Một khu nhà gần căn cứ mới nhất của thủy quân lục chiến Mỹ, được biết đến dưới tên gọi Site Excalibur kề cận Nam Finegayan, đảo Guam (Mỹ), đã được cải tạo thành một cơ sở phòng thủ tên lửa, theo tạp chí EurAsian Times.
Đại tá Jonathan Stafford, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Talon, cho biết đây là khu vực phát triển nhất trong số các cơ sở phòng thủ tên lửa khác nhau được lên kế hoạch để bảo vệ Guam.
Lực lượng đặc nhiệm Talon là một đơn vị quy mô tiểu đoàn gồm 200 binh sĩ trên đảo Guam và 100 radar tác chiến đặt ở Nhật Bản, đã được bố trí ở khu vực Nam Finegayan từ tháng 9-2023.
Theo báo cáo, lực lượng đặc nhiệm đã triển khai “sáu hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD, các bệ phóng, radar, thiết bị chỉ huy và liên lạc cùng hàng chục xe bọc thép”.
Việc thành lập địa điểm Excalibur là một bước then chốt trong sáng kiến rộng lớn hơn nhằm xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa 360 độ hoàn chỉnh ở đảo Guam.
Cơ quan Phòng thủ tên lửa cho biết toàn bộ hệ thống, bao gồm 20 địa điểm trên khắp hòn đảo, sẽ hoạt động vào năm 2027.
Trong 2 thập kỷ qua, Guam đã nổi lên như một trụ cột trong chiến lược của Lầu Năm Góc, nó có ý nghĩa quan trọng khi năng lực quân sự của Trung Quốc ngày càng mở rộng.
Các quan chức quốc phòng coi Guam, lãnh thổ gần nhất của Mỹ với khu vực Biển Đông đang tranh chấp, là trung tâm then chốt để phô trương sức mạnh và bảo vệ khu vực, đặc biệt là chuỗi đảo bao gồm: Okinawa, miền bắc Philippines và Đài Loan.
Bất chấp số lượng “tàu khu trục” hoạt động trong khu vực ngày càng tăng, Guam vẫn là một trung tâm quan trọng và không thể thiếu.
Cơ sở hạ tầng phòng thủ của Guam bao gồm Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của lục quân và hệ thống Aegis của hải quân ngoài khơi.
Khoảng 5.000 lính thủy đánh bộ từ Lực lượng viễn chinh thủy quân lục chiến số 3 ở Okinawa sẽ chuyển đến Guam trong vòng 5 năm tới.
Ngoài ra, với các cảng được trang bị tốt tại Guam, có thể đáp ứng nhu cầu của tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của Guam như một trung tâm hậu cần cho các hoạt động hải quân.
Chiến lược này cũng cho phép triển khai hoạt động tàu ngầm Mỹ đến tận Úc để bảo vệ đồng minh theo thỏa ước ký kết.