Láng giềng Indonesia, Lào đã có đường sắt cao tốc, tại sao Việt Nam giờ mới làm nhưng không chậm chân mà chiếm ưu thế vượt trội?

“Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam là cơ hội lớn để hiện đại hóa hạ tầng logistics, thúc đẩy kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu. Học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tận dụng công nghệ và tích hợp tính bền vững sẽ đảm bảo thành công cho dự án này. Với kế hoạch triển khai bài bản, tuyến đường sắt này sẽ định vị Việt Nam là nhân tố quan trọng trên thị trường logistics toàn cầu”, theo Tiến sĩ Majo George, Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam.

Láng giềng Indonesia, Lào đã có đường sắt cao tốc, tại sao Việt Nam giờ mới làm nhưng không chậm chân mà chiếm ưu thế vượt trội?- Ảnh 1.

Thời điểm “bước vào cuộc đua” đường sắt cao tốc của Việt Nam không thể tốt hơn!

Ông chia sẻ rằng, tàu cao tốc từ lâu đã đóng vai trò là huyết mạch của ngành logistics và vận tải ở nhiều quốc gia phát triển. Là một nước đang phát triển, Việt Nam có thể học hỏi được gì từ những nước đi trước?

Láng giềng Indonesia, Lào đã có đường sắt cao tốc, tại sao Việt Nam giờ mới làm nhưng không chậm chân mà chiếm ưu thế vượt trội?- Ảnh 2.

Tiến sĩ Majo George, Giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam

Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển mình mạnh mẽ với việc triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự án đầy tham vọng này có khả năng nâng cao năng lực kinh tế và logistics của đất nước, định vị Việt Nam là một mắt xích chủ chốt trong lĩnh vực logistics toàn cầu. Bằng cách tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, Việt Nam có thể áp dụng các thông lệ tốt nhất cũng như nhiều chiến lược sáng tạo để đảm bảo hệ thống đường sắt cao tốc sẽ thành công.

Ở nhiều quốc gia phát triển, tàu cao tốc đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động giao thông vận tải và logistics, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa hiệu quả. Một ví dụ điển hình là mạng lưới “tàu viên đạn” Shinkansen của Nhật Bản. Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản (JR) gần đây đã mở rộng sang vận chuyển hàng hóa trên mạng lưới này. Bằng cách tận dụng tàu cao tốc cho hàng hóa, Nhật Bản đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ giao hàng trong ngày, cung cấp cho các doanh nghiệp giải pháp logistics nhanh hơn và đáng tin cậy hơn.

Việt Nam có thể tham khảo bài học quý giá từ mô hình của Nhật Bản. Hệ thống đường sắt cao tốc ở Việt Nam nếu được quy hoạch tốt sẽ có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách cũng như nhu cầu giao hàng nhanh chóng ngày càng gia tăng của các ngành nghề. Việc triển khai đường sắt cao tốc sẽ cho phép các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên khắp cả nước trong cùng một ngày, giảm đáng kể phụ thuộc vào vận tải đường bộ chậm hơn, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Thay đổi này có thể làm giảm chi phí, cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả logistics tổng thể.

Hơn nữa, việc tích hợp đường sắt cao tốc để vận chuyển cả hàng hóa và hành khách sẽ mở ra những cơ hội kinh tế mới, tạo điều kiện cho thương mại nhanh hơn và củng cố vị thế của Việt Nam trong thị trường logistics khu vực và toàn cầu. Bằng cách áp dụng các chiến lược đã được kiểm chứng thành công, Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc có khả năng thích ứng với tương lai, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hiện đại và năng động.

