MU lộ lỗ hổng chiến thuật từ cơn bực dọc của Hojlund

Trận hòa không bàn thắng với Leeds cho thấy Man United vẫn đang loay hoay giữa những vấn đề cũ - từ sự thiếu sắc bén của Hojlund đến sự rời rạc của cả hệ thống.

Hojlund chưa đáp ứng được kỳ vọng ở Manchester United.

Trận hòa Leeds không bàn thắng tại Thuỵ Điển hôm 19/7 lại một lần nữa phơi bày thực trạng đáng lo ngại của Manchester United. “Quỷ đỏ” đang thiếu sức sống, thiếu ý tưởng và quan trọng nhất, thiếu một hàng công đủ bản lĩnh để làm nên chuyện.

Hình ảnh Rasmus Hojlund cáu gắt với Diogo Dalot chỉ như giọt nước tràn ly, phản chiếu một tập thể đang chật vật tìm lại bản sắc.

Hojlund - cơn bực dọc của tiền đạo cô độc

Đã thành “thói quen” mỗi mùa hè: Manchester United bước vào giai đoạn tiền mùa giải với bộ mặt kém thuyết phục, thậm chí gây thất vọng. Trận hòa 0-0 trước Leeds chỉ là chương tiếp theo trong chuỗi màn trình diễn nhạt nhòa đó. Không bàn thắng, không đột phá và gần như không mang lại chút niềm tin nào trước thềm chuyến du đấu Mỹ.

Cảnh tượng này khiến người ta nhớ lại cách Manchester United từng khép lại loạt giao hữu năm ngoái bằng trận thua 0-3 trước Liverpool. Một tháng sau, Liverpool lặp lại kịch bản đó ngay tại Premier League. Rõ ràng, những tín hiệu từ loạt trận “làm nóng” không thể bỏ qua, bởi nó phản ánh trực tiếp những vấn đề chưa được giải quyết trong đội hình.

Tâm điểm trong trận gặp Leeds chính là khoảnh khắc Hojlund nổi nóng với Dalot. “F**k's sake”, anh hét lên khi đồng đội chần chừ chuyền bóng, lo sợ bản thân đã rơi vào thế việt vị. Đó không chỉ là phản ứng bột phát, mà còn là hệ quả của một tiền đạo đang thiếu niềm tin, thiếu sự hỗ trợ và đang chịu áp lực khổng lồ khi CLB liên tục tìm kiếm một số 9 mới.

Manchester United anh 1

Hojlund có nguy cơ bật bãi khỏi MU.

Hojlund mùa trước từng nhiều lần bị chỉ trích vì phong độ phập phù và ngôn ngữ cơ thể tiêu cực. Trận gặp Leeds cho thấy vấn đề này chưa hề được khắc phục. Anh lạc lõng, không tạo ra điểm nhấn, và khi cơ hội hiếm hoi đến - như cú đánh đầu từ quả tạt của Dalot - anh vẫn không thể tận dụng.

Trong pha bóng Kobbie Mainoo sút trúng xà ngang cuối trận, Hojlund lại ở vị trí... chuyền bóng thay vì chờ đợi để dứt điểm. Một tiền đạo thiếu bản năng “killer” (sát thủ) là điều Manchester United không thể chấp nhận, nhất là khi hàng công vốn đã bế tắc.

Dalot không phải là một hậu vệ tệ, nhưng sự thiếu ổn định của anh khiến Manchester United nhiều lần rơi vào bế tắc. Trước Leeds, Dalot có vài tình huống xử lý chậm chạp, chuyền muộn hoặc thiếu quyết đoán.

Khi sự kết nối giữa hậu vệ biên và trung phong mờ nhạt, việc hàng công không thể bùng nổ là điều hiển nhiên. Khoảnh khắc Dalot bỏ qua Hojlund để chuyền cho Patrick Dorgu ở phút bù giờ khiến tiền đạo người Đan Mạch một lần nữa bực tức - hình ảnh cho thấy sự rạn nứt trong mối liên kết vốn đã lỏng lẻo.

Những điểm sáng hiếm hoi

Ở tuổi 39, Tom Heaton lại trở thành cầu thủ hay nhất của Manchester United trong trận này. Anh hai lần cứu thua xuất sắc trước Ramazani và Jayden Bogle, tạo cảm giác an toàn mà Altay Bayindir - người thay thế Onana - không mang lại. Nhưng một thủ môn nổi bật trong một trận đấu giao hữu không thể che lấp được thực trạng là CLB gần như không có gì để phấn khởi.

Manchester United anh 2

Cunha là điểm sáng tích trong trận MU hoà Leeds 0-0.

Điểm tích cực ít ỏi đến từ Matheus Cunha. Cầu thủ người Brazil cho thấy cá tính mạnh mẽ và tinh thần chỉ huy ngay trong lần đầu ra sân, sẵn sàng chỉnh đốn đàn em Chido Obi sau một pha xử lý sai.

Sự hiện diện của Cunha gợi nhớ hình ảnh Bruno Fernandes khi mới đến Old Trafford - quyết đoán, không ngại va chạm và muốn trở thành hạt nhân dẫn dắt. Nhưng một mình Cunha không đủ để giải cứu một hàng công thiếu gắn kết và ý tưởng.

HLV Ruben Amorim tiếp tục duy trì chiến thuật thay toàn bộ đội hình giữa hiệp - cách làm mà Erik ten Hag từng áp dụng trong các trận giao hữu. Cách xoay vòng này khiến nhịp chơi của CLB luôn đứt đoạn, thiếu sự liền lạc.

Trận gặp Leeds gợi lại ký ức buồn về trận giao hữu ở Kuala Lumpur (Malaysia) hồi tháng 5, khi Manchester United bị la ó vì màn trình diễn tệ hại. May mắn là lần này, ít nhất họ không phải nghe những tiếng huýt sáo từ khán đài.

Vấn đề lớn nhất của Manchester United không nằm ở một pha bóng cụ thể, mà ở hệ thống vận hành thiếu sức sống. Hojlund có thể chưa đủ sắc bén, Dalot có thể thiếu bùng nổ, nhưng tất cả chỉ là triệu chứng của một căn bệnh: Manchester United chưa tìm ra bộ khung ổn định và lối chơi đủ rõ ràng.

Thời gian từ giờ đến khi mùa giải khởi tranh không còn nhiều. Nếu không có sự thay đổi, “Quỷ đỏ” sẽ lại bước vào mùa giải mới với gánh nặng tâm lý và hàng công vô hồn. Và khi đó, mọi nỗ lực vá víu ở thị trường chuyển nhượng sẽ chẳng khác nào “chữa cháy” cho một ngôi nhà đã mục ruỗng từ bên trong.

Cuốn sách “Leading: Learning from Life and My Years at Manchester United” được Sir Alex Ferguson viết chung với Michael Moritz xuất bản năm 2015 đem tới kinh nghiệm sống quý báu cho bất kỳ ai.