Người con Việt Minh kể về người cha cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa
13:30 20/04/2025
Ông Trần Văn Dõi, người lính miền Nam từng tham chiến ở Điện Biên Phủ, kể kỷ niệm về cha mình, tức Tổng thống Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương.
Ông Trần Văn Dõi khi đã về hưu - Ảnh: GĐCC
Lần đầu gặp lại sau 30 năm, cha con tôi xúc động lắm nhưng không ai khóc, bởi hình như nước mắt đã chảy hết vào lòng rồi.
"...Chia tay gia đình để ra Bắc từ năm 1946, mãi tới ngày hòa bình sau gần 30 năm tôi mới gặp lại được ba, còn mẹ thì không kịp nhìn lần cuối" - ông Trần Văn Dõi, người lính miền Nam từng tham chiến ở Điện Biên Phủ, kể kỷ niệm về cha mình, tức Tổng thống Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương.
"Ra đi hai bàn tay trắng. Trở về một dải giang sơn...". Những câu thơ ông Trần Văn Dõi viết trong hồi ký của mình.
Cha, con và hai con đường trái chiều
Những ngày còn khỏe ở ngôi nhà nhỏ trong hẻm đường Cộng Hòa, TP.HCM, ông Dõi đã tâm sự nhiều với tôi về kỷ niệm buổi trùng phùng cha con không ai khóc. Tuy nhiên sau đó, ông có việc phải quay ra Hà Nội thì người cha lại không kìm được nước mắt.
Ông Trần Văn Hương đã bật khóc thành tiếng. Lúc này, vị cựu tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ đã già yếu, bệnh tật ở tuổi gần 80 rồi. Ông sợ không kịp gặp lại con trai mình. Lần chia tay trước, cha con đã hoàn toàn cách biệt nhau gần 30 năm suốt từ khi đất nước còn khói lửa chiến tranh đến ngày hòa bình.
Ngược dòng lịch sử gần 30 năm trước ngày 30-4-1975, ông Dõi chia tay cha mẹ để ra Bắc học Trường Võ bị,
Giấy khen tham gia chiến đấu trong cuộc chiến 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội của ông Trần Văn Dõi (còn có tên Lưu Vĩnh Châu ở miền Bắc)
Ngày trùng phùng đặc biệt
Lần gặp nhau cuối cùng ở TP.HCM, ông Dõi cao tuổi và nhiều ốm đau cuối đời đã cho tôi xem quyển nhật ký như hồi ký đời mình. Trong đó có đoạn ghi năm 1968, ông nghe đài phát thanh, biết cha giữ chức vụ quan trọng trong miền Nam. Sau nhiều đêm mất ngủ vì suy nghĩ, ông quyết định báo cáo cấp trên.
Đoạn hồi ký ghi ngày 10-6-1968, ông viết: "Nhờ anh Khuê tìm cách cho gặp được ông Ung Văn Khiêm (Bộ trưởng Bộ Nội vụ) để báo cáo. Ông Khiêm tiếp đón mình rất thân mật và hỏi han, dặn dò rất kỹ. Trước mắt là hết sức giữ bí mật và chưa được báo cáo việc này với ai. Ông nói ông sẽ báo cáo trực tiếp với ông Phạm Văn Đồng và Lê Duẩn...".
Ông Dõi có kể tiếp là sau đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ung Văn Khiêm đã yêu cầu ông báo cáo vấn đề người cha cho Đảng ủy Tổng cục Địa chất là nơi ông đang làm việc. Thỉnh thoảng, ông Khiêm lại kêu ông lên để thân mật hỏi chuyện và tiếp tục dặn dò không được nói vấn đề này với bất cứ ai không có trách nhiệm.
Đặc biệt, trang hồi ký của ông Dõi ghi tháng 10-1972 có đoạn viết: "Bộ Nội vụ (ông Ung Văn Khiêm) yêu cầu mình viết thư cho ba, bảo cho biết tình hình mình còn sống, có vợ con, được học hành...
Tổ chức yêu cầu gì mình làm nấy chứ thật ra mình cũng không hy vọng gì thay đổi chí hướng của ông già...". Lá thư được gửi đi theo một kênh đặc biệt mà chính ông Dõi không rõ và cũng không nhận được thư hồi âm nào.
Về chi tiết rất đặc biệt này, tôi đã hỏi ông Dõi sau ngày thống nhất đất nước, gặp lại cha mình ở Sài Gòn, ông có hỏi cha đọc được lá thư gửi từ miền Bắc năm 1972 hay không?
Ông trầm tư trả lời là có hỏi nhưng ông Hương chỉ im lặng, như không muốn trả lời con. Chắc ông không muốn con trai từng ở bên kia chiến tuyến hỏi tiếp nếu đã đọc thư con vì sao cha lại tiếp tục làm phó tổng thống, rồi tổng thống Sài Gòn.
