Lễ độc thân đang mất dần sức hấp dẫn với người Trung Quốc?

Sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm của Trung Quốc đã giảm nhiệt đối với cả người tiêu dùng và người bán tại thị trường nội địa, dự báo doanh số chung sẽ tăng trưởng khiêm tốn.

Sự kiện ngày Lễ độc thân 11/11 là lễ hội mua sắm lớn nhất tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Theo AP, người bán hàng và người tiêu dùng tại Trung Quốc đều nhận thấy lễ hội mua sắm ngày Lễ độc thân 11/11 (Singles’ Day) năm nay kém hấp dẫn hơn so với những năm trước. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tìm kiếm cơ hội tăng trưởng ở nước ngoài.

Sự kiện thường niên này được khởi xướng bởi nền tảng thương mại điện tử Alibaba và đặt tên theo ngày 11/11, đây được coi là phiên bản Black Firday của Trung Quốc với các chương trình giảm giá hấp dẫn nhằm thu hút người mua chi tiêu mạnh tay. Từ đó, sự kiện đã mở rộng sang các nền tảng khác như JD.com và Pinduoduo ở Trung Quốc cũng như ra thị trường quốc tế.

Trước đây, Lễ độc thân là một sự kiện kéo dài trong một ngày, nhưng hiện nay, các nền tảng mua sắm ở Trung Quốc bắt đầu tổ chức lễ hội từ vài tuần trước để thúc đẩy doanh thu. Lễ hội này cũng đã trở thành một chỉ báo quan trọng về tâm lý người tiêu dùng.

Mất niềm tin vào “sale khủng”

Phiên bản Black Friday của Trung Quốc năm nay đã bắt đầu vào ngày 14/10, sớm hơn một tuần so với năm ngoái, khi các công ty thương mại điện tử Alibaba và JD.com đang đối mặt với doanh số chi tiêu tiêu dùng ảm đạm, theo CNBC.

Giữa bối cảnh nền kinh tế trong nước của Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự báo, người tiêu dùng không còn chi tiêu mạnh mẽ như trước trong dịp mua sắm này.

“Mỗi ngày chúng tôi chỉ tiêu vài trăm nhân dân tệ cho các nhu yếu phẩm hàng ngày”, bà Wang Haihua, chủ một phòng tập thể dục ở Bắc Kinh, chia sẻ.

Bà Wang cho biết mức giá được đưa ra trên các nền tảng TMĐT trong dịp 11/11 không rẻ hơn bình thường. “Chúng chỉ là những chiêu trò mà chúng tôi đã nhìn thấu qua nhiều năm”, bà Wang nói.

le doc than 11/11 anh 1

Một quảng cáo quảng bá chiến dịch ngày Lễ độc thân 11/11 của Tmall tại Thượng Hải. Ảnh SCMP.

Zhang Jiewei, một chủ tiệm cắt tóc 34 tuổi ở thành phố Tây An cũng đồng tình với quan điểm của bà Wang, cho rằng anh không còn tin vào các chương trình khuyến mãi trong ngày 11/11 nữa vì một số người bán hàng thường tăng giá sản phẩm lên trước khi giảm giá, khiến người tiêu dùng tưởng rằng họ đang mua được hàng giảm giá.

“Khoảng 2-3 năm trước, tôi từng mua rất nhiều đồ, thậm chí còn mua điện thoại di động trong ngày Lễ độc thân. Tôi đã ngừng làm vậy từ sau đại dịch vì thu nhập giảm. Năm nay, tôi sẽ không mua gì cả”, anh Zhang bổ sung.

Nhận xét về xu hướng chi tiêu của thị trường Trung Quốc trong sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm này, bà Ashley Dudarenok, người sáng lập ChoZan, một công ty tư vấn tiếp thị Trung Quốc nhận xét: “Tâm lý năm nay khá khác biệt, bình tĩnh hơn nhiều. Người tiêu dùng Trung Quốc không bị cuốn vào cơn sốt mua mua mua, họ đang săn lùng những sản phẩm mà họ thực sự cần thay vì chỉ là giá thấp hơn”.

Tăng trưởng giảm mạnh

Một số chuyên gia cho rằng các biện pháp kích thích gần đây của Bắc Kinh không có nhiều tác động trong việc nâng cao nhu cầu của người tiêu dùng.

