
Động thái này khiến Gazprom – tập đoàn năng lượng quốc doanh từng được xem là "vũ khí chiến lược" của Điện Kremlin, phải đối diện với khó khăn lớn.
Sau khi mất phần lớn thị phần tại châu Âu do ảnh hưởng từ mâu thuẫn với Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây, Gazprom đã chuyển hướng sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nhằm bù đắp nguồn thu. Một trong những phương án được tập đoàn này thúc đẩy là xuất khẩu thêm 35 tỷ mét khối khí đốt/năm qua mạng lưới đường ống hiện có của Kazakhstan.
Tuy nhiên, ngày 15/4, Đại sứ Trung Quốc tại Nga, ông Trương Hán Huy, đã bác bỏ khả năng này. Trả lời báo chí Nga, ông cho biết: “Việc cung cấp thêm khí đốt từ Nga qua Kazakhstan là không khả thi vì hiện chỉ có một đường ống và nó đã quá tải. Nếu muốn vận chuyển thêm, phải xây dựng một đường ống mới, điều này rất tốn kém và không thực tế.”
Ông Trương khẳng định rằng nếu Trung Quốc có nhu cầu nhập thêm khí, phương án khả thi hơn là tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia 2” (Power of Siberia 2 – PS-2) đi qua Mông Cổ.
PS-2, có công suất dự kiến là 50 tỷ mét khối/năm, ban đầu được lên kế hoạch bắt đầu vào năm ngoái, nhưng phải đối mặt với sự chậm trễ các vấn đề về tài chính và vướng mắc chính trị. Việc Nga và Gazprom thiếu nguồn lực để tài trợ cho chi phí xây dựng đường ống mới dường như là một trong những trở ngại lớn mà ngành năng lượng của nước này phải đối mặt.
Từng là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách Nga, Gazprom đang lỗ nặng. Năm 2023, công ty ghi nhận mức thua lỗ 7 tỷ USD, con số chưa từng có trong lịch sử. Đến năm 2024, khoản lỗ tăng lên khoảng 10 tỷ USD. Theo nhiều báo cáo, tổng lỗ tích lũy của Gazprom trong thập kỷ tới có thể lên tới 179 tỷ USD nếu không có thay đổi đáng kể.
Tờ The Moscow Times nhận định, tình trạng này buộc Gazprom phải tái cơ cấu toàn diện, bao gồm bán tài sản và sa thải tới 40% nhân sự tại trụ sở chính.
Không chỉ gặp khó trong việc mở rộng sang Trung Quốc, Gazprom cũng buộc phải rút khỏi một loạt dự án ở Bolivia, Ấn Độ, Tajikistan, Uzbekistan và Venezuela do thua lỗ kéo dài.
Tại Trung Á, nơi từng được coi là “phao cứu sinh” cho khí đốt Nga nhờ giá rẻ, tình hình cũng đang thay đổi. Lý do không chỉ đến từ kinh tế mà còn do các yếu tố chính trị và xã hội.
Ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Kyrgyzstan, ông Jeenbek Kulubaev, tuyên bố nước này đang cân nhắc giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Tham khảo Oilprice