Trở lại diễn biến tháng 4-1975, ông Dõi kể mình đã theo dõi tin tức đài phát thanh xem cha có di tản ra nước ngoài như nhiều lãnh đạo ở Sài Gòn lúc đó hay không.
Hồi ký ông ghi: "11h30, ngày 30-4-1975, chính quyền miền Nam đầu hàng. Cả nước reo mừng hết chiến tranh, hết chết chóc. Rồi đây mình sẽ gặp lại người thân. Mẹ bây giờ ra sao. Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm...". Ông không hề biết mẹ mất cách đó vài tháng rồi, ngày 30-12-1974. Bà đã đợi chờ nhưng không kịp hội ngộ ngày đứa con đi kháng chiến trở về.
Hồi tưởng kỷ niệm lịch sử này, ông Dõi vẫn xúc động kể anh em miền Nam ra Bắc như ông ai cũng mừng vui bàn tán ngày hồi hương. Tuy nhiên, hoàn cảnh công tác khiến ông chưa thể về được dù nhiều đêm mất ngủ vì đợi chờ.
Vợ ông, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung (cũng là một người Bến Tre tập kết ra Bắc năm 1954) được về Nam trước cùng con trai. Còn ông phải ở lại công tác và lo thủ tục cho con gái chuẩn bị đi học Hungary. Ông Trần Văn Hương lúc đó đã ốm đau nhiều, rất xúc động khi lần đầu được gặp con dâu và cháu nội.
Mãi đến tháng 12-1975, ông Dõi mới được nghỉ phép vào Nam sau 29 năm xa cách. Ông thực hiện chỉ đạo "đến báo cáo trước với Trung ương cục", mới về gặp cha mình. Hồi ký ông ghi: "Ngày 15-12-1975, 10 giờ về gặp ba. Tuy đã nghe nói trước nhiều nhưng ba bây giờ già yếu quá nhiều, ốm yếu bệnh tật.
Ba cũng rất xúc động. Ba xem chừng cũng có ít nhiều mặc cảm, ráng đừng để ông cụ phải nghĩ ngợi thêm... Mình cùng vợ con đi thăm mộ mẹ. Bà con xa gần, bên mình bên vợ, đến thăm chật nhà... Ông già vợ mình và ba, hai ông sui gia bây giờ mới được gặp mặt nhau".
30 năm đã trôi qua với quá nhiều dâu bể thời cuộc, người con trai đi kháng chiến ở miền Bắc mới được ăn cái tết năm 1976 cùng cha mình.
Mặc dù lúc ấy còn khó khăn, vợ chồng ông Dõi vẫn gói bánh tét và làm mâm cúng mẹ để làm vui lòng cha đã tuổi gần đất xa trời. Trong bữa cơm, ông Trần Văn Hương vui cười bên con cháu, nhưng sau đó ông lại bắc chiếc ghế ngồi trầm ngâm một mình nhìn ra đường.
Đến tháng 2-1976, ông Dõi lại phải chia tay cha ra Hà Nội. Lần này thì ông Hương đã không kìm được nước mắt, ông sợ không kịp gặp lại con trai mình một lần nữa. Tuy nhiên kể từ đó, năm nào ông Dõi cũng về Nam ăn tết với cha.
Đến năm 1978, ông được chính ông Lê Đức Thọ gọi lên hỏi thăm tình hình gia đình và ông Trần Văn Hương. Sau đó vài ngày, ông được tăng hai bậc lương và chuyển hẳn về Nam để chăm sóc cha những ngày cuối đời.
Ông Trần Văn Hương mất năm 1982, trước đó một năm ông Dõi cũng đã nghỉ hưu để được gần gũi nhiều hơn bên cha mình.
30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 6: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn
Sau bước ngoặt lịch sử 30-4-1975, rất nhiều cuộc đoàn viên cảm động và cũng không ít éo le do hoàn cảnh đất nước hàng chục năm phải phân chia chiến tuyến: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn.
Mark Zuckerberg đã nỗ lực đến phút cuối cùng để tránh khỏi cuộc đối đầu trực tiếp ở phiên tòa chống độc quyền. Tuy nhiên, CEO Meta được cho là đã đưa ra một lời đề nghị khiêm tốn đến khó tin.
Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân Huỳnh Tuấn Ân bị cáo buộc có hành vi đưa hối lộ cho 4 lãnh đạo, cán bộ tại PC Bình Thuận và được trúng thầu với giá cao, trái quy định.
Công văn số 03/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã định hướng đối với đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có y tế, giáo dục).
Dấu mốc đầu tiên cho hình hài của khu đô thị lấn biển Cần Giờ - siêu dự án của Vingroup được mong chờ sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho Cần Giờ và TP HCM đã bắt đầu.