Ngôi nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng làm việc và "cú chen chân" của Nguyễn Hải Ninh vào bữa tiệc của các “ông lớn” ngành khách sạn

Nguyễn Hải Ninh và M-Village đang chứng minh lợi thế của người đi sau bằng cách khai thác những khoảng trống trên thị trường khách sạn.

Tú Xương, tọa lạc giữa trung tâm Quận 3, TP HCM là con đường nổi tiếng có nhiều biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975. Tại số nhà 33, một căn biệt thự song lập vừa được khoác lên tấm áo mới, chuyển đổi công năng từ trung tâm thẩm mỹ sang khách sạn với điểm nhấn là khuôn viên xanh tràn ngập ánh nắng.

Ngôi nhà mang trong mình những dấu ấn lịch sử đặc biệt, từng là nơi làm việc và tổ chức các cuộc họp với cán bộ lão thành của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – vị “kiến trúc sư” trong công cuộc Đổi Mới đất nước.

Được đặt tên President Mansion, đây là một trong những khách sạn điểm nhấn mới đi vào hoạt động trong danh mục quản lý của M-Village – công ty startup được sáng lập bởi Nguyễn Hải Ninh và các cộng sự.

Ngôi nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng làm việc và "cú chen chân" của Nguyễn Hải Ninh vào bữa tiệc của các “ông lớn” ngành khách sạn- Ảnh 1.

Công trình được tái thiết kế để trở thành khách sạn mang chủ đề “nơi an yên giữa lòng thành phố”, tách biệt hoàn toàn với phố xá đông đúc, phục vụ nhóm khách hàng trẻ tuổi thích trải nghiệm khác biệt so với tiêu chuẩn thông thường.

Cho rằng, đây là nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng, M-Village đang tiến hành những bài thuốc thử đầu tiên.

“Khi thu nhập tăng, nhận thức và nhu cầu của khách hàng thay đổi. Chúng tôi muốn đồng hành cùng sự đi lên của xã hội.” Nguyễn Hải Ninh nói với người viết trong khuôn viên cà phê của President Mansion vào buổi sáng cuối năm 2024.

Ngôi nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng làm việc và "cú chen chân" của Nguyễn Hải Ninh vào bữa tiệc của các “ông lớn” ngành khách sạn- Ảnh 2.

Khởi đầu từ mô hình co-living dành cho khách hàng có nhu cầu lưu trú dài hạn, ngày nay M-Village gần như đã chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình nhà quản lý khách sạn (lưu trú ngắn ngày), với tỷ trọng đóng góp tới 90% doanh thu.

Tại thời điểm cuối năm 2024, công ty khởi nghiệp quản lý hơn 40 cơ sở lưu trú trong danh mục (gần 2.000 phòng, gấp 8 lần quy mô phòng của khách sạn Park Hyatt Saigon), tập trung tại TP HCM, Hà Nội, và mới ra mắt tại Đà Nẵng. Trung bình mỗi tháng M-Village khánh thành thêm ba bất động sản mới, CEO Nguyễn Hải Ninh cho biết.

Xuất phát điểm của cú chuyển mình là vào tháng 6/2023, khi M-Village tiến hành khai trương khách sạn đầu tiên, gần 200 phòng, nằm trên đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP HCM.

Đối với Hải Ninh, kinh doanh là quá trình tìm tòi và thử nghiệm liên tục. Khi khởi nghiệp, chi phí thất bại phải thấp. Tới nay, anh cho biết M-Village đã “hình dung được công thức làm trong lĩnh vực khách sạn”.

Ngôi nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng làm việc và "cú chen chân" của Nguyễn Hải Ninh vào bữa tiệc của các “ông lớn” ngành khách sạn- Ảnh 3.

Gần hai năm nay, Hải Ninh và đội ngũ ấp ủ một dự án resort diện tích 25ha tại khu vực hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt, dự kiến ra mắt vào hè 2025. Đó là khu nghỉ dưỡng chìm trong tán rừng, tạo cho khách hàng cảm giác hòa nhập với thiên nhiên một cách tối đa.

