Miệt Thứ có còn xa lắc xa lơ - Kỳ 2: Xứ gì 'dưới sông cá lội, trên bờ cọp tha'

"Thỉnh thoảng dân bắt rắn, bắt lươn dùng chĩa mà xom, phát hiện vài lỗ trống, bên dưới đầy lươn và xương người nát bấy, nhưng tóc còn nguyên vẹn. Mộ của người đến U Minh, sống nghèo túng rồi mất từ xa xưa".

Miệt Thứ - Ảnh 1.

Chợ Thứ Bảy, quê hương nhà văn Sơn Nam, giờ đã có nhiều tiệm vàng - Ảnh: QUỐC VIỆT

Liệu Sơn Nam có quá lời trong hồi ký viết về quê hương chôn nhau cắt rốn của mình, rẻo đất thấp cuối nước Miệt Thứ có còn xa lắc xa lơ - Kỳ 1: Tìm quê Sơn Nam bận quần đùi, đá cá lia thiaDân miệt thứ trồng keo lai, chủ rừng có tiền tỉ như chơiDân miệt thứ ngóng trông cầu vượt biển ngàn tỉ, đi Rạch Giá chỉ 15 phút

Lần tôi về Miệt Thứ gần đây nhứt là hồi mùa mưa năm 2024. Buổi sáng phê pháo với dân địa phương ở chợ Thứ Ba bên kinh Xẻo Rô, ông già Thà Văn Thắt (73 tuổi) nghe tôi kể lời Sơn Nam, liền trả lời "ổng biên hơi dăn dẻ nhưng hổng hề trật lất đâu".

Ý ông già Miệt Thứ nói Sơn Nam văn vẻ nhưng viết đúng. Quê tía má ông Tám Thắt miệt núi Sập, An Giang nhưng đã lên xuồng xuôi kinh Vĩnh Tế về Hà Tiên, rồi quành sang Miệt Thứ ở An Biên ngụ cư trải mấy đời.

Chuyện xứ này thời Pháp, ông nghe tía má kể lại. Còn đời ông cũng nếm trải đủ chiến tranh, loạn ly, đói kém rồi lần hồi đổi thay, phát triển như nay.

"Tui dân trôi sông lạc chợ, nứt mắt trong chiến tranh, chỉ học lụp bụp mấy con chữ hiếm hoi như hột cơm nguội sót đít nồi thời đói rã họng, làm gì được đọc sách ông Sơn Nam. Nhưng chuyện ông già xưa kể mà cậu nhắc đều trúng hết đó" - ông Tám Thắt kể Miệt Thứ này hồi xưa ngộ lắm, nói "đói thấy bà cố" luôn cũng đúng, mà nói sướng cũng hổng trật chìa đi đâu.

Lý do đầu tiên, phần đa người xứ này là dân nghèo trôi dạt về. Người bồng bế con cái xuôi dòng Cái Lớn, vô Xẻo Rô tìm đất hứa, người chạy giặc, kẻ trốn nợ, muốn tìm đời tự do chỗ đất rộng người thưa như tía má ông nên hầu hết gốc gác đều nghèo rớt.

Thêm nữa, mới tầm vài chục năm trước đất và con nước phèn lợ xứ này vẫn hổng thuận cho mần ruộng. Ai hồi đó cày công đất cấy lúa được 10-20 giạ đã là trúng, còn thất bát xác xơ 5-7 giạ hổng hiếm.

"Vậy đó nên đời tụi tui hồi xửa xưa được mùa thì bưng chén cơm đầy, thất vụ thì lót bụng chén cơm hụt, thậm chí nhiều bữa má phải cắp rá đi mượn gạo hàng xóm cũng có gì lạ đâu" - ông Nguyễn Văn Năm (74 tuổi), biệt danh Năm Lửa, ngồi bên góp chuyện ngày tháng cũ.

