
Nga vừa xác nhận kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất chip tiến trình 28nm vào vận hành trong nước vào năm 2030, gần hai thập kỷ sau khi công nghệ này ra mắt toàn cầu. Dù đây là bước đi chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào phương Tây, nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về tính khả thi và nhu cầu thực tế của loại chip này trong bối cảnh hiện tại.
Sau nhiều năm gặp khó khăn do lệnh cấm vận công nghệ, Nga đang đẩy mạnh tham vọng tự chủ bán dẫn với mục tiêu sản xuất hàng loạt chip tiến trình 28nm vào năm 2030. Kế hoạch này được ông Konstantin Trushkin – Phó giám đốc phát triển của MCST (đơn vị phát triển dòng vi xử lý Elbrus) – xác nhận tại một sự kiện ở Moscow.
MCST kỳ vọng những nhà máy sản xuất chip này sẽ vận hành từ năm 2028 đến 2030, tập trung sản xuất vi xử lý dùng kiến trúc Elbrus – một ISA nội địa thay thế cho x86 và Arm do không thể mua bản quyền từ Intel hay ARM Holdings. Điều này xuất phát từ quan ngại về an ninh quốc gia khi phụ thuộc vào phần cứng nước ngoài trong các hệ thống thông tin chiến lược.

Một con chip dựa trên kiến trúc Elbrus của Nga
Tuy nhiên, giới phân tích bày tỏ hoài nghi. Việc chuyển từ hệ sinh thái x86 hay Arm sang Elbrus không chỉ yêu cầu phần cứng tương thích, mà còn đòi hỏi cả hệ điều hành và phần mềm được viết lại hoặc tối ưu hóa – một quá trình phức tạp và thiếu nhân lực chuyên môn. Đại diện của công ty bảo mật InfoTeKS chia sẻ rằng họ từng thử triển khai Elbrus nhưng phải từ bỏ vì không có đủ nhân sự hiểu kiến trúc này.
Thay vì ép buộc thị trường sử dụng Elbrus, chuyên gia này kiến nghị nhà nước nên đầu tư vào đào tạo, phát triển đội ngũ kỹ sư phần mềm và kỹ thuật viên từ các trường đại học để tạo nền tảng lâu dài cho hệ sinh thái phần cứng nội địa.
Ở thời điểm hiện tại, Nga mới chỉ phát triển được thiết bị quang khắc phục vụ sản xuất chip 350nm, và đang tiếp tục thử nghiệm thiết bị cho tiến trình 130nm. Dù có thông tin Nga đã nhập khẩu hệ thống quang khắc PAS 5500-series của ASML, năng lực sản xuất bán dẫn tiên tiến của nước này vẫn còn cách rất xa các đối thủ như TSMC hay Samsung.
Ngay cả khi có thể sản xuất chip Elbrus 28nm đúng tiến độ, giới quan sát vẫn hoài nghi về khả năng cạnh tranh thực sự. Trong khi các vi xử lý Intel hoặc Rockchip giá rẻ vẫn áp đảo về hiệu năng, Elbrus nhiều khả năng sẽ chỉ phù hợp cho mục đích sử dụng nội địa mang tính chính trị và an ninh, thay vì phục vụ thị trường thương mại rộng lớn. Câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu Nga có thể biến tham vọng này thành hiện thực hay sẽ tiếp tục là một dự án tiêu tốn ngân sách nhà nước mà hiệu quả không rõ ràng.