Một lần nữa, M-Village bước chân vào địa hạt mới hoàn toàn so với mô hình city hotel (khách sạn trong thành phố) đang chiếm tỷ trọng phần lớn trong rổ sản phẩm hiện nay.

“Trong ngành khách sạn có lịch sử hàng trăm năm, chúng tôi sẽ không thể trở thành đơn vị lớn nhất, nhưng có cơ hội để trở thành đơn vị tạo ra xu hướng,” Hải Ninh nói. Nhà sáng lập tin rằng việc đi sau là lợi thế giúp M-Village có thể tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng.

Năm 2024, Việt Nam đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 98% so với năm 2019 kỷ lục ngay trước đại dịch COVID-19. Cùng lúc, khách nội địa du lịch khoảng 110 triệu lượt, duy trì mức cao tương đương năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt xấp xỉ 33 tỷ đô la Mỹ.

Nguyễn Hải Ninh tin rằng, những con số thống kê của ngành du lịch sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 – 10 năm tới. Riêng với khách trong nước, họ sẽ có nhu cầu nâng cấp về mặt trải nghiệm.

Trên thực tế, ngành quản lý khách sạn phân khúc cao của Việt Nam không vắng bóng anh tài. Quốc tế có những tên tuổi hàng đầu như Marriott International, InterContinental Hotels Group, Accor Hotels, Hilton Worldwide, hay Wyndham Hotel Group. Nội địa gồm Vinpearl, Sungroup, Mường Thanh, H&K Hospitality…

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch, xấp xỉ 780.000 phòng, theo Cục du lịch quốc gia Việt Nam. Trong đó, nhóm cơ sở 4 – 5 sao đóng góp gần 132.000 phòng, 17% trên tổng số. Rõ ràng, tính cạnh tranh trong ngành là khốc liệt, nhưng CEO M-Village là kiểu người luôn nhìn ly nước nửa đầy.

“Cạnh tranh cao có nghĩa là thị trường có nhu cầu. Tôi sợ phải nhảy vào thị trường không có ai cả.” - Hải Ninh khẳng định.

Ngôi nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng làm việc và "cú chen chân" của Nguyễn Hải Ninh vào bữa tiệc của các “ông lớn” ngành khách sạn- Ảnh 4.

Hải Ninh tự tin vào thế mạnh của đội ngũ, “sáng tạo, đổi mới”, sẽ là lá bài của M-Village trong ngành. Mặt khác, công ty luôn duy trì sự linh hoạt của một startup trong việc thiết kế sản phẩm, vận hành, và cả phân chia lợi ích với chủ đầu tư.

Ngành quản lý khách sạn truyền thống thực tế phổ biến việc phân chia lợi nhuận hoạt động gộp (GOP), điều này an toàn hơn đối với các nhà quản lý vận hành.

Tuy nhiên với đặc thù chủ yếu làm việc cùng các chủ bất động sản tư nhân, quy mô khách sạn từ 100 phòng đổ lại, M-Village chủ động lựa chọn mô hình chia sẻ doanh thu. Điều này có nghĩa là startup sẽ chịu toàn bộ chi phí vận hành cơ sở lưu trú, nhưng có thể tối ưu được nhờ lợi thế kinh tế quy mô.

Nguyễn Hải Ninh từ chối tiết lộ tỷ lệ phân chia doanh thu với chủ đầu tư của M-Village, nhưng nói rằng tỷ lệ này “linh hoạt” tùy thuộc vào mỗi bất động sản khác nhau.

Khi nhìn vào thị trường lưu trú hiện nay, đội ngũ M-Village phát hiện một tập khách hàng thích trải nghiệm 4 – 5 sao, nhưng chưa trả được mức giá cao như tại các khách sạn lớn. Đó là những biểu hiện của nhu cầu đi lên, nhưng mức chi tiêu chưa đáp ứng kịp.

