Liverpool đã đúng khi bán Luis Diaz

Việc Liverpool chấp nhận lời đề nghị khổng lồ từ Bayern Munich cho Luis Diaz cho thấy sự khôn ngoan trong việc cân đối tài chính và lực lượng.

Liverpool đồng ý bán Luis Diaz cho Bayern Munich.

Liverpool đang trải qua một mùa hè đầy biến động trên thị trường chuyển nhượng, và thương vụ bán Luis Diaz cho Bayern Munich với giá 70 triệu bảng là minh chứng rõ ràng cho triết lý kinh doanh sắc lạnh của Fenway Sports Group (FSG). Đây không chỉ là quyết định tài chính thuần túy, mà còn phản ánh sự tỉnh táo trong việc quản trị nhân sự của đội chủ sân Anfield.

Quyết định khó từ chối

Diaz không phải là cái tên Liverpool muốn bán trong kỳ chuyển nhượng này. Tuy nhiên, khi Bayern Munich liên tục nâng giá, cuối cùng đạt con số 70 triệu bảng, FSG lựa chọn gật đầu. Đó là mức phí gấp đôi số tiền 37 triệu bảng mà Liverpool bỏ ra để đưa anh từ Porto về vào năm 2022, một thương vụ quá hợp lý xét trên khía cạnh lợi nhuận.

Quan trọng hơn, yêu cầu tăng lương của Diaz - lên mức hơn 10 triệu bảng mỗi năm - không phù hợp với chính sách tài chính của FSG. Từ năm 2023, phía cầu thủ và đại diện đã nhiều lần thúc đẩy đàm phán gia hạn, nhưng Liverpool kiên định với mức trần lương vốn đã được thiết lập. Sự kiên quyết này từng khiến nhiều công thần khác ra đi, như Sadio Mane, Roberto Firmino hay Georginio Wijnaldum.

Michael Edwards, CEO phụ trách bóng đá của FSG, từ lâu nổi tiếng với nguyên tắc “không để cảm xúc chi phối quyết định tài chính”. Trong mắt Edwards và tân Giám đốc thể thao Richard Hughes, Diaz đã đi đến giai đoạn đỉnh cao cuối cùng của sự nghiệp. Bán anh ở thời điểm giá trị thị trường đang cao nhất là cách để Liverpool xoay vòng lực lượng mà không phá vỡ cấu trúc lương.

Liverpool anh 1

Sau Luis Diaz, nhiều khả năng tới lượt Darwin Nunez rời Liverpool.

Chính sách này từng giúp Liverpool thu lời lớn từ những thương vụ khó tin: bán Philippe Coutinho cho Barcelona với giá 142 triệu bảng, hay thu về hàng chục triệu bảng từ những cầu thủ không còn nằm trong kế hoạch, như Jordon Ibe, Mamadou Sakho, Danny Ings hay Rhian Brewster. Nhờ vậy, dù liên tục đầu tư vào đội hình, CLB vẫn duy trì được sự cân bằng tài chính - yếu tố sống còn trong thời đại bóng đá bị chi phối bởi các quy định tài chính khắt khe.

Bài học từ Mane

Sadio Mane là ví dụ điển hình cho cách Liverpool ra quyết định. Dù là một huyền thoại tại Anfield, tiền đạo người Senegal vẫn bị bán cho Bayern khi bước sang tuổi 30, với mức lương 20 triệu bảng/năm không còn tương xứng với dự báo phong độ dài hạn. Chỉ một năm sau, Bayern phải bán lỗ Mane cho Saudi Pro League - minh chứng rằng Liverpool đã chọn đúng thời điểm để “chốt lời”.

Diaz, dù luôn cống hiến và giàu năng lượng, cũng không nằm ngoài logic ấy. Anh sẽ bước qua tuổi 30 khi kết thúc hợp đồng với Bayern, trong khi Liverpool vẫn giữ được sự chủ động về mặt tài chính để đầu tư vào các mục tiêu trẻ hơn, phù hợp hơn với kế hoạch dài hạn.

Dĩ nhiên, việc bán Diaz cũng chứa đựng rủi ro. Anh là một trong những mũi khoan quan trọng ở cánh, mang đến tốc độ và khả năng tạo đột biến. Người hâm mộ sẽ nhanh chóng đánh giá thương vụ này qua chất lượng của người thay thế.

Liverpool anh 2

Liverpool đã có chữ ký của Wirtz trong hè 2025, động thái để thay Luis Diaz.

Tuy vậy, lịch sử cho thấy Liverpool thường có câu trả lời đúng. Từ Coutinho đến Mane, những lần ra đi đình đám không làm đội bóng suy yếu, thậm chí còn tạo cơ hội để tái cấu trúc đội hình một cách thông minh hơn.

Liverpool hiện không chỉ là một CLB thành công trên sân cỏ mà còn là hình mẫu về quản trị tài chính trong bóng đá hiện đại. Nếu “Nghệ thuật đàm phán” cần một chương mới, có lẽ những nhân vật như Michael Edwards, Richard Hughes và chủ tịch Mike Gordon xứng đáng được nhắc đến như những bậc thầy của thị trường chuyển nhượng.

Cuốn sách “Leading: Learning from Life and My Years at Manchester United” được Sir Alex Ferguson viết chung với Michael Moritz xuất bản năm 2015 đem tới kinh nghiệm sống quý báu cho bất kỳ ai.