit uric cao, bạn cần tránh các thực phẩm giàu purin như hải sản, thịt đỏ... (Ảnh: Shutter stock).

Dưới đây là một số cách giúp giảm nồng độ axit uric một cách tự nhiên:

- Hạn chế thực phẩm giàu purin

Theo Healthline, thực phẩm giàu purin bao gồm một số loại thịt, hải sản và rau. Tất cả những thực phẩm này đều góp phần tạo ra axit uric khi tiêu hóa. Vì thế, bạn nên tránh hoặc giảm lượng thực phẩm giàu purin, chẳng hạn như thịt đỏ, nội tạng, cá, động vật có vỏ, gia cầm.

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng việc giảm lượng rau giàu purin có thể không ảnh hưởng đến nồng độ axit uric.

Theo Bệnh viện Vinmec, để tránh bị tăng axit uric cao trong máu, bạn nên giảm bớt lượng đạm trong khẩu phần ăn, hạn chế ăn những thực phẩm giàu đạm có gốc purin như hải sản, các loại thịt có màu đỏ như thịt trâu, thịt bò, thịt dê, phủ tạng động vật…

Đồng thời, chúng ta cần tránh ăn những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua… vì làm tăng nguy cơ kết tinh urat ở ống thận, tăng nguy cơ sỏi thận. 

- Tránh đường

Fructose là một loại đường tự nhiên có trong trái cây và mật ong. Khi cơ thể bạn phân hủy fructose, nó sẽ giải phóng purin và làm tăng nồng độ axit uric. Fructose trong đồ uống được hấp thụ nhanh hơn đường trong thực phẩm nguyên chất vì đồ uống không chứa chất xơ, protein hoặc các chất dinh dưỡng khác.

Các loại đường khác được thêm vào thực phẩm bao gồm đường ăn, sirô ngô…

- Uống nhiều nước

Uống nhiều chất lỏng giúp thận đào thải axit uric nhanh hơn. Thận lọc khoảng 70% axit uric trong cơ thể bạn. Uống đủ nước có thể giúp hỗ trợ thận và có thể giảm nguy cơ mắc sỏi thận do axit uric.

- Tránh uống rượu

Uống rượu có thể khiến bạn mất nước nhiều hơn. Nghiên cứu từ năm 2021 cho thấy nó cũng có thể gây ra tình trạng tăng axit uric. Một số loại rượu, chẳng hạn như bia, chứa hàm lượng purin cao hơn những loại khác. Tuy nhiên, ngay cả rượu có hàm lượng purin thấp hơn cũng có thể làm tăng sản xuất purin.

Rượu làm tăng quá trình trao đổi chất của nucleotide, một nguồn purin khác có thể chuyển thành axit uric. Nó cũng ảnh hưởng đến tốc độ bài tiết axit uric, dẫn đến tăng nồng độ trong máu.

- Uống cà phê

Nghiên cứu từ năm 2016 cho thấy cà phê có thể giúp giảm nồng độ axit uric trong huyết thanh theo hai cách chính. Nó cạnh tranh với enzyme phân hủy purin trong cơ thể, làm giảm tốc độ sản xuất axit uric. Nó làm tăng tốc độ cơ thể bạn bài tiết axit uric.

- Kiểm soát cân nặng

Mỡ thừa trong cơ thể có thể góp phần làm tăng nồng độ axit uric. Cân nặng nhiều hơn có thể khiến thận của bạn hoạt động kém hiệu quả hơn. Nó cũng có thể làm tăng sản xuất axit uric và làm giảm bài tiết axit uric qua nước tiểu.

- Kiểm soát lượng đường trong máu

Nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy tình trạng tăng axit uric máu có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường và các biến chứng liên quan. Những người có lượng đường trong máu cao, chẳng hạn như những người mắc tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, cũng có nguy cơ cao hơn bị các tác dụng phụ của tình trạng tăng axit uric máu.

- Ăn nhiều chất xơ

Ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm nồng độ axit uric. Chất xơ cũng có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu và mức insulin. Nó có xu hướng làm tăng cảm giác no, giúp bạn no lâu hơn.

- Kiểm tra thuốc và thực phẩm bổ sung

Một số loại thuốc và thực phẩm bổ sung có thể khiến axit uric tích tụ, bao gồm aspirin, thuốc lợi tiểu, vitamin B-3 (niacin), thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporine và tacrolimus…

Như vậy, chế độ ăn uống, tập thể dục và những thay đổi khác về lối sống có thể giúp cải thiện bệnh gút và các tình trạng sức khỏe khác do nồng độ axit uric cao gây ra. Tuy nhiên, chúng không phải lúc nào cũng có thể thay thế các phương pháp điều trị y tế.

Bạn nên dùng tất cả các loại thuốc theo toa theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sự kết hợp đúng đắn giữa chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc có thể giúp hạ nồng độ axit uric cao và ngăn ngừa các triệu chứng.

Có rất nhiều loại thực phẩm cần tránh để giúp hạ nồng độ axit uric. Cách tốt nhất để hạn chế những loại thực phẩm này là lập kế hoạch ăn uống hàng tuần. Bạn hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống tốt nhất dành cho bạn.