Có ý kiến cho rằng, “trong quá trình phát triển hệ thống logistics, so với các nước trong khu vực như Indonesia, Lào… đã có đường sắt cao tốc thì bây giờ Việt Nam mới làm là trễ”. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

Mặc dù có một số ý kiến cho rằng Việt Nam đang đi sau các nước láng giềng như Campuchia và Lào, những quốc gia đã phát triển thành công các tuyến đường sắt cao tốc, tôi cho rằng quan điểm trên đã bỏ qua lợi thế chiến lược hiện tại của Việt Nam. Thời điểm “bước vào cuộc đua” của Việt Nam không thể tốt hơn. Khi mà công nghệ trong lĩnh vực đường sắt cao tốc luôn phát triển nhanh chóng, tham gia tại thời điểm này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể tận dụng những tiến bộ mới nhất để triển khai mạng lưới logistics hiện đại ngay từ đầu.

Láng giềng Indonesia, Lào đã có đường sắt cao tốc, tại sao Việt Nam giờ mới làm nhưng không chậm chân mà chiếm ưu thế vượt trội?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa tạo bởi ChatGPT và AI

Những nước tiên phong trong lĩnh vực đường sắt cao tốc như Nhật Bản và Pháp đã phải đầu tư mạnh vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cũ để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Trong khi đó, Việt Nam có thể "nhảy cóc" qua công nghệ cũ, áp dụng các giải pháp tiên tiến, đáng tin cậy và tiết kiệm nhất, bao gồm nâng cao hiệu suất năng lượng, quản lý đường sắt thông minh và xây dựng bền vững.

Tham gia vào lĩnh vực đường sắt cao tốc bây giờ, Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước và các nước láng giềng, tránh được những “cạm bẫy” tốn kém và tối đa hóa được hiệu quả. Kết quả là chúng ta sẽ có được một hệ thống logistics đáp ứng các yêu cầu hiện tại và nhiều thập kỷ sắp tới. Tôi cho rằng Việt Nam không hề chậm chân mà đang sẵn sàng vươn lên dẫn đầu bằng cách tận dụng lợi thế từ kinh nghiệm của người đi trước và những đột phá công nghệ mới nhất.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam vận tốc 350km/h khá tham vọng nhưng khả thi và cần thiết

Có nhiều ý kiến trái chiều về tốc độ 350km/h của đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt khi kết hợp chở khách và dự phòng chở hàng với chi phí đầu tư rất cao. Theo ông, tốc độ này có thực sự khả thi và phù hợp với tình hình kinh tế cũng như nhu cầu logistics của Việt Nam không?

Mặc dù tốc độ 350km/h được đề xuất cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam là khá tham vọng, tôi cho rằng mục tiêu này là khả thi và cần thiết về mặt chiến lược. Tốc độ này phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu do các mạng lưới đường sắt cao tốc hàng đầu tại các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp đặt ra.

Đối với Việt Nam, đạt được tốc độ này còn là bước quan trọng trong việc tăng cường kết nối giữa các trung tâm kinh tế quan trọng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đồng thời thúc đẩy liên kết quốc tế tại các địa phương ở vùng biên giới.

Các ý kiến phản biện có thể cho rằng 350 km/h là quá cao, đặc biệt là đối với vận tải hàng hóa, nhưng nhu cầu ngày càng tăng của dịch vụ logistics hiện đại lại cho thấy một câu chuyện khác. Thị trường toàn cầu ngày càng được thúc đẩy bởi tốc độ và tính hiệu quả, đặc biệt là đối với hàng hóa có giá trị cao và nhạy cảm với thời gian.

Việt Nam có thể tận dụng động lực này bằng cách tích hợp các dịch vụ vận tải hàng hóa nhẹ tốc độ cao vào hệ thống đường sắt của mình, như ví dụ từ mạng lưới Shinkansen của Nhật Bản. Cách tiếp cận này sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giao hàng nhanh chóng và định vị Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh nặng ký trong thị trường logistics toàn cầu.

Bằng cách tối ưu hóa vận chuyển hành khách và hàng hóa ở tốc độ 350km/h, Việt Nam có thể thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả thương mại và củng cố vai trò trung tâm logistics ở Đông Nam Á, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Láng giềng Indonesia, Lào đã có đường sắt cao tốc, tại sao Việt Nam giờ mới làm nhưng không chậm chân mà chiếm ưu thế vượt trội?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa tạo bởi ChatGPT và AI

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một dự án rất lớn, theo ông, Việt Nam cần chú ý điều gì trong quá trình triển khai?

