Mùa nắng nóng thường là thời điểm bệnh dại gia tăng. Gần đây, nhiều trường hợp tử vong do bị chó dại cắn đã được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành. Điều đáng lo ngại là virus dại có khả năng ủ bệnh âm thầm, tỷ lệ tử vong lên tới 100%.
Tử vong vì chó dại cắn sau vài tháng đến vài năm
Thời gian gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 6 ca tử vong do bệnh dại. Mới đây nhất, chưa đầy 1 tuần, địa phương đã ghi nhận 2 ca tử vong liên quan đến virus dại.
Chia sẻ với phóng viên , ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk cho biết, số ca tử vong vì bệnh dại đã ở mức báo động.
Một trong số đó là trường hợp đau lòng của nam sinh Y.R.N. (13 tuổi, trú tại xã Ea Khăl). Em đột ngột qua đời sau nhiều lần bị chó cắn.
Trước khi phát bệnh, N. từng bị chó cắn vào vùng gáy từ 2 năm trước. Con chó sau đó được đem đi giết thịt, bệnh nhi cũng không tiêm phòng dại.
Cách ngày nhập viện 2 tháng, N. bị chó nhà cào vào cổ tay phải, tiếp tục không đi tiêm phòng. Hiện, con chó vẫn còn sống.
Ngoài ra, hàng xóm N. cũng cho biết thêm, cách ngày nhập viện khoảng 10 ngày, em tiếp tục bị chó cắn nhưng không rõ con chó nào và không nhớ vị trí bị cắn. Bệnh nhi cũng không nói cho người nhà và không đi tiêm vaccine phòng dại.
Hiện tại, CDC Đắk Lắk ghi nhận cách nhà N. khoảng 50m có một con chó chết khoảng 1 tuần, không rõ nguyên nhân.

Một số người bị chó cắn nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới phát bệnh (Ảnh: Shutterstock).
Theo ông Hoàng Hải Phúc, CDC Đắk Lắk luôn khuyến cáo người dân bị chó, mèo cắn cần đến cơ sở y tế ngay, nhưng nhiều người vẫn chủ quan vì nghĩ vật nuôi trong nhà vô hại.
Hiện các trạm y tế thiếu vaccine phòng dại, buộc người dân phải tiêm tại cơ sở dịch vụ với chi phí cao, gây khó khăn cho người nghèo và vùng sâu, vùng xa. Hàng năm, CDC Đắk Lắk đề xuất Sở Y tế cấp kinh phí mua 1.000 liều vaccine dại miễn phí cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng nhấn mạnh, để phòng dại hiệu quả, điều quan trọng là cần bao phủ vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo.
Tại Đồng Nai, ngành y tế cũng ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại tính đến tháng 5 năm nay, bằng tổng số trường hợp tử vong được ghi nhận tại địa phương này trong năm 2024. Các trường hợp tử vong hầu như đều không đi tiêm phòng ngay sau khi bị cắn.
Đáng kể trong số đó là bà N.T.N. (49 tuổi, ngụ xã Phước Thái, tỉnh Đồng Nai) tử vong nghi do bệnh dại sau 9 tháng bị chó nhà cắn.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, tháng 4/2024, gia đình bà N. mua 3 con chó chưa được tiêm phòng dại về nhốt chuồng, chỉ mình bà chăm sóc.
Một tháng sau, người phụ nữ bị một con chó cắn vào ngón tay trái, vết thương nông, không chảy máu. Bà tự rửa vết thương bằng nước và sát trùng Povidine, nhưng do chủ quan chó nhà nên không tiêm vaccine hay huyết thanh kháng dại.
Con chó sau đó trở nên hung dữ, cắn lung tung, bị gia đình đánh chết. Hai con còn lại không có biểu hiện bất thường được thả rông vào rừng cao su.
Phải đến 9 tháng sau khi bị cắn, bà N. mới có triệu chứng sợ nước, nấc, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, sợ gió, kích động, nhập viện chẩn đoán nghi bệnh dại. Bà tử vong chỉ sau 1 ngày nhập viện.

Động vật nuôi nhốt trong nhà cũng có thể phát bệnh dại nếu không được tiêm phòng (Ảnh: QN).
Căn bệnh nguy hiểm có thời gian ủ bệnh dài, tỷ lệ tử vong lên tới 100%
Dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, thường ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, bệnh dại gần như gây tử vong 100%.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, thế giới có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine, với khoảng 60.000-70.000 người chết do bệnh này.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Mọi người thường bị nhiễm bệnh sau vết cắn sâu hoặc vết xước từ động vật mắc bệnh.
Ngoài ra, virus cũng có thể lây lan từ nước bọt của động vật nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (mắt hoặc miệng) hoặc vết thương ngoài da mới.
Theo báo cáo từ Viện Pasteur TPHCM, trong năm 2024, cả nước ghi nhận 89 trường hợp không qua khỏi do bệnh dại tại 34/63 tỉnh thành cũ. Trong đó, nhóm tuổi mắc bệnh cao nhất là 25-49, chiếm 36%, tiếp theo là nhóm tuổi dưới 15, với tỷ lệ mắc bệnh là 32%.
Thông thường, thời gian ủ bệnh dại ở người là 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương càng nặng, càng gần hệ thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Y văn đã ghi nhận những trường hợp ủ bệnh dại đến 19 năm, sau đó mới phát bệnh và gây tử vong. Đây cũng là lý do nhiều người bệnh tử vong chỉ sau vài ngày bị chó mèo cắn, nhưng cũng có người vài năm sau mới phát bệnh.
Khi phát bệnh, bệnh nhân thường có biểu hiện sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.

Vết thương bị chó cắn (Ảnh: Lokmat Times).
Theo bác sĩ Hồ Thị Hồng, CDC Đồng Nai, dù đã có vaccine, bệnh dại vẫn gây tử vong ở người với tỷ lệ cao do 3 nguyên nhân chính sau.
Đầu tiên, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng dại trên đàn chó mèo thấp (chỉ khoảng 50% tổng đàn chó, mèo). Chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm vẫn còn phổ biến.
Thứ hai, người dân vẫn chủ quan, lơ là khi bị động vật nghi dại cào, cắn. Nhiều người không xử trí vết thương đúng cách, không tiêm vaccine hay huyết thanh kháng dại. Một số người tiêm muộn, không đủ liều, không đúng chỉ định.
Đặc biệt, một số người sau khi bị động vật nghi dại cào, cắn tự điều trị bằng biện pháp dân gian như hút nọc, đắp lá, uống thuốc nam. Bác sĩ Hồng nhấn mạnh, hiện nay chưa có biện pháp dân gian nào có thể phòng và điều trị bệnh này.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
- Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Sau đó, rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn iod, không băng kín vết thương. Đưa người bị cắn đến ngay cơ sở y tế.
- Không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị bệnh dại.
- Hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh và thông báo người thân sau khi bị chó, mèo cắn.