Loại thịt "đại bổ" nhưng ăn nhiều làm tăng 17% nguy cơ bệnh tim

() - Từng được xem là thực phẩm vàng để bồi bổ cơ thể, thịt đỏ lại đang được cảnh báo bởi hàng loạt nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng

"Đại bổ" hay "đại họa" là do cách dùng

Thịt đỏ - bao gồm thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt dê - vốn nổi tiếng vì chứa hàm lượng protein chất lượng cao, sắt, kẽm, vitamin nhóm B và các axit béo thiết yếu. Chính vì vậy, nó thường xuất hiện trong các bữa ăn giúp phục hồi sau ốm hoặc khi cơ thể cần bổ sung năng lượng nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo các khuyến nghị mới từ Quỹ phòng chống ung thư quốc tế (WCRF) và Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ (AICR), chúng ta không nên tiêu thụ quá 350-500g thịt đỏ đã nấu chín mỗi tuần (khoảng 700g thịt sống không xương), tức khoảng 70g/ngày.

Loại thịt đại bổ nhưng ăn nhiều làm tăng 17% nguy cơ bệnh tim - 1

Thịt đỏ sẽ gây hại cho cơ thể nếu lạm dụng (Ảnh: Getty).

Một nghiên cứu lớn từ Đại học Queen Mary London chỉ ra: Ăn thêm 100g thịt đỏ mỗi ngày có thể làm tăng 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Riêng với thịt đỏ chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói… mức tăng còn lên đến 26% chỉ với 50g tiêu thụ mỗi ngày.

Nguyên nhân nằm ở hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao trong thịt đỏ, vốn là thủ phạm gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và đẩy nhanh quá trình tổn thương tim mạch.

Một báo cáo khác của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan cũng chỉ ra: Mỗi khẩu phần thịt đỏ thêm vào mỗi ngày làm tăng 22% nguy cơ mắc bệnh tim.

Mối nguy đã được WHO xếp hạng

Không chỉ ảnh hưởng đến hệ tim mạch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp thịt đỏ vào nhóm 2A - tức "có thể gây ung thư ở người". Đặc biệt, mối liên hệ mạnh mẽ được tìm thấy với ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy và ung thư dạ dày.

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy: Người ăn 76g thịt đỏ mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 20% so với nhóm chỉ ăn 21g/ngày. Hàm lượng sắc tố đỏ có trong thịt được cho là tác nhân gây tổn thương tế bào, tạo điều kiện cho vi khuẩn sản xuất chất gây ung thư trong đường ruột.

Nguy cơ càng tăng cao nếu thịt được chế biến sẵn với muối, khói hoặc chất bảo quản như nitrat - những chất được cho là có khả năng làm biến đổi ADN của tế bào người.

Nguy cơ tiểu đường và gánh nặng chuyển hóa

Thịt đỏ không chỉ ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn hay tiêu hóa mà còn có liên quan đến bệnh tiểu đường type 2.

Theo GS Frank B. Hu (Đại học Harvard), tiêu thụ nhiều thịt đỏ làm tăng nồng độ yếu tố tăng trưởng giống insulin IGF-1 - một loại protein có thể làm giảm độ nhạy insulin, từ đó dẫn đến kháng insulin và phát triển bệnh tiểu đường.

Đặc biệt, thịt chế biến sẵn như thịt muối, xúc xích còn chứa nitrat - một chất bảo quản có thể cản trở hoạt động bình thường của tuyến tụy và làm tăng đường huyết.

Ngoài các bệnh lý nêu trên, ăn nhiều thịt đỏ còn gây rối loạn tiêu hóa, dễ dẫn đến tình trạng đầy bụng, chậm tiêu, trào ngược dạ dày và tiêu chảy ở những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Lượng chất béo cao trong thịt đỏ cũng làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể - một yếu tố nền của nhiều bệnh mãn tính.

Lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng

- Không ăn quá 3 lần thịt đỏ mỗi tuần, mỗi lần khoảng 100-150g (đã nấu chín).

- Ưu tiên thịt nạc, tránh phần mỡ và nội tạng động vật.

- Tăng cường cá, thịt gia cầm, trứng, đậu phụ và các loại hạt để đa dạng nguồn protein.

- Hạn chế tối đa thịt chế biến sẵn: xúc xích, thịt hộp, thịt xông khói…

- Kết hợp lối sống lành mạnh, tập luyện và ăn nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ để bảo vệ hệ tim mạch và tiêu hóa.

Tóm lại, thịt đỏ không phải là "kẻ thù" nếu biết cách sử dụng. Nhưng trong xã hội hiện đại với thói quen ăn uống dư đạm, thiếu rau và lười vận động, thì việc tiêu thụ quá nhiều loại thịt này dễ trở thành "giọt nước tràn ly" cho hàng loạt bệnh lý nghiêm trọng.