Ngày 7/5/2022, MU bị Brighton vùi dập với tỷ số 4-0 ở vòng 36 Premier League. Bình luận trên talkSPORT, cựu cựu trợ lý HLV Rene Meulensteen của MU thốt lên: "Khi xem họ thi đấu, tôi thấy một đội bóng đang lạc lối. Không có sự gắn kết, tổ chức, cấu trúc đội hình. Không có bất kỳ điều cơ bản nào cần trong màn trình diễn để dẫn đến thành công".
Một tháng sau, danh thủ Rio Ferdinand tiếp tục nhắc đến cụm từ "không có cấu trúc đội hình" khi nhận xét màn trình diễn của Raphael Varane. Ở đây, cựu trung vệ MU cho rằng Varane chuyển từ "một đội bóng đang chơi thứ bóng đá đẳng cấp" tới "CLB thiếu đi sự tự tin, đường lối", dẫn đến việc chưa đáp ứng được sự kỳ vọng.
Thứ bóng đá ngẫu hứng của "Quỷ đỏ"
Vậy "cấu trúc đội hình" là gì và vì sao Meulensteen và Ferdinand liên tục nhắc tới? Thực tế, vào tháng 9/2020, nhà báo Alex Keble của Goal nhắc tới vấn đề này qua bài viết dài với tiêu đề "Không cấu trúc đội hình, hy vọng vỡ tan: Vì sao MU không có cửa vô địch Premier League dưới thời Solskjaer".
"Cấu trúc đội hình" được tạm hiểu là cách tổ chức của một đội khi thi đấu. Ở đó, từng vị trí sẽ di chuyển nhịp nhàng thế nào để mọi thứ ăn khớp với nhau từ khâu tấn công đến phòng ngự. HLV sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra "cấu trúc đội hình".
Man City được xem là đội bóng có cấu trúc đội hình vững chắc. Ảnh: Reuters. |
Tại Anh, Liverpool của Jurgen Klopp và Man City dưới thời Pep Guardiola được xem là hình mẫu tiêu chuẩn về "cấu trúc đội hình". Ví dụ, với Liverpool, Klopp thiết lập sẵn lối chơi, biến mọi thứ thành ra như được lập trình sẵn. Mà như vậy, dù có những bản hợp đồng mới cập bến, điều đó vẫn không phá vỡ được "cấu trúc đội hình". Bởi lẽ, trong các buổi tập thì Klopp hướng dẫn cụ thể cho học trò, để họ "thuộc lòng" cách di chuyển, tương tác với những vệ tinh xung quanh ra sao. Lúc này, đặt trường hợp một tiền vệ trung tâm có bóng, hậu vệ cánh/tiền đạo sẽ tự động biết cách di chuyển vào khoảng không gian phù hợp.
Những mùa gần đây, Man City được giới chuyên môn ca ngợi rất nhiều. Thậm chí, họ được tán dương "trình diễn thứ bóng đá đến từ hành tinh khác". Nhưng thực chất, Pep chỉ đơn giản tạo ra hệ thống hoàn hảo và lắp ghép những quân bài vào cỗ máy ấy. Ví dụ, lúc Rodri cầm bóng, Kevin de Bruyne/Ilkay Gundogan hiểu rằng họ sẽ phải nhô cao chơi như số 10. Ở hai cánh, Jack Grealish và Bernardo Silva cũng di chuyển vào khu vực "half-space" (khu vực nằm giữa khu trung tâm và cánh).
Những gì Klopp và Pep tạo ra cho Liverpool, Man City là điều MU còn thiếu tới trước khi Erik ten Hag tới. Dưới thời Ole Gunnar Solskjaer, chiến lược gia người Na Uy muốn các cầu thủ tự do sáng tạo, ứng biến với các đường chuyền. Đó là hình ảnh MU chơi thứ bóng đá tự phát, dựa nhiều vào màn trình diễn cá nhân.
Đôi lúc, điều này phát huy hiệu quả. Song, khi chạm trán những tên tuổi lớn, họ lại thất bại vì chỉ biết "đá một bài". Trong những tình huống tổ chức tấn công, cầu thủ MU không biết di chuyển để tạo khoảng trống hoặc hợp thành những tam giác để luân chuyển trái bóng.
Trong "cấu trúc đội hình", việc một cầu thủ đứng ở đâu, di chuyển ra sao rất quan trọng. Điều này quyết định sự thành bại, dẫn đến việc mở ra những cơ hội ghi bàn hoặc ngăn chặn bàn thua. Cũng chính vì thiếu điều này, MU liên tục bị Meulensteen và Ferdinand chỉ trích.
Nhìn lại những nhà vô địch Premier League gần đây, từ Chelsea, Man City tới Liverpool, tất cả đều chú trọng khả năng kiểm soát bóng chặt chẽ. Họ cũng đều giành được 90 điểm trở lên. Lúc này, "cấu trúc đội hình" giữ vai trò rất quan trọng. Thiếu điều này dẫn đến sự loạn xạ vị trí trong đội hình. Lúc đó, hậu vệ cánh đứng ở khu vực dành cho tiền vệ, cầu thủ chạy cánh lại di chuyển vào trung lộ...