Trong cảnh đó, dân nghèo kẻ đến, người đi khỏi xứ này là thường tình. Những nấm mả đất thiếu người coi sóc để lâu thành mả lạng (sạt mất nấm đất bên trên) khiến người sau cầm chĩa đi xom con lươn, con lịch, mò hang bắt con cá trê, con rắn, vô tình gặp xương cốt như ông Sơn Nam kể là có thực.

Nhưng chuyện hơi kỳ dị này cũng rất hiếm hoi, đâu phải dễ đụng ở miệt một thời như hoang địa, dân lưa thưa lớt thớt, mồ mả đâu ra mà đầy để dễ mò cá lại trúng xương người.

"Ông già Nam Bộ" Sơn Nam đã "dăn dẻ" phóng thêm chuyện có thực, như tía má ngày xưa kể chuyện ma bên ngọn đèn mù u leo lét để sắp nhỏ sợ mà bớt lêu lổng.

Tuy nhiên, các ông già Tám Thắt, Năm Lửa mấy đời lội sình Miệt Thứ này cũng không quên thêm lời rằng nhà văn Sơn Nam đã viết chính xác sản vật quê hương.

"Xứ này hồi xưa bữa đầy bữa hụt hột cơm, chứ thừa mứa miếng ăn từ chim trời cá nước, rắn rùa luẩn quẩn bu kín gốc cây.

Thủa nhỏ tụi tui thèm thịt heo mà phát ngán miếng ngon nhứt là phần má, phần ruột cá lóc, còn thịt rắn, thịt chim ăn không kịp phải dằm muối xả phơi khô, còn con rùa nhỏ nhứt cũng phải bự hai gang tay mới thèm chụm lửa làm món..." - ông Năm Lửa góp chuyện đến con chó con mèo Miệt Thứ ngày xưa cũng ngán cá mú ê hề chứ nói chi người ta.

Miệt Thứ - Ảnh 2.

Kinh xáng Xẻo Rô xuôi dọc Miệt Thứ - Ảnh: QUỐC VIỆT

Sản vật trời cho và tánh người hào sảng

Thời nay nhắc câu "dưới sông cá lội, trên bờ cọp tha" ở dải đất cuối nước U Minh - Miệt Thứ, người trẻ tròn xoe mắt cự "mấy cha ỷ lớn nói dóc như bác Ba Phi".

Nhưng cỡ tuổi ngoài 70 người ông Tám Thắt, Năm Lửa thì tin sái cổ chuyện này, dù đến đời họ cũng chỉ được nghe lời ông nội bà ngoại hay tía má truyền lại.

Ông Sơn Nam viết hồi ký kể hồi đó bên bờ sông Cái Lớn ở đoạn Tắc Cậu, cửa ngõ vào Miệt Thứ có miễu thờ Cậu (con bà Chúa Xứ). "Phía sau miếu mấy năm trước dân làm rẫy đã săn được con cọp.

Dân cất nhà xúm xít, hàng cây bần cổ thụ gốc to, nghiêng ngửa trên đất bồi, bầy khỉ rừng quy tụ, miệng la chót chét, hái trái bần còn xanh ném xuống mấy chiếc ghe đang đậu lại nấu cơm...".

Thêm lời Sơn Nam, các ông già Miệt Thứ thì kể tía má hay lấy cọp beo, rắn rết ra làm chuyện bên bàn trà, cuộc rượu. Tầm đầu thế kỷ 20, tàu máy người Pháp đã chạy động sông Cái Lớn nhưng đêm đêm cọp rừng vẫn về xóm vồ heo, tha nghé.

Người Cao Miên (Campuchia) về miệt này lập xóm, làm thuốc bí truyền xua cọp nhưng không ăn thua, phải đợi đến khi trai tráng đặt hầm bẫy mới vắng dần bóng ông ba mươi.

Khoảng đến những năm 1940, chuyện "trên bờ cọp tha" ở U Minh - Miệt Thứ chỉ còn trong lời kể nhưng cảnh "dưới sông cá lội" thì vẫn lềnh khênh như dân địa phương hay nói "gì chứ cá mú xứ tui nhiều binh thiên".

