Ngày 23/10, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, mỗi năm, nơi này tiếp nhận đến hơn 52.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh vảy nến.
Căn bệnh không lây nhưng ảnh hưởng tâm lý nặng nề
Vảy nến là bệnh viêm da mạn tính. Dù không lây, nhưng nó làm ảnh hưởng trầm trọng hơn các bệnh lý mạn tính khác, bởi các tổn thương hiện hữu ngay ở ngoài da. Điều này gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề.
Cụ thể, người bị vảy nến không chỉ gặp tổn thương bởi tình trạng bệnh mà cả sự kỳ thị, thiếu hiểu biết của những người xung quanh. Họ dễ bị các vấn đề như cảm giác xấu hổ, thiếu tự tin, giảm lòng tự trọng, nghĩ giá trị bản thân thấp.
Đôi khi, bệnh nhân còn bị phân biệt đối xử, giảm cơ hội trong công việc, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày… Thậm chí, nhiều trường hợp nặng có thể gây ra các vấn đề trầm cảm, xuất hiện ý tưởng tự tử.
Hơn thế nữa, các vấn đề tâm lý cũng tác dụng ngược trở lại, làm nặng tình trạng bệnh vảy nến, từ đó tạo một "vòng xoắn" khiến người bệnh ngày càng suy sụp.
Theo bác sĩ Uyển Nhi, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến đến nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ nghiên cứu, khoa học đã khẳng định việc khởi phát bệnh vảy nến là sự tương tác giữa 3 yếu tố: môi trường - di truyền - miễn dịch.
Miễn dịch
Các tế bào T là một phần của hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể bằng cách ngăn ngừa những tác nhân có hại như vi khuẩn, virus. Trong bệnh vảy nến, do xảy ra tình trạng rối loạn hệ miễn dịch, những tế bào T này tấn công các tế bào sừng trong da người bệnh.
Điều này khiến tốc độ phát triển của tế bào da tăng nhanh một cách bất thường, chỉ mất 3-4 ngày đã trưởng thành và di chuyển lên bề mặt da (bình thường là 28-30 ngày). Thay vì rơi ra, chúng lại dính với nhau tạo thành thương tổn vảy nến.
Một khi hệ miễn dịch rối loạn, tế bào T tấn công da sẽ tạo ra vòng xoắn bệnh lý diễn tiến lâu dài. Đó là lý do tại sao bệnh vảy nến thường mạn tính và kéo dài suốt đời.
Di truyền
Yếu tố di truyền đóng góp 30% vào sinh bệnh học của vảy nến. Khoa học đã tìm ra một số gen nhạy cảm với bệnh. Nghĩa là những người có các gen nhạy cảm sẽ dễ mắc bệnh vảy nến hơn người khác.
Chính vì có tính chất di truyền, những người có cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh vảy nến thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Môi trường
Các yếu tố môi trường đóng vai trò khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng vảy nến của người bệnh, bao gồm stress, tổn thương da, nhiễm trùng, một số loại thuốc, hút thuốc lá, uống rượu bia...
Bác sĩ Uyển Nhi chia sẻ, mỗi năm cứ đến ngày 29/10, hàng chục triệu bệnh nhân vảy nến toàn cầu sẽ đồng loạt tổ chức các hoạt động kỷ niệm, để nhắc nhở với cộng đồng rằng đây là căn bệnh không lây, cũng như bệnh nhân vẫn phải sống chung và đấu tranh với vảy nến từng ngày.
Năm nay, chủ đề của Ngày vảy nến thế giới 29/10 là "Healthy Skin, Happy Family" (làn da khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc).
Bệnh viện Da Liễu TPHCM sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động để kỷ niệm dịp này, như khám và tư vấn miễn phí cho bệnh nhân vảy nến (từ ngày 21/10 đến ngày 25/10), triển lãm ảnh "Hành trình hy vọng" để chia sẻ những câu chuyện của người bệnh vảy nến (khai mạc sáng 27/10).
Ngày 27/10, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cũng tổ chức tọa đàm "Ngày Vảy nến thế giới", với khách mời là 100 bệnh nhân.
Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa da liễu, chuyên viên tâm lý, đại sứ chương trình "Tiếp sức cùng người bệnh vảy nến" sẽ giao lưu, tư vấn và ghi nhận những khó khăn, mong muốn của người bệnh, để tìm ra hướng hỗ trợ tốt nhất cho họ.