Erik ten Hag đang từng bước xây dựng lại MU. Ảnh: Reuters. |
Trong trận MU thua Crystal Palace 1-3 ở vòng 2 Premier League mùa 2020/21, hai hậu vệ cánh "Quỷ đỏ" dâng lên quá cao, để Harry Maguire và Victor Lindelof - cặp trung vệ của "Quỷ đỏ" - thường xuyên đối đầu với Wilfried Zaha, Jeffrey Schlupp hoặc Jordan Ayew. Bộ ba của Crystal Palace liên tục cô lập hàng thủ chậm chạp của MU, kéo giãn cũng như dễ dàng đánh bại đối thủ trong các tình huống 1vs1. Điều này sẽ không xảy ra nếu Solskjaer kéo hậu vệ cánh lùi sâu hơn.
Nhà báo Alex Keble cũng cho rằng "triết lý kiểm soát bóng ngẫu hứng" của Solskjaer trở nên quá lạc hậu. Cảnh báo ấy trở thành hiện thực. MU trải qua mùa 2020/21 trắng tay. Tháng 11/2021, Solskjaer mất việc ở đội chủ sân Old Trafford sau thất bại 1-4 của MU trước Watford. Thời điểm này, đội hình "Quỷ đỏ" có sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo.
Ten Hag cải thiện lỗ hổng của MU
"Tôi không phải là Harry Potter", Erik ten Hag nói. Thật vậy, chiến lược gia người Hà Lan phải hướng dẫn rất nhiều cho các cầu thủ, dạy họ cách di chuyển, chọn vị trí sao phù hợp ở tấn công lẫn phòng ngự vào những ngày đầu mới dẫn dắt MU.
Theo The Athletic, Ten Hag áp dụng mô hình đã huấn luyện tại Ajax vào MU. Theo đó, ông chú trọng việc xây dựng lối chơi ổn định và kiểm soát bóng đa dạng. Quan trọng hơn, từng cầu thủ đều phải nhận thức được thời điểm di chuyển hoặc chọn vị trí phù hợp.
Ví dụ, hậu vệ cánh Daley Blind hoặc tiền vệ trung tâm như Frenkie de Jong sẽ lùi sâu để hỗ trợ các trung vệ khi Ajax kiểm soát bóng với sơ đồ 3-1-6. Lúc này, hậu vệ phải Noussair Mazraoui sẽ dâng cao. Bằng cách này, đại diện Hà Lan tìm được sự cân bằng giữa các tuyến.
"Chậm - chậm - nhanh" được xem là nhịp độ cốt lõi trong cách Ajax triển khai bóng từ sân nhà. Như vậy, họ có thể ru ngủ đối phương, nhưng bất thình lình chỉ với pha chuyển trạng thái nhanh có thể áp sát khung thành.
Ajax của Ten Hag cũng phòng ngự như một tập thể. Đôi lúc, họ bắt chước lối chơi gegenpressing kiểu "heavy mental" của Liverpool dưới thời Jurgen Klopp. Trong những trường hợp khác, họ đá như Barca của Pep Guardiola, theo đó cố gắng giành lại bóng trong vòng 5 giây trước khi rút về, tổ chức lại cấu trúc đội hình nếu thất bại.
Sự mạch lạc dần được tìm thấy trong lối chơi MU. Ảnh: Reuters. |
MU hiện tại chưa thể đá giống 100% những gì Ajax thể hiện. Thế nhưng, đội bóng Anh từng bước thay đổi. Vào lúc này, họ cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi kiểm soát bóng.
Trước khi Ten Hag tới, "Quỷ đỏ" luôn gặp vấn đề ở khâu tịnh tiến bóng từ sân nhà vì Maguire, Lindelof không phải mẫu cầu thủ "Ball-Playing Defender" (tạm dịch: trung vệ phát triển lối chơi). Ở đây, nhiệm vụ của "Ball-Playing Defender" ngoài việc ngăn cản cầu thủ tấn công của đối phương còn phải tham gia vào việc tổ chức lối chơi từ sân nhà. Để khắc phục vấn đề, Ten Hag chiêu mộ trung vệ Lisandro Martinez.
Ở hàng tiền vệ, Casemiro và Christian Eriksen xây chắc cho kế hoạch kiểm soát bóng của MU. Đây là những cầu thủ có khả năng chuyền chính xác vào 1/3 cuối sân. Họ cũng hiểu giá trị của việc chuyền ngang, điều tiết nhịp độ trận đấu nhanh/chậm tùy ý.
Theo SofaScore, tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình của MU mùa này là 53,8%, thống kê không chênh lệch quá nhiều so với những mùa trước. Dù vậy, điều người hâm mộ cảm nhận rõ rệt nhất ở đội bóng con cưng là họ bắt đầu định hình được lối chơi.
Quan trọng hơn, sự mạch lạc cũng được tìm thấy khi đội chủ sân Old Trafford triển khai bóng. Đó là nhờ từng vị trí di chuyển nhịp nhàng, không còn chạy loạn xạ. Cách MU thực hiện pressing cũng từng là lỗ hổng vì thiếu đồng đều ở các tuyến. Dưới thời Ten Hag, điều này được cải thiện.
Gần đây, Erik ten Hag có nói "đội nhà đang đi đúng hướng". Chưa biết bao giờ "Quỷ đỏ" mới bắt kịp Man City, nhưng từng tiến bộ nhỏ chiến lược gia người Hà Lan tạo ra cho CLB thật sự rất đáng ghi nhận. MU giờ không còn lạc lối. Đó sẽ là viên gạch đầu tiên, nền móng để khôi phục hào quang rực rỡ.
Cuốn sách “Leading: Learning from Life and My Years at Manchester United” được Sir Alex Ferguson viết chung với Michael Moritz xuất bản năm 2015 đem tới kinh nghiệm sống quý báu cho bất kỳ ai.