Mỹ khôi phục ngành sản xuất trong nước thế nào?

Mặc dù chính quyền ông Trump đi đầu trong việc tái định hình thương mại toàn cầu, nhưng nỗ lực khôi phục sản xuất trong nước không chỉ giới hạn ở Mỹ.

Trên thực tế, xu hướng sử dụng chính sách tái công nghiệp đất nước đã lan rộng khắp thế giới kể từ sau đại dịch COVID-19.

Sự trỗi dậy của chính sách công nghiệp

Từ năm 2017 đến 2023, số lượng chính sách công nghiệp được ban hành trên toàn cầu tăng gấp chín lần, từ dưới 200 lên hơn 2.500. Hai phần ba trong số này đến từ các nền kinh tế phát triển, trong đó gần một nửa tập trung ở ba trung tâm lớn: Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ.

Mục tiêu chung là nhằm giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng toàn cầu — vốn đã bị phơi bày là dễ tổn thương trong đại dịch — và phản ứng trước những mối lo ngại ngày càng gia tăng về biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại và địa chính trị.

Sự tập trung sản xuất vào một số khu vực — như chất bán dẫn ở Đài Loan, phần mềm ở Thung lũng Silicon, khiến các quốc gia dễ bị tổn thương trước các cú sốc bất ngờ. Các sự kiện như áp thuế trả đũa giữa các quốc gia thúc đẩy nhiều nước đẩy mạnh tự lực sản xuất.

Tổng thống Trump đang theo đuổi chiến lược bảo hộ trên quy mô toàn nền kinh tế, chủ yếu thông qua thuế quan cao và đàm phán song phương. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng có rủi ro khi thúc đẩy các quốc gia khác tìm kiếm đối tác mới thay vì phụ thuộc vào Mỹ.

Chẳng hạn, Canada đã chọn châu Âu và Anh là điểm đến đầu tiên của Thủ tướng mới thay vì Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vừa tuyên bố kế hoạch hợp tác thương mại ba bên với Trung Quốc. EU cử phái đoàn sang Bắc Kinh để "làm sâu sắc hơn quan hệ đầu tư".

Mỹ khôi phục ngành sản xuất trong nước thế nào?- Ảnh 1.

Trong những năm 1950, khoảng 35% việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ thuộc lĩnh vực sản xuất.

Mỹ đánh mất vị thế sản xuất toàn cầu?

Tổng thống Donald Trump cho rằng kế hoạch áp thuế của ông sẽ đưa ngành sản xuất trở lại nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tỏ ra hoài nghi, lo ngại thiệt hại kinh tế sẽ vượt xa lợi ích đạt được.

Trong những năm 1950, khoảng 35% việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ thuộc lĩnh vực sản xuất. Ngày nay, con số đó chỉ còn 9,4%, tương đương khoảng 12,8 triệu việc làm. Để hiểu khả năng khôi phục ngành sản xuất có thực tế hay không, cần nhìn lại quá trình nước Mỹ đánh mất vị thế vốn có.

Đầu thế kỷ 20, Mỹ tiên phong trong việc ứng dụng sản xuất hàng loạt và các bộ phận có thể thay thế. Thế chiến II càng thúc đẩy năng lực sản xuất, trong khi nhiều đối thủ công nghiệp ở châu Âu và châu Á bị tàn phá. Hậu chiến, tầng lớp trung lưu Mỹ gia tăng nhanh chóng, tạo nhu cầu lớn cho các sản phẩm công nghệ cao thời đó như ô tô, máy rửa chén, tivi hay máy bay. Việc sản xuất các sản phẩm này tại Mỹ là hợp lý vì cần đội ngũ R&D sát cánh cùng dây chuyền sản xuất. Thêm vào đó, hệ thống giáo dục phổ thông sớm đã tạo ra một lực lượng lao động có trình độ cao.

Từ sau thập niên 1950, nền kinh tế Mỹ chuyển hướng khi người dân ngày càng giàu có, chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ như du lịch, ẩm thực và y tế. Việc làm dịch chuyển sang các ngành dịch vụ – ngân hàng, luật, khách sạn, bệnh viện – trong khi việc làm sản xuất dần ổn định rồi suy giảm.

Đồng thời, các mặt hàng không bền như quần áo, giày dép cũng bắt đầu được sản xuất ở miền Nam nước Mỹ – nơi chi phí lao động thấp hơn – rồi dần chuyển ra nước ngoài. Đến những năm 1980 và 1990, nhiều quốc gia đang phát triển như Mexico, Hàn Quốc... bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhờ chi phí thấp và các hiệp định thương mại như NAFTA.

Mỹ khôi phục ngành sản xuất trong nước thế nào?- Ảnh 2.

Trung Quốc từ một nước xuất khẩu nhỏ đã vươn lên dẫn đầu thế giới, vượt qua cả Mỹ vào năm 2008.

Cạnh tranh

Bước ngoặt lớn đến sau năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa cho đầu tư nước ngoài và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ trong vài năm, Trung Quốc từ một nước xuất khẩu nhỏ đã vươn lên dẫn đầu thế giới, vượt qua cả Mỹ vào năm 2008.

Sự tràn ngập hàng giá rẻ từ Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ thấp như đồ gia dụng, nội thất, đã gây tổn thất nặng nề cho các cộng đồng công nghiệp ở miền Trung Tây và miền Nam Mỹ – một hiện tượng được các nhà kinh tế gọi là "cú sốc Trung Quốc".

Trong khi ngành sản xuất thu hẹp, Mỹ trở thành siêu cường trong lĩnh vực dịch vụ. Nhiều dịch vụ khó toàn cầu hóa như chăm sóc y tế, nhưng các lĩnh vực như phần mềm, quảng cáo, tài sản trí tuệ thì lại có thể xuất khẩu. Năm 2023, Mỹ xuất khẩu 24 tỷ USD dịch vụ quảng cáo, và hiện là quốc gia xuất khẩu dịch vụ lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, một phần lớn doanh thu thực tế bị ẩn đi do các công ty Mỹ chuyển quyền sở hữu tài sản trí tuệ ra nước ngoài vì lý do thuế, khiến những nơi như Ireland được tính là nước xuất khẩu dịch vụ hàng đầu.

Nghiên cứu của các nhà kinh tế cho thấy, năm 1980, có 39% việc làm được trả lương cao tại Mỹ thuộc ngành sản xuất. Đến năm 2021, tỷ lệ này giảm xuống còn 20%, trong khi các ngành như tài chính, luật và dịch vụ chuyên môn tăng từ 8% lên 26%.

Tương lai ngành sản xuất Mỹ?

Các nhà kinh tế từ lâu đã phản đối việc sử dụng thuế quan quy mô lớn vì cho rằng nó đẩy giá tiêu dùng lên cao, làm giảm chi tiêu cho các mặt hàng nội địa và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Trong khi một số nhà sản xuất có thể được hưởng lợi, phần lớn người dân sẽ chịu thiệt hại.

Ngay cả khi tăng 30% việc làm trong sản xuất, tỷ lệ này trong khu vực tư nhân cũng chỉ đạt khoảng 12% – vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh trong quá khứ.

Dù vậy, một số nhà kinh tế như Susan Houseman cho rằng Mỹ nên đầu tư chiến lược vào một số ngành sản xuất trọng điểm, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, vì lý do an ninh kinh tế và quốc phòng. Bà nói việc Mỹ sản xuất lại các mặt hàng giá rẻ như áo phông không còn nhiều ý nghĩa, nhưng đối với một số ngành then chốt, việc sản xuất trong nước là cần thiết và đáng để đầu tư.