Tình yêu vượt khoảng cách
Gần 2 tháng trôi qua, Bùi Đỗ Thanh Thương (SN 2000, quê Quảng Nam) vẫn thích mê đám cưới của chính mình, vốn đã được chuẩn bị gần 1 năm, tổ chức tại rừng thông Đà Lạt (Lâm Đồng) với những nghi thức đặc biệt.
Chồng của Thương là Cho Myoung Jun, đến từ Miryang, Hàn Quốc. Anh hơn cô 14 tuổi. Họ quen nhau khi học trao đổi ngôn ngữ trên một ứng dụng học tiếng Hàn – Việt.
![]() |
Thanh Thương và người chồng hơn cô 14 tuổi. |
Ban đầu, quan hệ giữa họ chỉ dừng ở việc chào hỏi và sửa lỗi chính tả cho nhau. Thương thấy đối phương khá nhút nhát bởi ngay cả việc ghi âm câu thoại để sửa lỗi phát âm, anh cũng ngần ngại.
“Tôi thấy anh ấy khá dễ thương. Tôi trêu anh ‘nếu anh đến Việt Nam, em sẽ mua cà phê cho anh’. Vậy mà anh đến thật”, Thương kể.
Ngày cận tết Nguyên đán 2023, Cho Myoung Jun đến sân bay Tân Sơn Nhất. Thương từ Đà Nẵng vào TPHCM để mua cho anh một cốc cà phê.
Ấn tượng đầu tiên của cô về Myoung Jun là “có một gương mặt khó nhớ”. Trong thời gian anh ở Việt Nam, họ gặp nhau thêm vài lần. Sự dịu dàng, lịch sự của anh khiến cô rung động.
Ngày tạm biệt nhau, Myoung Jun đã dùng vỏ ống hút làm thành chiếc nhẫn rồi đeo vào ngón áp út của cô. “Chiếc nhẫn ấy giống như ‘bùa yêu’ khiến tôi không thể dứt khỏi anh”, Thương chia sẻ.
Cặp đôi chính thức hẹn hò. Dù yêu xa, Myoung Jun vẫn cố gắng về thăm bạn gái mỗi tháng 1 lần. Thương nghĩ ‘chỉ cần sau 8 tiếng ở văn phòng, về nhà có người chăm sóc thế này thì vất vả sao cũng chịu được”.
“Vậy mà tôi vẫn có lúc mệt mỏi với yêu xa, cảm giác nhớ nhung mà không thể gặp rất khó chịu. Tôi nói chia tay. Chỉ 1 ngày sau, anh ấy có mặt ở Việt Nam, đem theo đầy đủ giấy tờ để cùng tôi đi đăng ký kết hôn.
Tròn 1 tháng sau đó, khi mọi giấy tờ đã được duyệt, chúng tôi về Quảng Nam gặp mặt gia đình và đi đăng ký. Mọi thứ nhanh đến mức, tôi cầm tờ giấy chứng nhận kết hôn trên tay vẫn không dám tin là thật”, Thương kể.
Hôn lễ “lạ lùng”
Thương luôn ước mơ có một hôn lễ lãng mạn ở Đà Lạt với không gian đầy ắp hoa tươi. Tại đó, những người thân thương sẽ chứng kiến dấu mốc trọng đại trong cuộc đời của cả hai vợ chồng cô.
![]() ![]() |
Không gian cưới lãng mạn của cặp đôi. |
Thương từng nghĩ, đó là điều bất khả thi. Nhưng Myoung Jun thì khác. Anh nói: “Em cứ làm những điều em muốn. Về tài chính, anh sẽ lo liệu chu toàn”.
“Thế là dưới sự 'chống lưng' của anh, tôi thỏa thích viết tiếp ước mơ của mình. Anh ủng hộ mọi mong muốn của tôi. Thi thoảng, có lựa chọn nào đó khiến tôi lăn tăn, anh sẽ cho một vài gợi ý”, Thương tâm sự.
Ngày 25/2, đám cưới diễn ra tại rừng thông Đà Lạt với 30 khách mời.