“Người dân không còn hứng thú chi tiêu và đang cắt giảm những món đồ giá trị lớn”, Shaun Rein, người sáng lập và Giám đốc điều hành của China Market Research Group ở Thượng Hải, cho biết. “Từ tháng 10/2022, nền kinh tế tăng trưởng chậm khiến mọi thứ đều được giảm giá quanh năm, 11/11 sẽ không mang đến nhiều ưu đãi hơn so với tháng trước đó”.

Ông Rein dự đoán mức tăng trưởng thấp trong lễ hội mua sắm sự kiện ngày Lễ độc thân bởi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn sắp tới.

Điều này có thể thấy qua việc các danh mục như đồ thể thao và thể hình đang bán rất chạy vì khách hàng đã bắt đầu “đổi chiếc túi Gucci sang đồ thể thao Lululemon”.

Các nền tảng như JD.com và Alibaba, điều hành các sàn thương mại điện tử Taobao và Tmall, trước đây từng công bố giá trị giao dịch trong suốt sự kiện nhưng giờ đây đã ngừng công bố số liệu tổng thể. Trong khi tăng trưởng hàng năm trước đây luôn ở mức 2 con số thì ước tính của các số liệu gần đây chỉ còn tăng trưởng ở mức một chữ số thấp.

Syntun, một nhà cung cấp dữ liệu, ước tính rằng doanh thu thương mại điện tử năm ngoái của các nền tảng lớn chỉ tăng 2%, đạt 1,14 triệu tỷ nhân dân tệ (156,4 tỷ USD), một sự chênh lệch lớn so với mức tăng trưởng hai con số trước đại dịch Cobid-19.

Tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài

Những người bán hàng thường xuyên tham gia vào lễ hội mua sắm ngày Lễ độc thân cho biết chi phí tham gia hiện nay không còn mang lại lợi nhuận, với các khoản phí quảng cáo cao và doanh số không đạt yêu cầu.

Zhao Gao, chủ một xưởng may ở phía Đông tỉnh Chiết Giang, cho biết sau khi trả chi phí quảng cáo cho các nền tảng TMĐT, ông chỉ hòa vốn sau khi bán được hàng.

“Các nền tảng có quá nhiều quy định về khuyến mãi và khách hàng đã trở nên hoài nghi hơn”, ông nói. “Với tư cách là một người bán hàng, tôi không còn tham gia vào các chương trình khuyến mãi của ngày 11/11 nữa”.

le doc than 11/11 anh 2

Lượng hàng được giao qua mua sắm trực tuyến trong ngày Lễ độc thân 11/11. Ảnh: China Daily.

Một thương nhân khác, Du Baonian, chủ một công ty chế biến thịt cừu ở Nội Mông, cho biết tổng doanh thu của anh trong năm qua đã giảm 15% do người tiêu dùng giảm chi tiêu và chuyển sang các sản phẩm có giá trị thấp hơn.

Anh cho biết dù vẫn tham gia vào các chương trình khuyến mãi của ngày Lễ độc thân nhưng chi phí cao hơn thường không mang lại lợi nhuận vì doanh số không như kỳ vọng.

“Chúng tôi đang chứng kiến doanh thu thu hẹp, nhưng quảng cáo trên nền tảng giúp duy trì vị trí bán hàng dẫn đầu của chúng tôi”, anh nói, đồng thời cho biết đang xem xét quảng cáo trên nhiều nền tảng TMĐT khác để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Trong khi đó, các nền tảng TMĐT đang đối mặt với đà chững lại của thị trường trong nước cũng đã phải chuyển sang các thị trường quốc tế để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới bằng cách đưa ra các chương trình khuyến mãi như giao hàng miễn phí toàn cầu và cho phép các thương nhân bán hàng trên toàn cầu một cách dễ dàng.

Trên một bài đăng trên Alizila, Alibaba cho biết có khoảng 70.000 người bán hàng đã chứng kiến doanh thu tăng gấp đôi nhờ miễn phí giao hàng toàn cầu. Tại các thị trường như Singapore và Hong Kong, số lượng khách hàng mới cũng tăng gấp đôi.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.