Trong đợt không kích suốt ngày 29-12, giờ địa phương, Ukraine ước tính Nga đã triển khai tên lửa và máy bay không người lái (drone) tấn công khắp nước này trong đợt tấn công lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến kéo dài gần hai năm qua. Nó cũng hâm nóng lại những cam kết ủng hộ từ phương Tây vốn đang nguội dần trong mùa đông năm nay.
Báo động khắp Ukraine
Từ nửa đêm 28 đến sáng 29-12, còi báo động vang khắp Ukraine từ khu vực Kharkov ở phía bắc, Mykolaiv và Odessa ở phía nam đến thủ đô Kiev và các vùng miền tây. "Hôm nay Nga tấn công chúng ta bằng hầu hết mọi thứ họ có trong kho vũ khí của mình", Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết hôm 29-12.
Ông Valery Zaluzhny, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, báo cáo ít nhất 158 vụ tấn công trong đó Nga đã sử dụng 18 máy bay ném bom chiến lược Tu-95 để bắn tên lửa phóng từ trên không trong đêm. Trong khi đó, các quan chức Ukraine nói đợt tấn công đã khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và làm hư hại nhiều trường học, bệnh viện, ga tàu, khu mua sắm, khu chung cư cũng như hạ tầng năng lượng.
Ở phía Nga, Bộ Quốc phòng nước này cũng xác nhận đã thực hiện 50 cuộc tấn công "nhóm" và một cuộc tấn công "quy mô lớn" bằng tên lửa chính xác và drone vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, tình hình trở nên căng thẳng hơn khi Ba Lan, một thành viên NATO, khẳng định một tên lửa của Nga dường như đã bay vào không phận nước này trước khi quay trở lại Ukraine. Dù đại biện Nga bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Ba Lan khẳng định không bằng chứng nào nhưng Warsaw kiên quyết truy tìm dấu vết tên lửa bay lạc đó.
Trong mắt giới quan sát và cả chính quyền Kiev, việc này không quá bất ngờ khi năm ngoái Nga cũng đẩy mạnh tấn công hạ tầng năng lượng của Ukraine trong mùa đông.
"Rõ ràng là với kho tên lửa mà Nga có, họ có thể và sẽ tiếp tục các cuộc tấn công như vậy", Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nhận định.
Cuộc oanh tạc diễn ra trong lúc Matxcơva tin rằng Kiev đã chuyển sang phòng thủ sau nhiều tháng phản công "thất bại". Các đánh giá chung đến nay đều cho rằng cuộc chiến sẽ khó khăn hơn cho Ukraine trong năm tới khi Nga quyết tâm giành thêm lãnh thổ ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, Matxcơva đã thích ứng với các trừng phạt và đang chuyển đổi nền kinh tế để phục vụ cho chiến tranh.
Đến nay, Kiev buộc phải từ bỏ khu vực Maryinka ở miền đông mà Nga tuyên bố giải phóng trước đó. Theo ông Zaluzhny, đây là quyết định chiến thuật để bảo toàn lực lượng, tương tự như trong trận chiến Bakhmut vào giữa năm nay. Sau cuộc không kích ngày 29-12, Ukraine đã đáp trả bằng rocket và drone vào khu vực Belgorod và ở phía nam Ukraine gây một số thương vong.
Ngoài ra, trong những ngày qua, lực lượng Ukraine đã có những cú phản đòn mạnh trên không và trên biển khi đánh trúng chiếc tàu đổ bộ Novocherkassk thuộc Hạm đội Biển Đen ở bán đảo Crimea và bắn hạ năm chiếc Sukhoi của Nga. Nhưng các cuộc tấn công như vậy vẫn khó làm thay đổi cục diện cuộc chiến.
Cảnh báo của ông Biden
"Hôm nay, hàng triệu người Ukraine đã thức giấc vì tiếng nổ lớn. Tôi ước gì những âm thanh vụ nổ đó ở Ukraine có thể được nghe thấy trên toàn thế giới", Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói ngày 29-12, kêu gọi các đồng minh phương Tây tiếp tục gửi viện trợ dài hạn.
Phản ứng lại các cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào Ukraine, hàng loạt đồng minh nhanh chóng đã tái khẳng định ủng hộ với Ukraine. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Umerov, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh Washington và hàng chục đồng minh sẽ vẫn hỗ trợ Kiev.
Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo ảnh hưởng của cuộc chiến không chỉ lan khắp NATO, châu Âu mà còn cả thế giới và làm tăng nguy cơ Washington "bị lôi kéo" trực tiếp vào chiến sự.
"Đó là lời nhắc nhở rõ ràng với thế giới rằng sau gần hai năm chiến sự, mục tiêu của Putin vẫn không thấy đổi. Ông ấy tìm cách hủy diệt Ukraine và khuất phục người dân Ukraine. Ông ấy phải bị ngăn chặn", Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29-12 nói về cuộc không kích quy mô lớn của Nga vào Ukraine.
Trong khi đó, Anh cũng tuyên bố sẽ gửi thêm hàng trăm tên lửa phòng không tới Kiev. "Chúng ta phải tiếp tục sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết", Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố. Tuy nhiên, đến nay tương lai các khoản hỗ trợ cho Kiev vẫn còn bấp bênh giữa những tranh cãi ở Quốc hội Mỹ và giữa các nước châu Âu.
"Ukraine và phương Tây đang đi trên một quỹ đạo không bền vững", hai chuyên gia Richard Haass và Charles Kupchan viết trên tờ Foreign Affairs, cho rằng mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ của Ukraine là "ngoài tầm với" và Kiev nên tập trung đảm bảo an ninh dài hạn hơn là đốt sạch viện trợ trên chiến trường.
Nga tuyên bố không thể bị đánh bại
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia ngày 29-12 khẳng định cuộc phản công của Ukraine đã chấm dứt trong "thất bại hoàn toàn" và không có sự hỗ trợ nào của phương Tây có thể giúp được Kiev.
Phát biểu sau khi Kiev yêu cầu Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp khẩn cấp sau cuộc không kích cùng ngày, ông Nebenzia nói rằng các khoản viện trợ bổ sung của phương Tây sẽ "chỉ kéo dài nỗi đau" của chính quyền Ukraine bởi "chiến thắng quân sự trước Nga là mục tiêu hoàn toàn không thể đạt được".