Ngại đến trạm xá, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn chọn sinh con tại nhà

() - Tỷ lệ tử vong mẹ ở khu vực miền núi và dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần mức trung bình quốc gia.

Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tử vong khi sinh cao gấp 3 lần cả nước

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), tỷ lệ tử vong mẹ ở khu vực miền núi và dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần mức trung bình quốc gia, dao động 100-150 ca tử vong trên 100.000 ca sinh sống.

Đặc biệt, phụ nữ dân tộc H'Mông có nguy cơ tử vong mẹ cao gấp 7 lần so với dân tộc Kinh.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Lai Châu về hoạt động công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giai đoạn 2022-2024, tỷ suất tử vong mẹ tại khu vực dân tộc thiểu số ở địa phương này ở mức cao. 

Theo BSCKII Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu đến từ những rào cản về địa lý, nhận thức và hạ tầng y tế. Lai Châu là một địa bàn có diện tích rộng, trên 9.000 km², với nhiều xã, thôn bản nằm rải rác ở vùng sâu, vùng xa.

Ngại đến trạm xá, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn chọn sinh con tại nhà - 1

BSCKII Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu (Ảnh: UNFPA).

"Rào cản thứ hai là vấn đề ngôn ngữ và phương thức tiếp cận truyền thống. Nhiều người dân tộc thiểu số vẫn còn chậm trong việc tiếp nhận thông tin y tế, dẫn đến khó khăn trong đưa ra quyết định và thay đổi hành vi", BS Phong chia sẻ.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Lai Châu về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giai đoạn 2022-2024, tại các vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ bà mẹ tự đẻ tại nhà cao.

Điển hình như gia đình anh Giàng A Lừng (22 tuổi) và chị Lý Thị Số (21 tuổi) sinh sống tại bản Xin Chải (Mù Sang, Phong Thổ). Hai năm trước, đứa con đầu lòng được chị Số tự sinh ở nhà.

"Thời trước bố mẹ và ông bà vẫn tự đẻ ở nhà nên tới lượt vợ chồng tôi cũng chọn sinh ở nhà giống các cụ", anh Lừng chia sẻ.

Ngại đến trạm xá, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn chọn sinh con tại nhà - 2

Y sĩ Lò Thị Thanh tới thăm gia đình anh Giàng A Lừng và chị Lý Thị Số (Ảnh: Linh Chi).

Bà Lò Thị Thanh, y sĩ công tác tại trạm y tế xã Mù Sang (Phong Thổ, Lai Châu) nay đã 18 năm, người được bà con thôn bản biết tới là "cô đỡ".

Theo bà Thanh, ngoài những nguyên nhân về điều kiện địa lý còn có những rào cản về mặt tâm lý của người đồng bào dân tộc thiểu số.

Do phong tục tự đẻ ở nhà từ thời trước nên nhiều phụ nữ rất ngại và xấu hổ.

Khắc phục hạn chế về nguồn lực y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, việc thay đổi nhận thức bà con sẽ mất thời gian do phong tục lâu đời.

"Chúng ta còn hạn chế về cơ sở vật chất và đội ngũ y tế để có thể đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho bà con dân tộc thiểu số. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu sót trong việc rà soát, thăm khám và phát hiện sớm các dấu hiệu có thể dẫn đến tai biến sản khoa, tử vong mẹ", bà Loan cho biết.

Ngại đến trạm xá, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn chọn sinh con tại nhà - 3

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế phát biểu trong buổi công tác tại Trạm y tế xã Mù Sang (Ảnh: UNFPA).

Bà Loan nhấn mạnh rằng, cùng với ngân sách nhà nước, việc hợp tác quốc tế để tăng cường hỗ trợ thiết bị và nguồn lực tài chính cho các tỉnh miền núi khó khăn là một giải pháp quan trọng.

Dự án "Không ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp sáng tạo để giảm tử vong mẹ tại các khu vực dân tộc thiểu số ở Việt Nam" do Bộ Y tế phối hợp với UNFPA, MSD triển khai nhằm giảm tử vong mẹ ở khu vực dân tộc thiểu số. 

Tại xã Mù Sang (Phong Thổ, Lai Châu), dự án đã cải thiện tỷ lệ sinh tại cơ sở y tế từ 24% (2022) lên 61% (2024) và tỷ lệ phụ nữ khám thai định kỳ từ 27,2% lên 41,7%.

Ngại đến trạm xá, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn chọn sinh con tại nhà - 4

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam (Ảnh: UNFPA).

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: "Cần đẩy mạnh công tác truyền thông về việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để các cặp vợ chồng có quyền chủ động quyết định số lượng con cái, cũng như thời điểm và cách thức sinh con".