Thương dành cho người bố đã mất của Myoung Jun một chiếc ghế đẹp, một vị trí trang trọng trong hôn lễ. Cô gọi đó là “ghế ngồi cho người đã khuất” như một lời tri ân, một sự tưởng nhớ đến bố chồng.
Mẹ chồng cô đã khóc khi nhìn thấy chiếc ghế này. Cô cảm thấy, giữa các thành viên trong gia đình có một sự kết nối kỳ diệu.
![]() ![]() |
Thanh Thương đã có một lễ cưới như mơ. |
Khách mời chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Quảng Nam và TP.HCM. Khi mời khách, Thương đã hỏi họ về sở thích cũng như những món ăn không thể ăn được. Cô thiết kế thực đơn ăn uống riêng cho từng khách.
Vợ chồng cô cũng chuẩn bị phòng nghỉ riêng cho khách, thuê thợ trang điểm và phương tiện đi lại cho những khách ở xa. Thương sắp xếp khách ngồi theo nhóm người quen để mọi người không bị lạc lõng.
Và đặc biệt, cô không nhận tiền mừng của khách.
“Tôi chuẩn bị than sưởi cho khách, trong thiệp cưới online, tôi nhắc họ mang theo áo ấm, chuẩn bị sẵn xịt chống côn trùng vì đám cưới tổ chức trong rừng...
Về trang phục của khách, tôi khuyến khích mọi người mặc đồ mình yêu thích để tự tin hơn và có những bức ảnh kỷ niệm đẹp nhất”, Thương kể.
![]() |
Cô chuẩn bị vị trí trang trọng cho người bố chồng đã khuất. |
![]() |
Thực đơn riêng cho từng khách mời. |
Thay vì rót rượu mừng hay rót cát, Thương quyết định chọn nghi thức rót gạo.
Cô chọn gạo trắng – biểu tượng của Việt Nam – và lúa mạch – biểu tượng của Hàn Quốc – để thể hiện niềm tự hào về một cuộc hôn nhân đa văn hóa. Ẩn sau đó là thông điệp: “Khi đã quyết định cùng nhau đi đến cuối con đường, cả hai phải biết tôn trọng, bảo vệ và nâng đỡ lẫn nhau".
Khoảnh khắc khiến Thương xúc động nhất là khi cô dâu, chú rể trao nhau lời hứa. Một bên nói lời lẽ đáng yêu, còn một bên chia sẻ những điều cảm động. Khi trao nhẫn cho nhau, cả hai cùng rơi nước mắt.
“Trong khoảnh khắc tiếng chim hót líu lo, tiếng đàn violin du dương hòa quyện cùng mùi lá thông và hương hoa thoang thoảng, tôi ngỡ như đã chạm tới giấc mơ”, Thương nói.
![]() |
Cặp đôi thực hiện nghi thức rót gạo trong hôn lễ. |
![]() ![]() |
Khách mời có những kỷ niệm đáng nhớ. |
Phản hồi của khách mời sau đó khiến Thương càng xúc động hơn. Mọi người đều hài lòng với sự chuẩn bị chu đáo của cô dâu, chú rể.
“Khi tôi đứng trên bục cao và bên dưới là những người thân yêu, cùng tôi trải qua tuổi thơ tươi đẹp và dìu tôi trên con đường trưởng thành, khi họ dùng lời nói và ánh mắt dịu dàng để chúc phúc cho tôi, khi mọi người hân hoan cùng tôi chụp ảnh kỷ niệm...
Những khoảnh khắc đó, chẳng một máy ảnh nào có thể bắt trọn được niềm hạnh phúc và biết ơn trong mắt tôi”, Thương tâm sự.
6 hormone hạnh phúc
Dopamine tạo ra động lực và cảm giác hài lòng, Endorphin mang đến cảm giác thăng hoa, trong khi Cortisol lại "sản sinh" cảm giác căng thẳng, giúp bạn có tâm trạng phấn khích để phiêu lưu ra khỏi vùng an toàn… Nếu hiểu được cơ chế hoạt động của những hormone then chốt này, bạn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, như tác giả David JP Phillips bật mí trong cuốn sách Cho đời nhẹ lên cao.