Điều mà công ty startup này làm là đưa ra sản phẩm mới, giữ lại những gì khách hàng cần, loại bỏ những chi tiết thừa, vận hành tối ưu hơn, từ đó đưa ra cho khách hàng một mức giá vừa túi tiền.

Ngôi nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng làm việc và "cú chen chân" của Nguyễn Hải Ninh vào bữa tiệc của các “ông lớn” ngành khách sạn- Ảnh 5.

“Việt Nam vẫn chưa phải là quốc gia giàu, tôi tin rằng việc đưa ra mức giá vẫn cần phải chăng,” Hải Ninh nói. Đó là lợi thế của các nhà quản lý vận hành khách sạn nội địa, vị CEO nhấn mạnh.

Một thế mạnh nữa mà Nguyễn Hải Ninh nhắc đến ở M-Village đó là khả năng tạo ra trải nghiệm giàu cảm xúc cho khách hàng. Anh nói rằng, khi lần đầu bước vào President Mansion, anh có cảm giác “chắc chắn khách sạn này sẽ thành công”.

Hải Ninh có linh cảm của người với hơn thập kỷ khởi nghiệp qua các mô hình khác nhau, thế mạnh là tạo ra trải nghiệm tiêu dùng ấn tượng cùng khả năng xây dựng và phát triển cộng đồng.

Ngôi nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng làm việc và "cú chen chân" của Nguyễn Hải Ninh vào bữa tiệc của các “ông lớn” ngành khách sạn- Ảnh 6.

Năm ngoái, Trip.com Group, tập đoàn du lịch trực tuyến của Trung Quốc đầu tư 10 triệu USD vào M-Village, qua đó sở hữu 22,5% cổ phần. Đây là bước tiến nhanh chóng đối với một công ty mới chỉ ba năm tuổi hoạt động.

Thực tế, trước đó M-Village đã là đối tác lớn nhất của Trip.com tại Việt Nam, Nguyễn Hải Ninh cho biết.

Sự tham gia vốn cổ phần của một tập đoàn lâu năm trong lĩnh vực lưu trú đem đến cho M-Village thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn, điều quan trọng nhất mà vị CEO nhấn mạnh, so với các nhà đầu tư tài chính khác.

Trung Quốc cũng là thị trường dạy cho Hải Ninh và các cộng sự bài học về “tham vọng và sự tự tin để làm”. Anh lấy ví dụ về Atour, một công ty khởi nghiệp từ năm 2013, trở thành nhà quản lý khách sạn dẫn đầu Trung Quốc về số lượng phòng (138.000 đơn vị tính đến cuối năm 2023), vượt qua cả các thương hiệu quốc tế đình đám.

“Tỷ lệ lấp đầy phòng trên hệ thống của M-Village đạt trên 90%,” Nguyễn Hải Ninh chia sẻ với người viết. Lý giải cho con số đáng kinh ngạc này, vị CEO nói rằng tất cả đến từ việc làm sản phẩm kỹ lưỡng, nhắm đúng đối tượng, và mức giá cả phải chăng. Việc tiên phong phát hiện và đáp ứng nhu cầu của khách hàng đem đến cho công ty khởi nghiệp ít nhiều lợi thế.

M-Village đã nhìn thấy con đường của mình trong 2 – 3 năm tới, đó là mở rộng về cả quy mô bất động sản, nhắm đến phân khúc cao hơn, và cả độ phủ trên khắp Việt Nam.

Nhưng hành trình tiếp nối vẫn đang là điều mà đội ngũ sáng lập startup trăn trở, như cái cánh mà Hải Ninh nói: “Chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi việc khách hàng muốn thứ gì.”

Với kinh nghiệm khởi nghiệp dạn dày của mình, Nguyễn Hải Ninh luôn nhìn trước đường đi cho khoảng ba năm - quãng thời gian vừa đủ tại môi trường Việt Nam, vừa đủ cho các nhà lãnh đạo khởi nghiệp có cơ hội tính toán một cách tương đối chính xác.