Nghiên cứu mới: Ăn chuối giúp kiểm soát huyết áp

() - Nghiên cứu từ Đại học Waterloo không phủ nhận vai trò của việc giảm muối, nhưng nhấn mạnh: việc bổ sung thêm kali cần được chú trọng nhiều hơn trong phòng và điều trị tăng huyết áp.

Từ lâu, lời khuyên "ăn nhạt để hạ huyết áp" đã trở thành nguyên tắc sống còn với những người mắc bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ Đại học Waterloo (Canada) cho thấy: việc tăng cường thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, khoai lang… có thể còn hiệu quả hơn cả việc giảm muối trong kiểm soát huyết áp.

Huyết áp cao - mối đe dọa thầm lặng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 30% dân số toàn cầu mắc bệnh tăng huyết áp, khiến đây trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong sớm. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng đang gia tăng nhanh chóng do lối sống ít vận động, chế độ ăn giàu muối và thực phẩm chế biến sẵn.

Nghiên cứu mới: Ăn chuối giúp kiểm soát huyết áp - 1

Huyết áp cao là vấn đề sức khỏe toàn cầu (Ảnh: Minh Nhật).

Trong hàng chục năm qua, các khuyến cáo y tế đều xoay quanh một nguyên tắc đơn giản: giảm muối để bảo vệ tim mạch.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới do TS Anita Layton, Đại học Waterloo chủ trì, đang đưa ra một cách tiếp cận mới: Thay vì chỉ "cắt giảm", hãy "bổ sung".

"Chúng ta thường nghe phải ăn ít muối khi bị tăng huyết áp. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra: việc bổ sung thêm kali qua thực phẩm như chuối, bông cải xanh hoặc khoai lang có thể đem lại lợi ích lớn hơn, kể cả khi chưa kịp giảm muối trong khẩu phần", TS Layton nhấn mạnh.

Natri - Kali: Cuộc chiến cân bằng trong cơ thể

Muối ăn chủ yếu là natri clorua, và natri là một trong những yếu tố chính khiến huyết áp tăng cao. Khi tiêu thụ nhiều natri, cơ thể sẽ giữ nước để duy trì cân bằng dịch, từ đó làm tăng thể tích máu và tăng áp lực lên thành mạch máu.

Trong khi đó, kali lại đóng vai trò cân bằng natri, giúp thải bớt natri qua nước tiểu, đồng thời giãn mạch, hỗ trợ tim mạch, thần kinh và cơ bắp hoạt động hiệu quả.

Nghiên cứu mới: Ăn chuối giúp kiểm soát huyết áp - 2

Chuối là loại quả giàu kali (Ảnh: Getty).

"Natri và kali giống như hai đầu cán cân. Nếu ăn nhiều muối mà không có đủ kali, hệ tuần hoàn sẽ mất cân bằng và huyết áp tăng lên", Melissa Stadt, đồng tác giả nghiên cứu, phân tích.

Nghiên cứu cũng chỉ ra một chi tiết thú vị: Người tiền sử từng có chế độ ăn rất giàu kali, chủ yếu từ rau củ và trái cây. Chính vì vậy, cơ thể con người tiến hóa để hoạt động tối ưu trong điều kiện "ít muối, nhiều kali".

Thế nhưng, chế độ ăn hiện đại - đặc biệt ở các quốc gia công nghiệp - lại hoàn toàn ngược lại: Thực phẩm chế biến sẵn, nước chấm, thức ăn nhanh… đều chứa lượng natri rất cao nhưng lại thiếu hụt kali nghiêm trọng.

Điều này lý giải vì sao các bệnh lý về huyết áp và tim mạch xuất hiện phổ biến tại các thành phố lớn, trong khi ít gặp ở các cộng đồng sống biệt lập hoặc duy trì chế độ ăn truyền thống.

Mô hình toán học hé lộ sự thật bất ngờ

Để hiểu sâu hơn về ảnh hưởng của natri và kali đến huyết áp, nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình toán học - một công cụ giúp mô phỏng các biến đổi trong cơ thể bằng các phương trình, từ đó đưa ra dự đoán sát thực tế.

Thông qua việc đưa vào các dữ liệu thực tế như mức tiêu thụ natri/kali trung bình, giới tính, thể trạng… nhóm nghiên cứu phát hiện:

- Tỷ lệ natri/kali trong khẩu phần ăn là yếu tố dự đoán huyết áp chính xác hơn cả riêng từng thành phần.

- Nam giới dễ bị tăng huyết áp hơn phụ nữ tiền mãn kinh, nhưng cũng đáp ứng tích cực hơn khi tỷ lệ kali trong khẩu phần tăng lên.

"Ngay cả khi không giảm muối, chỉ cần tăng kali, mô hình của chúng tôi vẫn ghi nhận hiệu quả hạ huyết áp rõ rệt", nhóm nghiên cứu kết luận.

Danh sách "vàng" các thực phẩm giàu kali

Kali không cần phải đến từ thực phẩm chức năng. Bạn có thể tìm thấy chất điện giải quý giá này trong những loại thực phẩm quen thuộc: Chuối, cam, dưa hấu, bơ, mơ khô, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, cà chua, bông cải xanh, rau bina, đậu đen, đậu lăng, đậu nành, sữa tươi, sữa chua không đường. 

Lưu ý: Với những người đang điều trị bệnh thận, hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc tim mạch, việc bổ sung kali cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh nguy cơ tăng kali huyết.