Mỹ - Trung hạ thuế xuống 30%, loạt doanh nghiệp sốt sắng 'tận dụng thời cơ' nhập thêm hàng nhưng vẫn 'than trời' vì thuế mới 'quá cao'

Đối với các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mức thuế 30% mới là tia sáng trong “mùa đông thương mại” kéo dài từ tháng 4 đến nay.

Mỹ - Trung hạ thuế xuống 30%, loạt doanh nghiệp sốt sắng 'tận dụng thời cơ' nhập thêm hàng nhưng vẫn 'than trời' vì thuế mới 'quá cao'- Ảnh 1.

Khi CEO SharkNinja, Mark Barrocas, liên tục kiểm tra tin tức vào cuối tuần với hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận về thuế quan, ông không ngờ rằng tin vui sẽ đến chỉ vài giờ sau đó. Ngay ngày 12/5, thông tin về một thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày được công bố: Mỹ sẽ hạ thuế từ 145% xuống còn 30% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ngay lập tức, Barrocas yêu cầu các nhà máy ở Trung Quốc xuất kho những lô hàng đã chờ sẵn—gồm máy pha cà phê và máy làm đồ uống đông lạnh Ninja Slushie—để đưa lên tàu tới Mỹ.

“Chúng tôi có hàng trăm container đã sẵn sàng khi mức thuế mới được áp dụng. Giờ thì chúng tôi có thể đưa chúng lên tàu,” ông nói.

Thỏa thuận tạm thời giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới lập tức tạo hiệu ứng tích cực: thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh, đồng USD lên giá và nhà đầu tư giảm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Đối với các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đó là tia sáng trong “mùa đông thương mại” kéo dài từ tháng 4 đến nay.

Tại công ty Hightail Hair, chuyên sản xuất phụ kiện mũ bảo hiểm, nhà đồng sáng lập Jennifer Burch không giấu được sự phấn khởi khi chồng cô, cũng là đồng sáng lập, thông báo về tin mừng này.

“Chúng tôi có gần 4.000 sản phẩm đang chờ xuất kho. Giờ thì sẽ cố gắng gửi đi càng sớm càng tốt,” Burch nói.

Tuy nhiên, giới doanh nghiệp cũng nhanh chóng nhận ra rằng việc giảm thuế từ 145% xuống 30% không đồng nghĩa với một môi trường kinh doanh dễ dàng. Steve Greenspon, CEO của công ty Honey-Can-Do International, nhận định: “Khi tình hình chưa căng thẳng, thuế 30% đã là ác mộng. Nhưng so với 145% thì thật tuyệt vời. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải đối mặt với giá cao hơn và lợi nhuận thấp hơn.”

Theo Gene Seroka, CEO Cảng Los Angeles, một số công ty, nhất là các doanh nghiệp thường đắt hàng vào dịp lễ hay sản phẩm y tế, sẽ tranh thủ thời gian này để bổ sung hàng tồn. Nhưng điều đó không có nghĩa là hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập các cảng Mỹ trong vài tuần tới.

“Tủ lạnh, bàn ghế sân vườn hay các mặt hàng tiêu dùng thông thường sẽ không đến kịp để tạo ‘làn sóng’ nhập khẩu,” ông nói.

Trên thực tế, nhiều công ty đã mang hàng về sớm vào đầu năm nay để “né” thuế. Nhưng sau khi cuộc chiến thương mại leo thang vào tháng 4, hàng tỷ USD giá trị đơn hàng đã bị hoãn hoặc hủy, khiến các doanh nghiệp giờ đây rơi vào tình trạng khan hiếm hàng cho mùa tựu trường và lễ hội cuối năm.

Tại công ty CMCBrands có 2 container dài 12 mét chứa đầy quần áo thể thao bị “mắc kẹt” trong nhà máy Trung Quốc suốt 1 tháng qua. Ngay khi thỏa thuận đình chiến được công bố, CEO công ty này lập tức yêu cầu tiếp tục sản xuất và chuẩn bị vận chuyển hàng sang Mỹ.

Một số công ty, như Musgrave Pencil ở Tennessee, dù khá mừng vì thông tin mới này, song vẫn giữ nguyên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. “Ngay cả khi thuế giảm, tổng mức phí với hàng nhập từ Trung Quốc vẫn gần 60%,” Scott Johnson, Chủ tịch công ty, chia sẻ. Do đó, Musgrave đang chuyển phần lớn sản xuất sang Việt Nam.

Tương tự, SharkNinja cũng đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước như Campuchia, Việt Nam và Indonesia. Tới tháng 7 năm nay, gần 90% hàng hóa công ty bán tại Mỹ sẽ được sản xuất ngoài Trung Quốc.

Dù doanh nghiệp Mỹ đang tận dụng “khoảng lặng” 90 ngày này để nhanh chóng nhập khẩu hàng hoá, nhiều người vẫn lo lắng về tương lai bất định phía trước.

“Nếu chỉ là tạm hoãn 3 tháng rồi quay lại mức thuế cao, mọi kế hoạch đầu tư và chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục rơi vào hỗn loạn,” CEO SharkNinja Barrocas nói. “Câu hỏi lớn là: chuyện gì sẽ xảy ra sau 90 ngày?”

Tham khảo WSJ