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng với quy mô lớn, đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận và thực hiện nghiêm túc. Để đảm bảo phát triển thành công, Việt Nam có thể dựa vào các thông lệ tốt nhất toàn cầu được quan sát ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Tại những nơi này, tầm quan trọng của việc quản lý dự án hiệu quả, minh bạch và triển khai theo từng giai đoạn đã được chứng minh thực tế.

Một cách tiếp cận chiến lược đối với Việt Nam là phân chia dự án thành các giai đoạn hoặc khu vực khác nhau, cho phép áp dụng chuyên môn quốc tế chuyên biệt cho từng phần. Phương pháp phân chia trách nhiệm này đảm bảo đầu ra chất lượng cao và đẩy nhanh tiến độ.

Ví dụ, với chuyên môn về công nghệ đường sắt cao tốc, Nhật Bản có thể giám sát một phân khúc. Đồng thời, các quốc gia như Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ có thể quản lý các phân khúc khác dựa trên thế mạnh của họ về kỹ thuật, logistics và thực hiện dự án. Sự tham gia đa dạng như vậy cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác về tài chính và kỹ thuật từ nhiều quốc gia, tăng cường tính vững chắc của dự án.

Hơn nữa, Việt Nam nên tìm hiểu các quan hệ đối tác công tư (PPP) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho một dự án có quy mô lớn như này. Một ví dụ điển hình là sân bay quốc tế Cochin ở Ấn Độ, được tài trợ thông qua mô hình PPP. Bằng cách cho phép các doanh nghiệp tư nhân và công chúng đầu tư vào hệ thống đường sắt, Việt Nam có thể tạo ra cảm nhận rằng đây là một công trình quốc gia mà cả nước cùng chung tay đóng góp, trong khi vẫn đảm bảo sự ổn định tài chính lâu dài.

Tính bền vững nên là một ưu tiên cốt lõi khác trong suốt vòng đời của dự án. Khi cơ sở hạ tầng toàn cầu ngày càng được xanh hóa, Việt Nam phải áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, chẳng hạn như tàu hỏa tiết kiệm năng lượng và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường trong giai đoạn xây dựng không chỉ giúp cảm nhận của công chúng về dự án tích cực hơn, mà còn phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu, đảm bảo thành công của dự án trong dài hạn.

 Cơ hội phát triển độc đáo nhờ đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Với quan điểm Việt Nam có thể tích hợp đường sắt cao tốc vào hệ thống giao thông hiện tại. Vậy có thể có những thách thức logistics nào với Việt Nam trong trường hợp này?

Việc tích hợp đường sắt cao tốc vào cơ sở hạ tầng giao thông hiện có của Việt Nam đặt ra những thách thức về mặt logistics, đặc biệt liên quan đến địa lý đa dạng của đất nước và chi phí liên quan đến vận chuyển hàng hóa. Địa hình đa dạng của Việt Nam, bao gồm các vùng núi, sông và vùng ven biển, đặt ra thách thức đáng kể về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ về đào hầm, xây dựng cầu và hệ thống đường sắt trên cao đã giúp các quốc gia có địa hình tương tự như Nhật Bản và Thụy Sĩ vượt qua những trở ngại này. Một ví dụ là đường sắt Konkan của Ấn Độ đi qua địa hình gồ ghề dọc theo bờ biển phía tây và sử dụng nhiều đường hầm và cầu. Điều này chứng minh rằng kỹ thuật mới có thể giúp tích hợp hiệu quả đường sắt cao tốc ngay cả trong những môi trường đầy thách thức.

Một thách thức lớn khác mà Việt Nam phải đối mặt là chi phí sử dụng đường sắt cao tốc để vận chuyển hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước khi quyết định áp dụng thì họ phải biết phương thức vận tải này có cạnh tranh về chi phí với các lựa chọn logistics khác hay không, chẳng hạn như vận tải đường bộ và đường biển. Mặc dù đường sắt cao tốc mang lại những lợi thế không thể phủ nhận về tốc độ và độ tin cậy, nhưng chi phí quá cao có thể ngăn cản các nhà khai thác logistics chuyển sang phương pháp này.

Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam nên tìm hiểu các chiến lược định giá cân bằng giữa chi phí hoạt động và khả năng tiếp cận. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các mô hình định giá theo bậc, trợ cấp hoặc ưu đãi cho các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào logistics.

Việt Nam có thể giúp dịch vụ đường sắt cao tốc được sử dụng rộng rãi bằng cách đảm bảo rằng đường sắt cao tốc có giá cả phải chăng và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi những thách thức này được giải quyết, đường sắt cao tốc sẽ trở thành trụ cột chính của cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam và chuyển đổi nền kinh tế của đất nước.

Ông có chia sẻ, khả năng phát triển bất động sản gần ga đường sắt sẽ tác động đến nền kinh tế, giúp gia tăng giá trị tài sản và cơ hội đầu tư. Việt Nam nên tận dụng cơ hội này thế nào?

Các nhà ga đường sắt cao tốc không chỉ là điểm trung chuyển mà có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan rõ ràng và tích cực giữa vị trí gần các nhà ga lớn và giá trị bất động sản tăng.

Láng giềng Indonesia, Lào đã có đường sắt cao tốc, tại sao Việt Nam giờ mới làm nhưng không chậm chân mà chiếm ưu thế vượt trội?- Ảnh 5.

Ảnh minh họa tạo bởi ChatGPT và AI

Việt Nam có cơ hội độc đáo để tận dụng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Điển hình như, phát triển đô thị quanh các nhà ga chính thành trung tâm kinh tế sôi động, tích hợp mua sắm, kinh doanh, khách sạn và giải trí, thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Hơn nữa, khi hệ thống giao thông đến các trung tâm đô thị lớn được cải thiện nhờ đường sắt cao tốc, áp lực dân số ở các đô thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được giảm bớt. Người dân có thể lựa chọn sinh sống ở các khu vực ngoại ô có giá cả phải chăng hơn mà vẫn duy trì việc đi lại thuận tiện.

Kết quả sẽ là sự phân bổ tăng trưởng kinh tế đồng đều hơn, giảm tắc nghẽn ở các thành phố quá đông đúc và tăng giá trị bất động sản ở các khu vực xung quanh. Bằng cách chủ động lập kế hoạch và thúc đẩy những sự phát triển này, Việt Nam có thể cải thiện thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam giúp nâng cao vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics ra sao khi hiện đang xếp thứ 43/139 ?

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy đáng kể thứ hạng của đất nước trên bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics của Ngân hàng Thế giới. Bằng cách hợp lý hóa việc di chuyển giữa các trung tâm kinh tế quan trọng, dự án sẽ giảm đáng kể thời gian đi lại và cải thiện hiệu quả chung của vận chuyển hàng hóa, giúp chuyển đổi ngành logistics của Việt Nam.

Một trong những tác động hứa hẹn nhất của tuyến đường sắt là khả năng tích hợp liền mạch với các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng khác như sân bay, cảng biển và cao tốc đường bộ. Kết nối đa phương thức này sẽ nâng cao năng lực của quốc gia về vận tải hàng hóa trong nước và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics hàng đầu ở Đông Nam Á. Khi cải thiện được tốc độ, độ tin cậy và hiệu quả của vận chuyển hàng hóa trên toàn quốc, Việt Nam sẽ có năng lực tốt hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ nâng cao năng lực logistics của Việt Nam và biến quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp quốc tế đang tìm kiếm các giải pháp chuỗi cung ứng hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Kết quả là, thứ hạng của Việt Nam trên Chỉ số hiệu quả logistics có tiềm năng tăng lên top 20, củng cố thêm vị thế là cường quốc khu vực trong lĩnh vực logistics và nâng cao vai trò của Việt Nam trong thương mại toàn cầu.