Luật sư hướng dẫn giáo viên cách đăng ký kinh doanh khi dạy thêm từ 14/2/2025

Theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 do Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Thông tư của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lí an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.

Ngoài ra, Thông tư quy định: "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm”.

Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết: "Một số giáo viên băn khoăn trường hợp tổ chức dạy thêm 5-7 em ở nhà có đăng ký kinh doanh hay không? Thông tư đã quy định cụ thể, tổ chức, cá nhân dạy thêm có thu tiền phải đăng ký kinh doanh.

Luật sư hướng dẫn giáo viên cách đăng ký kinh doanh khi dạy thêm từ 14/2/2025- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, tổ chức, cá nhân dạy thêm có thu tiền đều phải đăng ký kinh doanh

Quy định là như vậy nhưng để hiệu quả cần phải có cơ chế giám sát và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Thông tư đã quy định kỹ trách nhiệm của từng đơn vị từ UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát".

Cũng theo ông Thành, có những ý kiến lo ngại Thông tư sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của giáo viên, tuy nhiên cần hiểu rằng Thông tư không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu nhà giáo nỗ lực, là giáo viên giỏi, thật sự tâm huyết, đem lại giá trị cho học sinh chắc chắn sẽ không thiếu học sinh tìm đến học. Chỉ có trường hợp, giáo viên được trường phân công dạy học sinh trong trường thì không được dạy thêm có thu tiền với các em đó ở bên ngoài nhằm hạn chế được tình trạng giáo viên kéo học sinh ra ngoài học thêm, cắt giảm kiến thức trên lớp để dạy thêm.

Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được xây dựng lần này với mục đích cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông mới và các quy định của pháp luật có liên quan.

Thủ tục đăng ký kinh doanh với giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường thế nào?

Trao đổi về nội dung này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối cho biết, căn cứ Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDDT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2025, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm còn phải thực hiện các yêu cầu khác theo quy định tại Thông tư mới này.

Luật sư hướng dẫn giáo viên cách đăng ký kinh doanh khi dạy thêm từ 14/2/2025- Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối

Về việc đăng kí kinh doanh trong trường hợp này, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thể đăng ký kinh doanh dạy thêm tại các cơ quan theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp, Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với trường hợp thành lập hộ kinh doanh.

Trình tự, thủ tục chi tiết đăng ký kinh doanh dạy thêm được thực hiện theo các thủ tục đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề khác theo quy định pháp luật hiện hành. Theo các Điều 19, 20, 21, 22 của Luật Doanh nghiệp 2020, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần lưu ý, theo Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDDT các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, bao gồm: "Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống; Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường".

Sau khi đăng ký kinh doanh, các cá nhân, tổ chức dạy thêm sẽ cần phải thực hiện, tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật liên quan, ngoài ra kê khai và nộp thuế, lệ phí, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật.

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định hồ sơ đăng ký kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp như sau:

Điều 19. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

Điều 20. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều 21. Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều 22. Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.