Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Trong đó, có ban hành kèm phụ lục 1 là danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu (trước đây gọi là tuyến trung ương), không cần giấy chuyển tuyến. Trong đó, nhiều bệnh ung thư phổ biến không nằm trong danh mục này.
Lý giải về danh mục này, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, ban soạn thảo tập trung vào một số bệnh, nhóm bệnh qua rà soát cho thấy chỉ có cơ sở y tế chuyên sâu mới có đủ năng lực chẩn đoán, điều trị, đặc biệt phát hiện ngay từ giai đoạn sớm để có thể tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Người bệnh không phải đi qua rất nhiều cơ sở y tế, đến khi tiếp cận được có thể đã ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị suy giảm.
"Trong đó, chúng tôi rà soát một số mã bệnh như lao, phổi, ung thư, bệnh lý tuần hoàn và một số bệnh ngoại khoa cần chẩn đoán điều trị chuyên sâu, các phác đồ điều trị cần thuốc hiếm, kỹ thuật cao, đặc biệt một số bệnh lý cần phẫu thuật, thủ thuật đặc biệt, các tình trạng bệnh đã tiến triển nặng ở giai đoạn 2, 3.
Khi đó, người bệnh được lên thẳng tuyến chuyên sâu để chẩn đoán, điều trị, tiếp cận sớm, tăng thời gian sống còn của người bệnh cũng như cải cách thủ tục hành chính", bà Trang nói.
Theo bà, nếu toàn bộ danh mục bệnh ung thư, bệnh tuần hoàn… cho thông tuyến lên cấp chuyên sâu thì sẽ dẫn đến quá tải ở tuyến trên vì chỉ có 1-2 bệnh viện chuyên sâu, trong khi mặt bệnh có thể có hàng ngàn mã bệnh. Như thế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh nặng khác, người bệnh cấp cứu.
"Chúng tôi tiến hành rà soát toàn bộ các mã bệnh, chi phí như thế nào. Nếu một mã bệnh A ở cấp ban đầu, cơ bản tỷ trọng chi của khám rất thấp, hầu hết chỉ khám, đánh giá tình trạng để chuyển đi thì người bệnh có thể lên ngay cấp cơ bản, chuyên sâu.
Ngược lại, nếu bệnh đó đã giải quyết được ở cấp ban đầu tỷ trọng cao, chẩn đoán ra viện là đỡ, khỏi, ổn định thì không cần phải chuyển lên cấp cao hơn", bà Trang nói.
Đồng thời, khi lựa chọn danh mục này cũng phải tính đến vấn đề cân đối quỹ BHYT.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định các nhóm bệnh được lên thẳng cấp cơ bản (không cần giấy chuyển tuyến), bệnh viện tỉnh trước đây và một số bệnh viện huyện được xếp vào cấp cơ bản. Danh mục này gồm 105 bệnh thuộc phụ lục 2, và cả 62 bệnh ở phụ lục 1 khi khám tại tỉnh. Tổng cộng 167 bệnh, nhóm bệnh, tình trạng được thông ở cấp cơ bản.
Bà Trang đánh giá với danh mục bệnh được thông tuyến, người bệnh không phải thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là quy định chưa có tiền lệ. Đây là lần đầu Bộ xây dựng danh mục bệnh trong hàng ngàn mã bệnh theo danh mục Bộ Y tế đã ban hành.
Hiện nay, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm:
- Cấp ban đầu (trạm y tế, phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực…).
- Cấp cơ bản (các bệnh viện tỉnh trước đây và một số bệnh viện huyện hiện nay được xếp cấp cơ bản có số điểm dưới 70).
- Cấp chuyên sâu (cấp cao nhất, như bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện hạng đặc biệt…).