Mỹ thu 21 tỷ USD tiền thuế quan

Cơ quan Hải quan Mỹ công bố dữ liệu cho thấy họ thu hơn 500 triệu USD từ ngày 5/4 theo mức thuế quan "có đi có lại" mới của ông Trump, tổng hơn 21 tỷ USD.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) vừa công bố dữ liệu cho thấy cơ quan này đã thu hơn 500 triệu USD kể từ ngày 5/4 theo mức thuế quan "có đi có lại" mới của Tổng thống Donald Trump — con số thấp hơn đáng kể so với tuyên bố của ông Trump rằng Mỹ đang thu 2 tỷ USD mỗi ngày từ thuế quan.

Trong tuyên bố gửi CNBC, CBP cho biết tổng thu từ 15 hành động thương mại của Tổng thống Trump kể từ ngày 20/1 (ngày ông nhậm chức) vượt 21 tỷ USD. Ngay cả trong thời gian trục trặc kỹ thuật khiến các nhà nhập khẩu không thể nhập mã miễn thuế cho hàng hóa đang vận chuyển, CBP khẳng định dòng thu trung bình 250 triệu USD mỗi ngày vẫn không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy tổng số tiền thu được từ mục “Thuế hải quan và một số thuế tiêu thụ đặc biệt” trong báo cáo là 305 triệu USD — một con số vẫn cách rất xa mức 2 tỷ USD/ngày mà ông Trump nhiều lần nhắc đến.

Vào đầu tháng 4, chính quyền Trump áp mức thuế cao đối với hàng hóa từ hàng chục quốc gia. Nhưng chỉ vài giờ sau, mức thuế đã được hạ tạm thời xuống 10%, ngoại trừ hàng hóa Trung Quốc vẫn chịu mức thuế cao hơn. Các biện pháp ngành, như thuế trong ngành ô tô, vẫn được giữ nguyên, và các chính sách thương mại mới cho ngành dược phẩm cũng đang được lên kế hoạch công bố.

Mỹ thu 21 tỷ USD tiền thuế quan- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết đã có “tiến triển lớn” sau cuộc gặp bất ngờ với phái đoàn thương mại Nhật Bản, nhằm đàm phán về loạt thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu toàn cầu. "Vinh dự được gặp phái đoàn thương mại Nhật Bản. Tiến triển lớn!”

Tokyo đã cử Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Ryosei Akazawa đến Washington để bắt đầu các cuộc thảo luận. Dự kiến ông sẽ họp báo vào tối cùng ngày. Ban đầu Nhật Bản muốn giới hạn nội dung trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, nhưng ông Trump cho biết sẽ trực tiếp tham gia để bàn thêm về chi phí quân sự và vấn đề “công bằng thương mại”.

“Nhật Bản sẽ tới hôm nay để đàm phán về thuế quan, chi phí hỗ trợ quân sự và thương mại công bằng. Tôi sẽ tham dự cùng các bộ trưởng Tài chính và Thương mại. Hy vọng đạt được một thỏa thuận tuyệt vời cho cả hai nước!”

Hai bộ trưởng Scott Bessent (Tài chính) và Howard Lutnick (Thương mại) đã cùng tham gia cuộc họp. Bộ trưởng Bessent cho biết Nhật Bản có lợi thế vì là một trong những nước đầu tiên yêu cầu đàm phán. Dù vậy, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định sẽ không vội nhượng bộ và hiện chưa có kế hoạch trả đũa thuế quan của Mỹ.

Kurt Tong, chuyên gia tại công ty tư vấn The Asia Group, nhận định: “Hoa Kỳ đang nắm toàn bộ đòn bẩy. Với Nhật Bản, đây giống như sự ép buộc kinh tế".

Ngoài thương mại, ông Bessent cũng muốn thảo luận thêm về tỷ giá hối đoái – một vấn đề nhạy cảm mà Nhật Bản muốn tránh. Tokyo bác bỏ cáo buộc thao túng đồng yên. Bessent còn tiết lộ rằng đầu tư tiềm năng của Nhật Bản vào dự án khí đốt trị giá hàng tỷ USD ở Alaska có thể được đưa vào đàm phán.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc tới Washington vào tuần tới. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng sẽ gặp ông Trump để thảo luận về thuế quan với Liên minh châu Âu.