Hồi ký Sơn Nam dành nhiều đoạn kể về con cá xứ này như tía má ông từng lo thằng con không đặng đường ăn học thì chỉ ở rừng tràm lặn ngụp bắt con cá lóc mà kiếm sống, đầu óc luẩn quẩn vượt đâu khỏi kinh rạch...

Đến đoạn gặt lúa ở quê mình, "ông già Nam Bộ" còn tả cảnh chim trời cá nước ê hề. "Chim trời bay lượn đủ loại vì gần biển, dưới chân người gặt thỉnh thoảng gặp rùa, rắn, lươn đang cựa quậy".

Trong khi Sơn Nam kể cá nhiều chết rục xương dưới gốc cây thì những người già như ông Tám Thắt, Năm Lửa vẫn nhớ sau năm 1975 có chuyện du kích vác súng đi bắn cá dưới kinh.

Ban đêm họ đội đèn bình ắc quy trên đầu, đi soi gặp cá lóc cỡ một, hai ký vẫn không thèm ngó, phải thấy con cỡ năm, bảy ký bự bằng bắp đùi người lớn mới nã một phát đạn chính xác vào đầu. Vậy mà dân nhậu chỉ ăn mỗi bộ lòng, cả con cá bự chà bá thẩy cho vì quá ngán.

Mà kể đâu xa, đầu những năm 1990 Miệt Thứ vẫn lềnh cá. Sáng sáng các chợ Thứ Ba, Thứ Bảy, Thứ Chín Rưỡi, Thứ Mười Một chỉ toàn mùi cá là cá.

Các loại cá đen thì cá lóc, cá trê, cá rô và lươn, rắn dưới kinh rạch, rừng tràm bắt lên, cá biển cũng gần sát đó được ngư dân chở vô. Giá rẻ như cho, người ta không chỉ bán ký mà còn bán mớ, bán thau, gặp ai mặt ưng ưng thì liệng tặng thêm vài con đặng "ăn cho vui".

Dân Miệt Thứ - U Minh bao đời nghèo nhưng tính cách hào sảng một phần cũng từ đời sống chim trời cá nước lềnh khênh này...

Kể chuyện sản vật trời cho ở Miệt Thứ, anh Trang Minh Tú - nguyên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên cũ - tâm sự đời mình sinh sau năm 1975 vẫn trải nghiệm cảnh dân nghèo nhưng không thắt ngặt miếng ăn.

"Hồi tui đi học chỉ cần thả đại vài tay lưới bén xuống con kinh trước nhà cũng dư cá ăn. Mùa nắng cá rút xuống ao, xuống đìa đầy nhóc, chỉ có lấy thau mà xúc cho đỡ mệt.

Mấy cái hố bom chiến tranh còn sót lại qua tầm sau Tết là niềm vui cho đám học trò hè nhau đi tát để bắt cá. Dân ăn ngán miệng, đem cá phơi khô, làm mắm rồi cho heo ăn...".

*****************

Từ những năm 2000, Miệt Thứ dần đổi thay với vuông tôm, ruộng lúa và các con lộ ngày càng mở rộng. Ai đó hát câu "bông bần rụng trắng bờ sông, lấy chồng xa xứ khó mong ngày về" là chuyện xửa xưa rồi...

>> Kỳ tới: Con tôm đổi đời quê hương Sơn Nam

Miệt Thứ có còn xa lắc xa lơ - Kỳ 2: Xứ gì 'dưới sông cá lội, trên bờ cọp tha' - Ảnh 3.Miệt Thứ có còn xa lắc xa lơ - Kỳ 1: Tìm quê Sơn Nam bận quần đùi, đá cá lia thia

Trên nẻo đường nghề nghiệp, tôi được đâu hơn mươi lần xuôi về Miệt Thứ, tỉnh Kiên Giang cũ. Chuyến thì tôi dừng chân lâu để trải cùng cuộc sống dân nghèo hào sảng, chuyến chỉ làm khách trọ nán chơi vài hôm rồi qua miệt U Minh Hạ, Cà Mau.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề