Người dân ồ ạt mua thuốc Tamiflu, dược sĩ nói không nên tích trữ

() - Các hệ thống cung ứng thuốc ghi nhận số lượng người quan tâm và mua thuốc Tamiflu điều trị cúm tăng mạnh.

Tăng mạnh người mua thuốc Tamiflu

Trao đổi với phóng viên ngày 11/2, đại diện hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu cho biết, trước tình hình dịch bệnh cúm diễn biến phức tạp, số lượng khách hàng liên hệ tìm hiểu thông tin về thuốc Tamiflu (thuốc kháng virus điều trị cúm) tăng gấp 7 lần so với ngày thường.

Song song đó, lượng người mua thuốc cũng tăng mạnh. Dù nhu cầu của người dân tăng, giá bán Tamiflu tại Long Châu vẫn bình ổn so với thời điểm trước đó, giữ mức 520.000 đồng/hộp 10 viên.

Ông Châu Thanh Tú, Dược sĩ trưởng Hội đồng chuyên môn dược, hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu chia sẻ, hiện nay, nguồn cung Tamiflu của đơn vị vẫn còn thiếu so với nhu cầu của khách hàng.

FPT Long Châu đang liên tục làm việc cùng nhà sản xuất và nhà phân phối, để có thêm nguồn cung kịp thời phục vụ khách hàng, với cam kết bình ổn giá thuốc hợp lý. Vì vậy, người dân không nên mua tích trữ số lượng lớn, ảnh hưởng đến cơ hội điều trị của các bệnh nhân khác.

Người dân ồ ạt mua thuốc Tamiflu, dược sĩ nói không nên tích trữ - 1

Người dân đến hệ thống FPT Long Châu mua thuốc (Ảnh: LC).

Ông Tú cho biết thêm, các nhà thuốc kinh doanh Tamiflu (Oseltamivir) đều phải bán theo đơn của bác sĩ kê và vẫn kiểm soát xuất nhập tồn theo đúng quy định của Bộ Y Tế. Người dân chỉ mua thuốc sau khi được thăm khám và kê đơn, trong khi bác sĩ phải kê đúng thuốc, đúng bệnh, không thừa cho đợt điều trị.

Song song đó, dược sĩ bán, cấp phát thuốc cũng phải có đủ kiến thức pháp chế dược, bệnh và thuốc để bán đúng và tránh tư vấn sai thừa dẫn đến lạm dụng thuốc.

Còn đại diện Pharmacity chia sẻ, thời gian gần đây, số lượng khách hàng đến hệ thống nhà thuốc này mua thuốc điều trị cảm cúm tăng hơn 50%, trong đó có thuốc Tamiflu. Nguyên nhân chủ yếu do người dân nắm bắt thông tin về dịch cúm đang bùng phát.

Trước tình hình này, Pharmacity đã chuẩn bị dự phòng số thuốc đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhờ việc lên kế hoạch đảm bảo nguồn thuốc với nhà cung cấp từ trước, nên hoàn toàn không có tình trạng khan hiếm thuốc.

Dù nhu cầu tăng cao nhưng chuỗi nhà thuốc nêu trên khẳng định không điều chỉnh giá các loại thuốc đặc trị cúm, nhằm đảm bảo người dân đều có thể mua được thuốc.

Người dân ồ ạt mua thuốc Tamiflu, dược sĩ nói không nên tích trữ - 2

Hệ thống Pharmacity cho biết không khan hiếm thuốc điều trị cúm (Ảnh: Pharmacity).

Phía Pharmacity cho biết thêm, các thuốc kháng virus như Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir (Relenza) có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và rút ngắn thời gian phục hồi nếu được sử dụng sớm.

Tuy nhiên, thuốc chỉ có hiệu quả khi sử dụng đúng thời điểm và đúng chỉ định với tình trạng lâm sàng được bác sĩ xem xét kỹ. Người dân không nên tự trữ và sử dụng ở nhà.

Không khan hiếm thuốc, tăng cường kiểm tra việc cung ứng

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.

Đối với Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp. Công ty vừa xuất bán cho đơn vị phân phối hơn 30.000 hộp, và sắp tới sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp.

Ngoài ra, thuốc chứa Oseltamivir cũng được sản xuất và cung ứng trong nước, với số lượng trên 300.000 viên có sẵn và giá bán buôn vẫn giữ nguyên.

Cục Quản lý Dược cảnh báo, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán thuốc nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 điều 15 Nghị định 87/2024 của Chính phủ, với số tiền phạt từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy định tại khoản 4 điều 3 Nghị định này.

Người dân ồ ạt mua thuốc Tamiflu, dược sĩ nói không nên tích trữ - 3

Lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế kiểm tra việc cung ứng thuốc tại bệnh viện dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: BYT).

Cũng theo quy định trên, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể là phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.

Trước đó, Cục Quản lý Dược đã có các văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động về nguồn cung, không được găm hàng tăng giá. Trong đó, Cục đề nghị các đơn vị đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân.

Sở Y tế các tỉnh, thành được yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ phải chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm.

Cục Quản lý Dược cũng lưu ý các đơn vị sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.