Ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Từ ngày 10/12 tới, Ngân hàng Nhà nước cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 49 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11 quy định về bảo lãnh ngân hàng. Thông tư 49 sẽ có hiệu lực thi hành từ 10/12/2024.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Trước đây, chỉ có các ngân hàng thương mại được cấp bảo lãnh cho loại hình nhà ở này.

Các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ xem xét cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư nếu đáp ứng các yêu cầu (trừ trường hợp bảo lãnh đối ứng).

Chủ đầu tư cần nhận được văn bản từ cơ quan quản lý cấp tỉnh về việc đủ điều kiện kinh doanh bất động sản trước khi bảo lãnh được thực hiện.

Ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai- Ảnh 1.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai từ ngày 10/12 tới (ảnh: Như Ý).

Trình tự bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cũng được sửa đổi. Khi chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng đề nghị, ngân hàng sẽ thẩm định, quyết định và ký thỏa thuận cấp bảo lãnh theo quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản và Thông tư 49.

Sau khi có thỏa thuận, ngân hàng sẽ phát hành văn bản cam kết bảo lãnh cho chủ đầu tư, người mua sẽ nhận bản sao khi ký hợp đồng mua hoặc thuê mua nhà ở. Bên bảo lãnh, dựa trên hợp đồng đã ký và cam kết bảo lãnh, sẽ phát hành thư bảo lãnh gửi chủ đầu tư để cung cấp cho người mua.

Thông tư 49 cũng bãi bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước công bố danh sách ngân hàng thương mại đủ năng lực cấp bảo lãnh và trách nhiệm giám sát của Cục Công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro công nghệ.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước công khai danh sách 42 ngân hàng được phép bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, trong đó, có 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)...

Ngân hàng đủ năng lực cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai phải đáp ứng 2 tiêu chí: Trong giấy phép thành lập và hoạt động (hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động) có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.

Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.