Người công tác pháp luật lâu năm có thể được bổ nhiệm Thẩm phán bậc cao nhất
Vừa qua, trình bày tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bậc, điều kiện từng bậc, nâng bậc Thẩm phán; số lượng cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Chí Tuệ cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm 3 bậc.
Theo đó, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1 (tức Thẩm phán sơ cấp chuyển xếp sang): có ở Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp huyện; Tòa án quân sự khu vực.
Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 (Thẩm phán trung cấp chuyển xếp sang): có ở Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố; Tòa án sơ thẩm chuyên biệt; Tòa án nhân dân cấp huyện; Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực.
Ngày 6/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 (Thẩm phán cao cấp chuyển xếp sang): có ở Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; Tòa án quân sự trung ương; Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
Đáng chú ý, về điều kiện của từng bậc Thẩm phán, điều kiện này được xây dựng theo luật Tổ chức Tòa án nhân dân và theo nguyên tắc: Thẩm phán Tòa án nhân dân ở bậc cao hơn phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm Thẩm phán ở bậc thấp hơn.
Tòa án nhân dân tối cao đề xuất người có thời gian công tác pháp luật từ 10 năm trở lên có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2; từ 15 năm có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định chi tiết số lượng, cơ cấu tỷ lệ cấp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân; Quyết định xếp bậc, nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân; thủ tục, hồ sơ đề nghị xét nâng bậc, xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân; Quy định về điều kiện chuyển tiếp.
Bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 gồm 9 chương, với 152 điều, giảm 2 chương, tăng 54 điều so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Luật này thay thế Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung 101 điều, bổ sung mới 48 điều và giữ nguyên 3 điều. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.
Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân, tại các Điều 94, 95 luật đã bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi phải từ đủ 28 tuổi trở lên.
Đối với người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại các Tòa án thì không cần điều kiện phải được “đào tạo nghiệp vụ xét xử ” nhưng phải có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên nếu được điều động sang làm lãnh đạo tại các Tòa án nhân dân cấp huyện; từ đủ 15 năm trở lên nếu được điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự trung ương.
Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tại Điều 96 của Luật đã bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên và phải có từ đủ 20 năm trở lên công tác tại Tòa án (trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm Thẩm phán Tòa án nhân dân); trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có từ đủ 5 năm trở lên làm Thẩm phán Tòa án nhân dân.
Luật cũng bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ sung quy định về giới hạn số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm từ nguồn ngoài Toà án không quá 2 người.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 cũng bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa tại Điều 150.
Theo đó, nếu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.