
Trong khuôn khổ cuộc đàm phán Mỹ - Việt Nam ngày 19/5, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Tập đoàn Westinghouse – một trong những Tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ điện hạt nhân.
Việt Nam hợp tác với tập đoàn Mỹ để phát triển điện hạt nhân

Ảnh: Đại diện Westinghouse trao đổi về hợp tác phát triển dự án điện hạt nhân, ngày 19/5/2025.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất chia sẻ thông tin, tiến tới ký MOU giữa Westinghouse và Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trong lĩnh vực phát triển điện hạt nhân.
Trong đó, Westinghouse chuyên phát triển dự án điện hạt nhân quy mô lớn và quy mô nhỏ (SMR).
Hiện nay, Westinghouse đang có các hoạt động chính là cung cấp lò phản ứng hạt nhân lớn AP1000 và nhỏ AP300 , lưu trữ năng lượng, lò phản ứng siêu nhỏ, và nguyên liệu hạt nhân.
Tháng 5/2023, Westinghouse giới thiệu mẫu l ò phản ứng hạt nhân nhỏ AP300 , dự kiến có thể thay đổi ngành SMR. Lò phản ứng này tích hợp công nghệ của lò AP1000 nhưng được hiệu chỉnh cho quy mô nhỏ 300 MW. Westinghouse đặt mục tiêu sẽ được nhận giấy chứng nhận thiết kế cho AP300 vào năm 2027 và bắt đầu xây dựng lò AP300 đầu tiên vào năm 2030.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), các lợi thế của SMR là quy mô nhỏ có thể lắp đặt dễ hơn, phù hợp với các địa điểm không thể xây nhà máy điện hạt nhân lớn. Đặc biệt, việc lắp đặt theo từng module có thể giúp giảm thời gian xây dựng đáng kể.
Trên website, Westinghouse cho biết 60% các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ sử dụng công nghệ của mình.
Loạt “ông lớn” từ Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… muốn làm điện hạt nhân tại Việt Nam
Trước đó, Việt Nam cũng đã và đang nhận được sự quan tâm hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân từ nhiều quốc gia.
Vào tháng 12/2024, đại sứ Nga tại Việt Nam là Gennady Stepanovich Bezdetko khẳng định Nga sẵn sàng mở rộng hợp tác thiết thực với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có điện hạt nhân.
Hiện, Nga đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Công nghệ Hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu công suất 10MW.
Vào ngày 10/5/2025, Tập đoàn nhà nước về năng lượng hạt nhân Rosatom (Nga) cho biết muốn cung cấp lò phản ứng hạt nhân VVER-1200 với công suất 1.200 MW cho Việt Nam.
Rosatom cho biết việc cung cấp này nằm trong việc Việt Nam và Nga hợp tác để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, với sự tham gia của lò phản ứng VVER-1200, cũng là lò phản ứng hạt nhân bán chạy nhất của Rosatom .
Theo Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Evgenievich Likhachiov, việc hợp tác này mới ở bước đầu và sẽ cần có thêm các đàm phán về kỹ thuật và tài chính.

Ảnh: Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt.
Hay Hàn Quốc, trong cuộc gặp gỡ hồi tháng 2/2025, quốc gia này cũng đã tham gia đàm phán với Việt Nam về các dự án điện hạt nhân.
Cụ thể, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp ông Lee Kye-In, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty POSCO International. POSCO đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư luỹ kế hiện lên đến 1,2 tỷ USD.
POSCO đã bày tỏ mong muốn hợp tác, đặc biệt trong việc chuyển giao công nghệ lò phản ứng module nhỏ (SMR). Hàn Quốc sở hữu công nghệ APR-1400 tiên tiến , đã được áp dụng thành công ở một số quốc gia.

Ảnh: Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với POSCO International, chiều 24/2/2025.
Ngoài ra, nhiều “ông lớn” trên thế giới khác như Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cũng đã thể hiện mong muốn tham gia các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam. Trong đó, EDF cho biết tập trung vào đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân dân sự, hiện Tập đoàn này đang sở hữu công nghệ lò EPR-1750 .
Trung Quốc - thông qua Tập đoàn Tư vấn Công trình Điện lực Trung Quốc (CPECC), đã bày tỏ mong muốn hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân với Việt Nam vào tháng 3/2025.
Trong quá khứ vào năm 2010-2011, Nhật Bản từng được chọn làm đối tác cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 với công nghệ lò phản ứng tiên tiến chống động đất và sóng thần. Tuy nhiên, sau sự cố Fukushima năm 2011, hợp tác này bị đình trệ. Gần đây, Nhật Bản tiếp tục được đề cập như một đối tác tiềm năng, với đề xuất hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính.
Canada cũng nằm trong danh sách các quốc gia đã đàm phán với Việt Nam về các dự án điện hạt nhân....
1 NM điện hạt nhân hiệu quả tương đương 2 NM điện khí hoặc 3 NM điện gió, hoặc bằng 4 NM điện mặt trời

Ảnh: Vị trí sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân theo các chuyên gia sẽ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn. Chưa kể, trong bối cảnh không còn các nguồn thủy điện lớn để phát triển, việc nhập khẩu than, khí chịu tác động của biến động thế giới, Việt Nam đang rất cần nguồn điện ổn định để chạy nền, đồng thời đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi và cam kết Net Zero vào năm 2050.
Nếu so với các nguồn năng lượng như điện than, ngoài việc lo ngại tâm lý về vấn đề an toàn, điện hạt nhân có những lợi thế ưu việt hơn.
Về tính hiệu quả, các nghiên cứu thực tế cho thấy, điện hạt nhân có công suất khả dụng cao nhất trong các nguồn điện. Cụ thể, với một nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW, sẽ phát điện tới 92% công suất thiết kế trong khi một nhà máy điện khí tương đồng về công suất chỉ có thể phát được 56% công suất thiết kế.
Còn với nhà máy điện gió và mặt trời sẽ thấp hơn nhiều, chỉ lần lượt đạt 35,4% và 24,9%. Điều này cho thấy, cùng với một công suất lắp đặt, một nhà máy điện hạt nhân hiệu quả tương đương 2 nhà máy điện khí hoặc 3 nhà máy điện gió, hoặc bằng 4 nhà máy điện mặt trời.
Với công suất khả dụng cao như vậy và hoạt động ổn định, không phụ thuộc thời tiết như các loại hình thủy điện, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam nếu xét ở vai trò điện chạy nền ổn định để phát triển năng lượng tái tạo.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642 ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan.
Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hoá chủ trương này.
Cuối năm 2024, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân được yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện.