![]() |
Chị Inae Kim cùng chồng và hai con gái ngủ trên hai chiếc giường cỡ lớn ghép lại, ngay trong phòng khách căn hộ chung cư tại Seoul (Hàn Quốc). |
Mỗi đêm, vợ chồng chị Inae Kim (ngụ tại Seoul, Hàn Quốc) lại cùng hai con gái 5 và 7 tuổi nằm trên hai chiếc giường cỡ lớn kê sát nhau, theo The New York Times.
Dù biết mình ngủ ngon hơn nếu không có trẻ con nằm bên, chị Kim vẫn chiều ý chồng, anh luôn tin rằng ngủ chung giường là cách gắn kết tình cảm cha mẹ với con cái.
Trái ngược với quan điểm của phương Tây - nơi ngủ riêng sớm là chuẩn mực và ngủ chung thường bị xem là thiếu an toàn, Hàn Quốc và nhiều nơi khác tại châu Á, ngủ chung với con không phải là điều bất thường. Ngược lại, câu hỏi mà các bậc cha mẹ thường đặt ra không phải là “có nên ngủ chung hay không”, mà là “bao giờ mới nên dừng lại?”.
Văn hóa ngủ chung với con
Tại căn hộ nhỏ ở Hong Kong (Trung Quốc), chị Vicky Tsang thường cùng con trai 8 tuổi ngủ trên một chiếc giường đôi duy nhất. Khi được hỏi vì sao vẫn chưa “cho con ra ngủ riêng”, chị cười: “Thứ nhất là vì không có phòng nào khác, thứ hai là vì tôi chưa sẵn sàng”.
Với nhiều bậc cha mẹ như chị, việc ngủ cùng con không đơn giản là tiện lợi mà là khoảnh khắc yên bình hiếm hoi sau một ngày dài, nơi họ được ôm con trong lòng, cảm nhận hơi thở và sự hiện diện của nhau.
Ở Seoul của Hàn Quốc, chị Erin Lim, người từng lớn lên trong một gia đình ba thế hệ cùng ngủ trong một căn phòng, cho biết điều đó không bao giờ bị xem là “bất thường”. “Thực ra tôi thấy an toàn khi ngủ cạnh mẹ và giờ các con tôi cũng vậy”, chị nói.
![]() |
Dù tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhiều gia đình Ấn Độ vẫn giữ thói quen ngủ chung như một phần truyền thống nuôi dạy con. |
Còn tại New Delhi (Ấn Độ), chị Himani Dalmia, chuyên gia tư vấn giấc ngủ, khẳng định: “Ngay cả những cha mẹ thành thị hiện đại, tiếp cận văn hóa phương Tây, cũng không dễ tách khỏi thói quen ngủ chung. Nhiều người vẫn tìm đến tôi chỉ để hỏi: ‘Tôi muốn ngủ chung với con nhưng không dám nói với ai, có được không?’”. Bản thân chị Dalmia vẫn ngủ với hai con, hiện đã 7 và 9 tuổi, và không thấy có gì sai trái.
Khảo sát năm 2010 cho thấy hơn 60% gia đình tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và hơn 70% tại Ấn Độ, Đông Nam Á có thói quen ngủ chung giường với con. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước như Mỹ, Canada, Australia chỉ dao động 5-15%. Dù có sự gia tăng nhẹ trong những năm gần đây, tỷ lệ thực tế có thể còn cao hơn do nhiều cha mẹ không nói thật vì sợ bị phán xét.
Không ít gia đình châu Á còn duy trì việc ngủ chung cho đến khi con lên 10-12 tuổi, như một phần của văn hóa nuôi dạy con. Với họ, khoảng thời gian ngủ cùng con là cơ hội quý giá để thắt chặt tình cảm, điều mà không phải lúc nào cũng duy trì được trong nhịp sống bận rộn.
![]() |
Khác với phương Tây, nơi trẻ được khuyến khích ngủ riêng từ sớm, nhiều quốc gia châu Á xem ngủ chung là cách cha mẹ thể hiện tình yêu và giữ gìn sự gắn bó gia đình. |
Thiếu an toàn
Tại Mỹ và nhiều nước phương Tây, việc cha mẹ ngủ chung giường với con nhỏ thường bị xem là không phù hợp hoặc thậm chí nguy hiểm.
Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo không nên ngủ chung với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi vì nguy cơ đột tử. Do đó, các bậc phụ huynh tại đây thường chọn đặt nôi ở phòng riêng, sử dụng các phương pháp "huấn luyện giấc ngủ" để giúp trẻ ngủ độc lập từ sớm.
Tuy nhiên, với nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Việt Nam, ngủ chung giường là chuyện đương nhiên. Việc này không chỉ xuất phát từ điều kiện sống thực tế như căn hộ nhỏ, thiếu phòng riêng, mà còn từ truyền thống gắn bó gia đình, sự gần gũi về thể chất và cảm xúc giữa cha mẹ và con cái.
Nhiều cặp vợ chồng ở châu Á chấp nhận hy sinh thoải mái cá nhân để giữ lấy cảm giác gần gũi, gắn bó với con trong những năm đầu đời.
![]() |
Anh Tan Peng Yong bên ba cô con gái nhỏ trong căn hộ cao tầng tại Singapore. Dù từng chịu áp lực phải “ngủ riêng”, họ quyết định lắng nghe bản năng làm cha mẹ. |
“Được con đánh thức là một trong những cảm giác tuyệt vời nhất,” anh Tan Peng Yong ở Singapore chia sẻ. Anh và vợ, chị Ho Kin In, có ba cô con gái nhỏ và vẫn duy trì thói quen ngủ chung giường trong căn hộ cao tầng.
Dù từng chịu nhiều áp lực từ các diễn đàn nuôi con theo hướng “khoa học hiện đại”, vợ chồng anh vẫn quyết định đi theo bản năng làm cha mẹ bằng cách để con ngủ gần, được ôm ấp mỗi đêm.
Tuy nhiên, sự lựa chọn này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một số cha mẹ thừa nhận giấc ngủ bị gián đoạn thường xuyên, ảnh hưởng đến năng suất công việc vào hôm sau. Không ít người cũng cảm thấy khó giữ được sự riêng tư trong đời sống vợ chồng khi luôn có sự hiện diện của con trẻ ngay trên giường.
Một số gia đình tìm cách thích nghi bằng cách đặt thêm một giường phụ, hoặc cho con ngủ trên đệm riêng kê sát giường bố mẹ. Những giải pháp “trung lập” này giúp cân bằng giữa nhu cầu gắn bó và sự độc lập.
Dù vậy, nhiều trường hợp chia sẻ rằng quá trình “chia giường” với con không đơn giản. Nhất là khi trẻ đã quen cảm giác an toàn, ấm áp bên cha mẹ, việc chuyển sang ngủ riêng dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực như khóc, lo lắng hoặc mất ngủ.
![]() |
Gia đình chị chị Vicky Tsang sinh hoạt trong căn hộ chỉ rộng hơn 30 m2 tại Hong Kong. |
Không chỉ vậy, áp lực xã hội cũng có thể đến từ hai chiều. Nếu ở phương Tây, ngủ chung bị xem là “kém khoa học” thì tại nhiều xã hội Đông Á, việc tách giường sớm đôi khi lại bị đánh giá là lạnh lùng hoặc thiếu tình cảm.
Trở về với câu chuyện của gia đình chị Kim ở Seoul. Một số bạn của chị có con ngủ chung giường với bố mẹ đến tận 12 tuổi, ngay cả khi điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và đời sống tình dục của cha mẹ. Điều đó là quá sức với cô.
Vì vậy, Kim và chồng quyết định 2 bé gái sẽ chuyển sang phòng mới sau khoảng 2 năm nữa. Kế hoạch này có diễn ra hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Họ định lắp giường tầng nhưng cả hai con gái đều không muốn ngủ ở tầng trên. “Bọn trẻ sợ bị ngã xuống đất”, cô vừa kể vừa cười.
Cuốn sách viết cho mẹ
Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. Trong Triệu lá thư gửi mẹ, mỗi trang sách là một phong thư nhỏ, chứa đựng lời nhắn gửi chân thành và sâu sắc để dành tặng những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.